Việc CLB Sài Gòn Xuân Thành đổi tên thành Sài Gòn FC với mong muốn đấy sẽ là đội bóng mang phong cách bóng đá Sài Gòn cùng tấm quảng cáo “CLB Sài Gòn FC là của người hâm mộ Sài Gòn” cho thấy mục tiêu của những ông chủ đại diện cho CLB này. Mục tiêu rất hay và rất đẹp nhưng rõ ràng cách để thành hiện thực lại không hề đơn giản chút nào.
Hồi đấy Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, mỗi đội chơi theo một bản sắc riêng nhưng nhìn chung đều là hình ảnh của bóng đá Sài Gòn với yếu tố kỹ thuật, lối chơi đẹp và ít tiểu xảo. Hoặc sau này có thêm CA TPHCM thì hình ảnh của bóng đá Sài Gòn vẫn hiện diện qua lứa cầu thủ khóa 5 Trường Nghiệp vụ Thể thao hội tụ về cùng cái chất của bóng đá Sài Gòn.
Bây giờ khi hàng loạt đội bóng vốn được xem là ruột thịt của bóng đá Sài Gòn hoặc bị bán đi, hoặc giải thể thì nhiều người lại tiếc nuối cho hình ảnh của bóng đá Sài Gòn. Khi mà TMN.CSG được chuyển từ Cảng Sài Gòn sang thì giờ đã mất gốc. Trong khi đó Navibank SG thay đổi phần nền của Quân khu 4 để có mùi vị của bóng đá Sài Gòn thì vẫn còn rất gian nan.
Rõ nhất là Sài Gòn FC với nhiều chiến dịch cho cuộc tìm lại hình ảnh của bóng đá Sài Gòn ngày nào lại vẫn cho thấy gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Một ban huấn luyện cùng ông giám đốc điều hành cũng xuất thân từ bóng đá TPHCM nhưng lại chưa thể “lái” đội bóng chơi theo phong cách bóng đá TPHCM. Cái cỗ máy hủy diệt của giải hạng Nhất mùa 2011 giờ chơi ở Super League với sự tăng cường đậm hơn mới chỉ cho thấy đó là 11 ngôi sao biết đá bóng chứ chưa phải là một tập thể chơi bóng gắn kết như hình ảnh đã ăn sâu trong lòng người hâm mộ Sài Gòn.
Hình ảnh của bóng đá Sài Gòn trước đây rất giống với lối chơi Latinh hóa thì nay ở Sài Gòn FC lại nặng phần vượt tuyến, đá dài cho các cầu thủ ngoại giá cao xử lý và hai vòng đấu qua điều đấy cứ lặp đi lặp lại.
Để đi tìm lại hình ảnh của bóng đá Sài Gòn, chắc chắn với suy nghĩ mua nhiều cầu thủ giỏi và sẽ đá hay như bóng đá Sài Gòn trước đây là sai lầm. Mọi cái phải bắt đầu từ ý thức của mỗi cầu thủ hay nói đúng hơn là từ việc xây dựng nền tảng cho các cầu thủ khi ở tuyến trẻ để hình thành kỹ năng được tôi luyện từ ý thức.
Giờ lại thấy thèm với hình ảnh cựu tuyển thủ Đỗ Văn Khá ngày nào nắn nót từng động tác, chế dụng cụ tập và giữ bóng để các cầu thủ năng khiếu chạy đến đá đúng động tác. Chính bác Khá là người đã rèn giũa cho lứa Đặng Trần Chỉnh, Trương Văn Dưỡng… tập tành ở tuổi 14-15 và sau này thừa kế những di sản của bóng đá Sài Gòn và cứ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác.
Tìm lại hình ảnh và đặc sản của bóng đá Sài Gòn không thể mua ngay được bằng tiền mà phải là cách làm xuyên suốt thật lớp lang thay cho việc đổ tiền mua về 11 ngôi sao.
NGUYỄN NGUYÊN
Các tin, bài viết khác
-
FIFA ấn định thời gian và địa điểm bốc thăm chia bảng VCK World Cup nữ 2023
-
Việt Nam đăng cai vòng loại bảng U17 châu Á 2023
-
Đội tuyển Việt Nam sẽ so tài cùng đội Afghanistan tại TPHCM
-
Quang Hải vào “khoác áo” CLB Cần Thơ
-
Xứng danh Quả bóng Vàng Việt Nam
-
AMY CUP: Xăng dầu Phước Hưng đăng quang vô địch, khép lại giải đấu đầy sôi động và thành công
-
HAGL chia tay AFC Champions League 2022 bằng chiến thắng
-
Futsal nữ Việt Nam kết thúc tập huấn nước ngoài, gia nhập ‘làng’ SEA Games 31
-
Đội Olympic Việt Nam sẽ dự phòng cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31
-
AMY CUP: 2 trận BK kịch tính phải đá 11m luân lưu, Xăng dầu Phước Hưng tái chiến Nghĩa Tình - Kim Ngân ở CK