Mất 7 năm trời, lứa cầu thủ đầu tiên của học viện HA.GL – Arsenal mới có đủ điều kiện “ra lò”, được tham gia tập huấn tại nước ngoài. Nhưng ngay chính bầu Đức cũng thừa nhận, ông chỉ hài lòng khi có học viên được ký hợp đồng với các CLB châu Âu chứ chưa thể vui ngay khi các em mới chỉ kết thúc chu kỳ học tập. Nói cách khác, từ đào tạo đến thành tài là quãng đường rất dài và đầu tư rất tốn kém mà kết quả còn chưa chắc chắn.
Nhưng đấy mới là cách nhìn của một người làm thể thao tư nhân chứ ở cấp độ nhà nước vẫn chưa có quan điểm đó. Thể thao Việt Nam vẫn đang “ăn mòn” tư duy “có thành tích trước, đầu tư sau”. Đấy là lý do dù chỉ còn 6 năm nữa là đến Asiad 2019 (được tổ chức tại Việt Nam) nhưng hiện vẫn chưa có chiến lược đầu tư nhân lực, chủ yếu vẫn là câu chuyện về cơ sở vật chất, hạ tầng để đăng cai.
Hoặc như việc vừa qua, tỉnh Anh Giang dự kiến đầu từ hơn 3.000 tỷ đồng để xây khu liên hợp thể thao nhằm đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2018, đấy là số tiền lớn gấp nhiều lần ngân sách cả ngành thể thao Việt Nam trong một năm. Rồi như TPHCM, hiện cố gắng hình thành khu tập luyện đỉnh cao, xem đấy như điều kiện để phát triển thể thao thành tích cao cho thành phố… Thói quen “chờ có cái này, rồi mới làm cái kia” khiến cho tại Việt Nam có hơn chục tỉnh thành đã từng đăng cai đại hội thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, nhiều khu liên hợp… nhưng lại luôn thiếu ngân sách đầu tư cho VĐV từ dụng cụ tập luyện đến việc tập huấn nước ngoài để trở thành những tài năng đặc biệt.
HAI SÀI GÒN