Bài 1: VFF - VPF: Đồng sàng dị mộng

VPF chỉ được giao “thử nghiệm”
Bài 1: VFF - VPF: Đồng sàng dị mộng

Mối lương duyên VFF - VPF đến hồi kết?

Trụ sở của Công ty VPF nằm ngay “trong lòng” VFF theo đúng nghĩa đen, thế nhưng, mối quan hệ giữa VPF và VFF đang bộc lộ nhiều điều bất ổn.

Phản ứng gay gắt của bầu Đệ (Thanh Hóa) trong buổi tổng kết V.League 2012.

Phản ứng gay gắt của bầu Đệ (Thanh Hóa) trong buổi tổng kết V.League 2012.

VPF chỉ được giao “thử nghiệm”

Cuộc họp giữa Ban chỉ đạo và Ban tổ chức V-League với công ty VPF mới đây gần như đã bộc lộ mọi điểm bất ổn trong mối quan hệ giữa VPF và VFF. Ban tổ chức (BTC) “than” là hoạt động của các giám sát không như mong muốn, các báo cáo gửi về thiếu thông tin, không đủ để BTC xử lý các vụ việc phát sinh. Những kiến nghị từ Ban tư vấn đạo đức trực thuộc VPF không đúng trọng tâm, BTC muốn giải quyết cũng không thể được. Người đứng đầu VPF đề nghị phía VFF nên tăng cường hoạt động phối hợp giữa các ban chức năng VFF như Ban kỷ luật, trọng tài để hỗ trợ thêm cho BTC giải.

Ngược lại, Trưởng Ban chỉ đạo đồng thời cũng là Chủ tịch VFF lại cho rằng BTC V-League giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong thi đấu sai về phương pháp, mặc dù đã rất… nhiệt tình khiến cho các ban chức năng của VFF cũng bị rối theo. Tóm lại, nhiều cái sai cộng lại mới nảy sinh việc chỉ riêng đội Thanh Hóa thôi mà trong mùa giải này có đến 2 lần nộp đơn khiếu nại liên quan đến công tác trọng tài mà BTC không giải quyết được, chuyển lên cho VFF cũng giải quyết không xong nên mới phát sinh buổi làm việc vừa qua.

Theo tiết lộ từ Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Công ty VPF chỉ được giao điều hành và quản lý các giải đấu trong 3 mùa giải. Đây đã là năm thứ 2 và mọi thứ cần phải được rà soát lại trước khi quyết định có giao công ty này tổ chức giải năm cuối cùng theo đúng kế hoạch hay không. Cũng theo người đứng đầu VFF, mùa bóng 2012 đã được “tô hồng” quá mức nên mới có nhiều vấn đề nảy sinh trong mùa giải 2013 này. Nói theo kiểu ấy, khả năng Công ty VPF tiếp tục được giao quyền tổ chức là chuyện khó xảy ra.

Trên thực tế, với việc ban chỉ đạo trực tiếp tham gia xử lý các vấn đề nảy sinh trong 5 vòng đấu cuối V-League được xem là động thái “xóa sổ” Ban tư vấn đạo đức do VPF thành lập, đồng thời cũng vô hiệu hóa BTC giải.

Chưa hết, trước đó VFF cũng đã đình chỉ nhiệm vụ của trưởng và phó ban trọng tài. Đây là những nhân sự do bầu Kiên đề cử và được Công ty VPF chọn lựa ở mùa giải năm trước, khi mà Ban trọng tài vẫn còn trực thuộc công ty này. Như vậy có thể nói, VFF đã từng bước loại bỏ những “công cụ” quan trọng nhất của VPF trong quá trình điều hành giải và không khó để nhận ra, VFF đang trên đường lấy lại quyền điều hành, quản lý các giải đấu tại Việt Nam.

Thiếu HLV trưởng

Luận bàn về số phận VPF, nhiều ý kiến tỏ ra tiếc nuối hình ảnh, vị trí của VPF 2 năm trước, thời còn thuộc bầu Kiên. Bỏ qua các vấn đề liên quan đến chuyện bầu Kiên vi phạm pháp luật thì trong địa hạt bóng đá, tính cách quyết đoán và cách làm thực chất của bầu Kiên hết sức thuyết phục vì nó là cách làm của một người đã từng “sống” cùng bóng đá Việt Nam từ buổi đầu chuyên nghiệp. Công ty VPF là ý tưởng của bầu Kiên và do ông thành lập với sự chung sức của một loạt ông bầu khác với mục tiêu chống tiêu cực triệt để và nâng cao thu nhập cho bóng đá Việt Nam.

Vì lẽ đó, trong mùa giải 2012, đã có 4 trọng tài bị cho nghỉ vĩnh viễn, 2 CLB bị “hỏi thăm” và ít nhất 4 cầu thủ phải làm việc với cán bộ điều tra. Theo đánh giá chung, mùa giải 2012 tương đối “sạch”, chỉ nổi cộm chuyện “2 đánh 1” của 2 CLB thuộc bầu Hiển đối với đội Sài Gòn Xuân Thành.

VPF trước đây còn để lại dấu ấn đặc biệt bằng cuộc đấu sòng phẳng giành lại quyền sở hữu bản quyền truyền hình V-League. Chỉ trong một đêm, VPF đã mời được 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đứng chung tên trong “Hội đồng bảo trợ tài chính” để rót 50 tỷ đồng tiền quảng cáo trả cho bản quyền truyền hình. Tóm lại, VPF trước đây là hình ảnh mà người ta kỳ vọng nhằm thay thế sự cũ rích trong cách điều hành của VFF: Táo bạo, quyết đoán và nói được, làm được.

Còn hiện nay, Công ty VPF như một đội bóng thiếu HLV trưởng. Dù giữ cương vị Chủ tịch VPF, nhưng vai trò của bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng) giống một đội trưởng trên sân hơn là người bày ra đấu pháp để đá. Tất cả các hoạt động của VPF trong năm 2013 nhanh chóng hạ nhiệt. Không còn “Hội đồng bảo trợ tài chính”, năm 2013 VPF chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng tiền quảng cáo truyền hình, chủ yếu đến từ tiền của công ty bầu Thắng (Đồng Tâm) và bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai).

Tiếp nối ý tưởng thành lập Ban tư vấn đạo đức từ bầu Kiên, nhưng không ai đủ tầm để tạo hành lang pháp lý cho ban này hoạt động, chức năng của nó chỉ là một bộ phận trong Công ty VPF, không đủ tiếng nói làm đối trọng với Ban kỷ luật của VFF. Ban trọng tài ngay từ đầu mùa bị rút về trực thuộc VFF và đến giữa mùa bóng, 2 lãnh đạo của ban này vốn là người VPF giới thiệu cũng bị VFF đình chỉ hoạt động vì lỗi “hoạt động sai nguyên tắc”. Từ đầu giải đến nay, dù Ban tư vấn đạo đức kiến nghị xem xét đến 9 vấn đề nhưng VPF chỉ mới xử lý được 3, phần lớn bị “tắc” ngay tại Ban kỷ luật của VFF vì “thiếu bằng chứng”.

Tóm lại, VPF của năm 2013 gần như đi vào lối mòn với những kiểu làm việc nặng hô hào, lý thuyết và việc VFF phải trực tiếp tham gia điều hành VPF trong giai đoạn cuối mùa chỉ là cái gì đến, phải đến.

Bài 2: Tương lai nào cho VPF?

ĐĂNG LINH - YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục