Thử thách của thể thao Việt Nam

Khác với năm trước, thể thao Việt Nam hoàn toàn chủ động về kế hoạch trong năm 2021 nhờ sự hiệu quả của công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì thách thức cũng không hề nhỏ so những bất ổn bên ngoài.
Cả hai đội tuyển bóng đá quốc gia và U22 (trái) đều có nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021. Ảnh: P.MINH
Cả hai đội tuyển bóng đá quốc gia và U22 (trái) đều có nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021. Ảnh: P.MINH

Từ dễ đến… khó gấp đôi

Về lý thuyết, do mọi hoạt động thi đấu của bóng đá Việt Nam trong năm 2020 dù có nhiều trắc trở nhưng vẫn theo đúng kế hoạch, đồng thời mùa giải 2021 được khởi động khá sớm nên công tác chuẩn bị nhân sự của đội tuyển Việt Nam được đánh giá là tốt nhất so với các đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, xét về tính ổn định, không đội bóng nào trên thế giới có khả năng sẵn sàng thi đấu như Việt Nam.

Đợt dịch vừa bùng phát cũng không ảnh hưởng nhiều do đây là thời điểm tết, là giai đoạn nghỉ thi đấu quen thuộc của bóng đá Việt Nam trước đây. Nếu công tác kiểm soát dịch tốt, các hoạt động sau tết vẫn không thay đổi so với kế hoạch. Vì điều này mà HLV Park Hang-seo đã trở lại Việt Nam và chấp nhận “ăn tết” trong khu cách ly. Nhà cầm quân người Hàn Quốc có lý do để vội vã cho công việc, bởi lẽ, ông cần tận dụng những ưu thế về mặt hoàn cảnh mà bóng đá Việt Nam đang có. Nếu V-League thi đấu đúng kế hoạch, thì ông Park sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm gương mặt mới, điều mà các đồng nghiệp đối thủ của ông tại vòng loại World Cup 2022 khó có được.

Nhưng đôi khi chính thuận lợi lại là một phần của những khó khăn, nhất là trong thời điểm mọi thứ đều có thể thay đổi vì dịch Covid-19 như hiện nay. Do có thời gian để HLV Park Hang-seo và trợ lý chuẩn bị, nên các mục tiêu của đội tuyển quốc gia lẫn đội U22 đều đề ra ở mức cao nhất. Giữ ngôi đầu bảng G để vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á, bảo vệ chức vô địch AFF Cup và đoạt HCV SEA Games trên sân nhà là những việc buộc phải làm. Nhưng do dịch, các lịch thi đấu hiện nay đều nằm ở trạng thái “có thể thay đổi”, điều này đồng nghĩa HLV Park Hang-seo có thể đối diện với 21 trận đấu quốc tế chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối năm 2021 nếu như các trận đấu bảng G dồn lịch vào tháng 6, kế đến là các trận vòng loại cuối cùng và AFF Cup, SEA Games đều khởi tranh tháng 11 và 12. Không chỉ khó khăn về mật độ, nhiều khả năng đội tuyển Việt Nam sẽ phải đá trên sân trung lập theo hình thức tập trung. Như vậy, lợi thế sân nhà sẽ không còn, trong khi cầu thủ Việt Nam lại quen chơi trong sân có khán giả.

So với bóng đá nam, cơ hội thành công của bóng đá nữ và futsal sẽ tốt hơn do mật độ thi đấu không quá dày, áp lực thành tích không quá nặng nề. Đội tuyển nữ đến tháng 9 mới bắt đầu “giấc mơ World Cup 2023” bằng vòng loại Asian Cup 2022, còn kế hoạch thi đấu của futsal hiện tại vẫn chưa xác định dù tháng 10 sẽ diễn ra FIFA World Cup 2020 vốn đã lùi từ năm ngoái sang năm nay. Dự kiến đội tuyển futsal Việt Nam sẽ tìm vé dự World Cup (châu Á có 5 suất) thông qua giải vô địch châu Á vào cuối tháng 3.

Nỗi khổ chọn điểm rơi phong độ

Khi nền thể thao chuyên nghiệp thế giới còn trong cảnh hỗn loạn, các sự kiện trị giá hàng tỷ USD, có danh tiếng trăm năm còn có thể bị hủy bỏ, tạm dừng thì với một nền thể thao chủ yếu tập trung cho các cuộc đua tài quốc tế như Việt Nam, sự chờ đợi luôn là một vấn đề lớn.

Các giải vô địch quốc gia ở nhiều môn thông thường mang tính chất tuyển chọn đội ngũ để tham gia những sự kiện quốc tế lớn. Việc tổ chức thi đấu tại Việt Nam đương nhiên không có vấn đề gì do môi trường an toàn, nhưng trong năm 2020 đã phải tạm dừng nhiều giải do nếu có thi đấu thì cũng có mục tiêu rõ ràng. Đến năm 2021, ngay Olympic 2020 dù được thông báo “bằng mọi giá vẫn sẽ diễn ra” vào tháng 7 thì đến nay, các sự kiện vòng loại để xác định suất tham dự vẫn chưa có gì chắc chắn.

Các giải đấu tuyển chọn thế này, ngoài việc nâng cao cơ hội dự Thế vận hội, còn là những khoảnh khắc thi đấu quốc tế hiếm hoi trong suốt hơn 1 năm qua cho VĐV Việt Nam. Với nền thể thao ở tình trạng đang phát triển, chỉ có thi đấu quốc tế mới phân định được khả năng tiến bộ, chưa kể đó cũng là cơ hội cho công tác chuẩn bị SEA Games 2021.

Tuy nhiên, sự phức tạp của dịch khiến việc di chuyển thi đấu quốc tế thực sự là thách thức lớn với thể thao Việt Nam ở khía cạnh tài chính khi đa số các chuyến du đấu ấy đều không có tài trợ, không được chia sẻ quyền lợi truyền hình hay các yếu tố sân nhà - sân khách như ở môn bóng đá. Còn nếu không thể tham dự thi đấu quốc tế, các nhà hoạch định thể thao phải tính đến chuyện tập huấn cho các VĐV một cách hợp lý nhằm đúng điểm rơi SEA Games 31. Đây mới là mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2021, nhưng thành công của đại hội lại phụ thuộc nhiều vào năng lực kiểm soát dịch và tinh thần của các quốc gia cùng khu vực.

Năm 2021, ngành thể thao dự kiến tổ chức 162 giải đấu trong nước, tham gia 192 giải quốc tế, hàng chục đợt tập huấn nước ngoài và 13 giải quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Dự kiến, SEA Games 31 diễn ra vào ngày 21-11-2021 gồm 40 môn thi đấu. Para Games 11 tổ chức thi đấu 11 môn.

Tin cùng chuyên mục