Vẫn còn gần 4 tháng nữa mới bước vào mùa giải mới, nhưng các đội bóng đã bắt đầu lục tục hội quân. Thế mới biết, công tác chuẩn bị trước mùa giải đã được chú trọng đúng mức, nhưng thật bất thường khi có đến 4 đội bóng ở V-League đến thời điểm này vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng”.
Giàu, nghèo đều thiếu
Căn cứ vào phát ngôn của những người trong cuộc, cũng như thông tin được đăng tải trên báo chí thì đến thời điểm này, đội bóng T&T Hà Nội, Viettel (Thể Công cũ), Quân khu 4 và Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa xác định được danh tính HLV trưởng cho mùa giải tới.
Nếu như với “anh nhà nghèo” Quân khu 4, việc họ chưa có được chữ ký của HLV Vũ Quang Bảo vào bản hợp đồng cho mùa giải 2010 là điều dễ hiểu, vì những khó khăn về kinh phí và cơ chế, thì với những “đại gia” như T&T Hà Nội hay Viettel, Hoàng Anh Gia Lai thì thật khó hiểu khi đến giờ này vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng”.
Nói về tiền, Hoàng Anh Gia Lai, T&T Hà Nội hay Viettel chắc chắn chẳng cần phải cân nhắc về chi phí bỏ ra để có được những HLV giỏi. Theo HLV Lê Thụy Hải, sau khi mùa giải 2009 kết thúc, lãnh đạo Viettel đã từng đề nghị ông tiếp tục dẫn dắt đội bóng với mức lương tháng lên đến 100 triệu đồng/tháng.
Trong khi bầu Đức ở Hoàng Anh Gia Lai còn hào phóng tài trợ mức lương hơn 10 ngàn USD để HLV Riedl dẫn dắt U23 Lào. Thế thì rõ ràng, chi phí tuyển mộ HLV không phải là vấn đề đối với các đội bóng này. Vậy tại sao tất cả đều đang trong tình trạng… thiếu “tướng”?.
![]() |
Vì chữ tình với QK4, nhiều khả năng HLV Vũ Quang Bảo sẽ tiếp tục dẫn dắt đội bóng áo lính. Ảnh: Nguyễn Nhân |
Trong số 4 đội bóng thiếu “tướng” kể trên thì Hoàng Anh Gia Lai và Viettel vừa trải qua một mùa giải thất bại thảm hại. Thế nên, sức ép thành tích đối với HLV trong mùa giải tới ở 2 đội này là rất lớn. Trong khi đó, sự trỗi dậy rất ấn tượng của T&T Hà Nội dưới bàn tay lèo lái của HLV Nguyễn Hữu Thắng ở lượt về mùa trước chắc chắn sẽ để lại sức ép không nhỏ đối với người kế nhiệm.
Riêng với Quân khu 4, thành tích trụ hạng ở mùa giải 2009 có dấu ấn không nhỏ của HLV Vũ Quang Bảo. Bởi vậy, đội bóng áo lính đang nỗ lực níu kéo HLV họ Vũ tái ký hợp đồng, nhưng cũng trong thời điểm này, ông Bảo lại nhận được nhiều lời mời từ các đội bóng khác. Thế nên, ghế HLV trưởng ở Quân khu 4 vẫn còn để ngỏ.
Tướng lại... thừa
![]() |
HLV Lê Thụy Hải đang cân nhắc bến đỗ mới. Ảnh: Hoàng Hùng |
Thật nghịch lý là trong khi các đội bóng chưa tìm được HLV thì những nhà cầm quân lão luyện như Trần Văn Phúc, Lê Thụy Hải… đang ngồi chơi xơi nước.
Chẳng phải các HLV này không nhận được lời mời từ các đội bóng, ngược lại, đã có vài đội bóng đặt vấn đề mời ông Phúc, ông Hải về cầm quân, nhưng các vị HLV này chưa đồng ý. Có bất thường không?.
Rõ ràng là có, bởi theo quy luật cung - cầu, khi các đội bóng có nhu cầu còn các HLV đang rỗi việc thì đương nhiên đôi bên sẽ tìm đến với nhau. Thế nhưng trên thực tế, các đội bóng vẫn không tìm được người cầm quân còn các HLV giỏi thì vẫn thất nghiệp, đó là điều không bình thường.
Theo một nhà cầm quân kỳ cựu, nghề HLV thời gian gần đây đã trở nên có giá hẳn. Dù vẫn còn lắm người trong nghề bảo nghiệp cầm quân rất bạc bẽo, nhưng không ai có thể phủ nhận bóng đá Việt Nam đang dần đánh giá đúng vai trò của đội ngũ HLV, thông qua mức đãi ngộ xứng đáng.
Thế mới có chuyện, ông Lê Thụy Hải, một trong những HLV được giới chuyên môn đánh giá là có trình độ nhất hiện nay, từng đánh bài ngửa với các đội bóng về mức lương, thưởng… nếu muốn có được chữ ký của Hải “lơ”. Bóng đá Việt Nam bây giờ, nếu HLV giỏi thì thu nhập cũng chẳng kém cầu thủ, nếu không muốn nói là có những trường hợp cao hơn.
Tuy nhiên, HLV bây giờ cũng rất… tỉnh. Những người đã khẳng định được thương hiệu như ông Phúc, ông Hải chẳng bao giờ nhắm mắt ký bừa vào hợp đồng với những đội bóng thiếu lực, thiếu tham vọng dù mức đãi ngộ cao ngất trời.
Không những vậy, những nhà cầm quân Việt Nam bây giờ còn có “quyền” cân nhắc xem đội nào trả lương cao hơn, phù hợp hơn rồi mới chịu về cầm quân như kiểu ông Vũ Quang Bảo. Quan trọng hơn, trước lúc ký hợp đồng, họ còn nghiên cứu xem nội tình của đội bóng có ổn định không, có “thuần” không rồi mới quyết định chứ chẳng ai “say máu” ký bừa như kiểu Triệu Quang Hà về Thanh Hóa hồi giữa mùa giải năm ngoái.
Thế mới nói, quyền lựa chọn của các nhà cầm quân cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các đội bóng thiếu HLV còn “tướng” vẫn cứ thừa.
HẢI NAM (SGGP Thể Thao)
Các tin, bài viết khác
-
U23 Việt Nam – U23 Thái Lan: Chờ quà chia tay của ông Park (19g ngày 22-5, THTT trên VTV6)
-
Bảng tổng sắp huy chương ngày 21-5: Kết thúc ngọt ngào cho bóng đá nữ Việt Nam
-
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng đội tuyển nữ Việt Nam
-
Người hùng Huỳnh Như: ‘Trong cuộc đời tôi chỉ có một lần sướng như vậy’
-
HLV Mai Đức Chung: ‘Đây là khoảnh khắc sung sướng nhất trong sự nghiệp’
-
Huỳnh Như tỏa sáng, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn trên đỉnh Đông Nam Á
-
Dấu chấm hết cho Real Madrid và Kylian Mbappe
-
Đội tuyển lặn Việt Nam liên tiếp có HCV, phá kỷ lục SEA Games
-
Tái hiện chung kết quần vợt đơn nam toàn Việt Nam: Lý Hoàng Nam “out trình” đối thủ, Trịnh Linh Giang thắng kịch tính
-
Việt Nam có thêm chiếc huy chương vàng nội dung Carom 3 băng