Thử doping VĐV dự sea Games

Đúng theo yêu cầu, thể thao Việt Nam sẽ tiến hành lấy mẫu thử để kiểm tra doping đối với VĐV dự SEA Games 29-2017. 
Bóng ma doping luôn là nỗi ám ảnh của các nhà tổ chức đại hội thể thao. Ảnh: T.L
Bóng ma doping luôn là nỗi ám ảnh của các nhà tổ chức đại hội thể thao. Ảnh: T.L
Lo nhất khâu thực phẩm
Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã gởi văn bản tới các Trung tâm HLTTQG để hướng dẫn việc lấy mẫu thử, qua đó sẽ xét nghiệm doping VĐV. Tổng số có 40 mẫu thử sẽ được lấy để kiểm tra trong các ngày 6 và 7-7. Tất nhiên, mẫu thử sẽ lấy ngẫu nhiên VĐV chứ không thông báo cụ thể cho ai. Trong giai đoạn hiện tại, VĐV của các đội tuyển thể thao quốc gia đang tập huấn chuẩn bị cao độ cho SEA Games nên chuyện ăn uống, sử dụng thuốc men được yêu cầu có kiểm tra nghiêm ngặt để tránh không xảy ra sự cố có thể vô tình mẫu thử dính phải chất cấm. 
Trước đó, khi trả lời về vấn đề an toàn thực phẩm cho VĐV của các đội tuyển đang trong giai đoạn chuẩn bị SEA Games, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã khẳng định chế độ dinh dưỡng của VĐV được tăng lên 300 ngàn đồng/người/ngày đúng quy định được nâng ở thời điểm 3 tháng trước khi thi đấu Đại hội. Thực tế, các bếp ăn tại các Trung tâm HLTTQG đều được lên thực đơn hàng ngày từ đầu bếp. Nguồn thực phẩm mua để bếp ăn chế biến được tiếp nhận từ nơi bán có xác minh và giấy phép đủ an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường, không ai phát hiện được thực phẩm của nhà cung cấp “sạch” hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Khi nấu chín, VĐV, HLV ăn mà không xảy ra chuyện gì thì mọi người tự hiểu với nhau là yên tâm... cái bụng.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng từng cho biết một trong những khó khăn là chúng ta chưa có được đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng riêng cho các đội tuyển thể thao. Nhà quản lý đều biết bất cập này. Tuy nhiên, khó về kinh phí, chuyên gia dinh dưỡng chưa có nên VĐV sẽ ít được tư vấn về khẩu phần dinh dưỡng cần hoặc không cần điều gì. 
Tin nhau là chính?
Trong 40 mẫu thử sẽ lấy ở các VĐV tại các Trung tâm HLTTQG, có 25 mẫu dành cho VĐV đang chuẩn bị SEA Games 29-2017. Cách đây 2 năm, thể thao Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu thử 26 VĐV rồi gởi ra nước ngoài kiểm tra. Năm nay, số lượng mẫu không nhiều hơn đợt chuẩn bị SEA Games 2015 là bao nhiêu. Chúng ta chuẩn bị cho SEA Games 29-2017 với hơn 470 VĐV nhưng số mẫu thử kiểm tra doping chưa đạt 10%. Một mẫu thử lấy xong, gởi ra nước ngoài kiểm tra có chi phí 300 USD nên đó là lý do thể thao Việt Nam rất khiêm tốn lấy mẫu thử (chỉ đúng số lượng theo yêu cầu). Năm 2015 khi chuẩn bị thi đấu SEA Games 28 tại Singapore, thể thao Malaysia đã tổ chức lấy mẫu thử toàn bộ số VĐV (gần 500 người). Khi đó, các VĐV tập huấn tại nước ngoài của quốc gia này cũng phải đưa mẫu thử về để kiểm tra. Năm nay, Malaysia là chủ nhà SEA Games 29-2017 nên việc kiểm tra doping toàn bộ VĐV đoàn thể thao vẫn không thay đổi. 
Mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau cũng như điều kiện đầu tư vào thể thao khác nhau nên khó so sánh. Trong thể thao Việt Nam, tất cả vẫn tin tưởng nhau là chính. Không ai dám khẳng định 100% rằng VĐV của Việt Nam “trong sạch” hoàn toàn. Cũng như, chưa ai bị phát hiện dùng chất cấm trong thi đấu thể thao hoặc do sinh hoạt cuộc sống riêng đã sử dụng thuốc hoặc sản phẩm có thể khiến bị dương tính doping khi thi đấu các giải trong nước nên tất cả đều yên lòng với nhau. Mặt nữa, nếu VĐV bị phát hiện dính doping ở thi đấu quốc tế, hình ảnh thể thao quốc gia đó mất uy tín đáng kể. Mối quan hệ và rõ nhất vẫn là giữa HLV với VĐV. Tính kỷ luật được đưa lên cao nhất và có sự giám sát tuyệt đối, chắc chắn không VĐV nào lơi lỏng mà sử dụng chất cấm trong thể thao.

Tin cùng chuyên mục