Con đường xấu

Khi dư luận đi từ tin tưởng đến bất ngờ, choáng váng rồi thất vọng trước “đường đi” của bản quyền giải ngoại hạng Anh (EPL) thì vẫn có một vài thông tin cho rằng thời buổi kinh tế thị trường thuận mua vừa bán, ai có tiền thì mua, không có tiền thì ngồi chơi xơi nước!

Thật ra lý lẽ này đúng nói chung về mặt kinh tế, nhưng có lẽ họ quên rằng truyền hình vẫn là loại hình đặc thù, ngoài kinh doanh thì quan trọng hơn còn có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền với những quy định riêng. Vậy nên, thật khó hiểu khi “đường đi” của bản quyền EPL lần này lại liên tục tạo ra bất ngờ như vậy, bởi chung quy nó vẫn đi quanh quẩn trong sự chi phối một vài “đại gia” truyền hình mà thôi.

Điểm lại đường đi của các gói bản quyền EPL lần này mới thấy dường như nó đã được “vẽ” từ trước một cách rất bài bản. Khi đối tác nước ngoài nắm bản quyền là IMG chuẩn bị chào giá cho các đài truyền hình ở Việt Nam thì dư luận đã lên tiếng đề nghị các nhà đài cần ngồi lại với nhau để thương thảo, tránh bị đối tác bắt chẹt. Bộ TT-TT cũng đã có văn bản đề nghị thành lập ban đàm phán bản quyền EPL do VTV làm đại diện. Nhiều đài truyền hình khá hồ hởi và tin tưởng cách thức này nên tham gia vào ban này như VTC, AVG, HTV và ngồi chờ VTV làm việc.

Có lẽ do khá tin tưởng vào cách thức trên nên ít ai để ý đến chi tiết là VSTV (kênh K+) không được mời tham gia vào ban đàm phán này. Cái chi tiết ít ai để ý này đùng một cái khiến các đài khác dở khóc dở cười khi thông tin K+ có bản quyền lộ ra với tuyên bố rằng “tui không được mời tham gia ban đàm phán nên có quyền đàm phán riêng”.

Đến đây, đại diện VTV vẫn tuyên bố chưa có bất cứ thông tin nào về việc bản quyền đã được K+ mua hay chưa. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, trên trang web của mình, đại diện VTV thông báo bản quyền EPL đã về tay Canal Plus (đơn vị phía Pháp liên doanh với VTV lập kênh K+, trong đó VTV nắm 51% cổ phần) và đơn vị này sẽ chuyển giao cho liên doanh K+. Theo phát biểu này thì coi như K+ sẽ độc quyền phát sóng EPL trên cơ sở chuyển giao của đơn vị mẹ là Canal Plus.

Đến đây, mọi người mới tá hỏa rằng chi tiết “quên” mời K+ tham gia ban đàm phán là một cái quên trị giá hàng chục triệu đô!

Như vậy, bất chấp dư luận phản ứng, bất chấp những thiệt hại cho người tiêu dùng thì bản quyền cũng đã được mua bán, và nó sẽ hiện diện ở Việt Nam thông qua kênh K+ theo như thông báo của đại diện VTV.

Vấn đề bây giờ là việc chuyển giao này có hợp pháp hay không? Các chuyên gia cho rằng kênh K+ là một liên doanh, trong đó phía Canal Plus chỉ nắm 49% cổ phần, còn lại là của VTV. Vì vậy, không thể hiểu một cách đơn giản là Canal Plus mua bản quyền rồi chuyển cho K+ sử dụng theo kiểu “mẹ” chuyển một món quà cho “con” được. Còn nếu nói Canal Plus nhượng lại bản quyền này cho liên doanh K+ cũng không thuận vì “có vấn đề” trong cạnh tranh, chưa nói đến chuyện giá chuyển nhượng lại là bao nhiêu.

Một điều lớn hơn nữa, đó là niềm tin nơi người hâm mộ sẽ mất đi khi sự cạnh tranh bằng nhiều thủ đoạn khác nhau trong vụ việc trên đều lấy công chúng, người hâm mộ ra làm “vật chứng” với danh nghĩa là phục vụ họ.

Đường đi của gói bản quyền có nhiều điều chưa minh bạch như vậy lại tiếp tục là dấu ấn xấu trong lĩnh vực này. 

PHƯƠNG NAM

- Thông tin liên quan:

>> Xung quanh bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL): Xin đừng “vụng chèo, khéo chống”

Tin cùng chuyên mục