Thương nữ cầu thủ

Có một chút may mắn cho các cô gái đá bóng, khi trận chung kết Cúp quốc gia môn bóng đá nữ 2020 vừa khép lại thì Việt Nam bước vào đợt phòng chống dịch Covid-19 mới sau hơn 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 
TPHCM lần đầu vô địch Cúp Quốc gia 2020. Ảnh: MINH HOÀNG
TPHCM lần đầu vô địch Cúp Quốc gia 2020. Ảnh: MINH HOÀNG

Chưa biết giải vô địch quốc gia nữ có được tiến hành trong năm nay hay không, trước mắt là kế hoạch thi đấu dự kiến từ giữa tháng 8 này sẽ không thể xảy ra. Nên ít ra, các cô gái của chúng ta cũng đã được chơi bóng trọn vẹn ở Cúp quốc gia.

Cầu thủ đương nhiên phải ra sân mới duy trì phong độ, nhưng với các nữ cầu thủ, được đá bóng còn vì… miếng cơm, manh áo. Đa số các đội bóng nữ vẫn do ngân sách địa phương nuôi nên mức lương rất thấp. Trừ đi tiền ăn, phần dư ra hàng tháng chỉ trên dưới 5 triệu đồng, trong khi nhu cầu làm đẹp, phụ giúp gia đình thì nhiều hơn cả các cầu thủ nam chưa lập gia đình. Thế nên, mọi hy vọng về tài chính đều gởi gắm vào việc thi đấu. Có đá giải thì chế độ bồi dưỡng tính theo ngày mới tăng lên, kế đến là tiền thưởng. Mặc dù một giải đấu như Cúp quốc gia 2020 vừa qua, tiền thưởng của đội vô địch chỉ là 100 triệu đồng, quá bé nhỏ, nhưng chia đều ra cho toàn đội thì hơn 2 tuần lễ đá bóng cũng giúp cầu thủ có dư ra phần thu nhập tương đương một tháng tiền lương.

Dịch Covid-19 có thể không gây thiệt hại lớn cho nền thể thao Việt Nam do yếu tố chuyên nghiệp chưa cao, nhưng với cá nhân VĐV thì năm 2020 thực sự quá khó khăn. Không thi đấu thì chỉ còn sống bằng nguồn tiền lương cố định, nhưng vẫn phải duy trì tập luyện để giữ phong độ. Các sự kiện thể thao trên thế giới cũng như tại Việt Nam liên tục đưa ra thông báo hoãn, hủy từ tháng 3 đến nay, nhiều môn hầu như không còn kế hoạch thi đấu nào cho đến giữa năm sau, đồng nghĩa với HLV và VĐV sẽ giảm thu nhập đến mức tối thiểu, có khi phải bỏ nghề.

Thể thao Việt Nam luôn xuất hiện những “chiến binh”, rất mạnh về yếu tố tinh thần trong các giải đấu quốc tế, có nguyên nhân đến từ nỗ lực của các VĐV mỗi khi được lên đội tuyển quốc gia. Thi đấu trong nước thu nhập không cao, nhưng nếu có huy chương quốc tế thì sẽ được thưởng lớn theo chế độ. Một lần đoạt huy chương có khi nhận thưởng ngang với thu nhập từ lương cả năm. Ví dụ như chiếc HCV SEA Games 30 vừa qua đã giúp cho đội tuyển nữ nhận tiền thưởng kỷ lục, cao còn hơn cả đội tuyển U23. Hay như chỉ cần thắng một trận đấu ở vòng loại Olympic để vào vòng play-off, cầu thủ nữ cũng nhận hơn 1 tỷ đồng tiền thưởng. Động lực này khiến họ cố gắng nhiều hơn, nhưng mặt trái của nó, là với những biến cố như Covid-19, thì xem như tập luyện cả năm trời mà không kiếm ra tiền để phụ giúp gia đình.

Những người quan trọng nhất của ngành thể thao, hóa ra lại dễ bị tổn thương nhất. Tiếc là cho đến bây giờ, các nhà quản lý vẫn chưa thể làm gì tốt hơn cho họ, nhất là khi những sự kiện thể thao có tiền thưởng ở Việt Nam ngày càng ít đi…

Tin cùng chuyên mục