Chuyên đề: Thất bại tại AFF Cup 2012 và trách nhiệm của VFF

Kỳ 2: Sai lầm nối tiếp sai lầm

Kỳ 2: Sai lầm nối tiếp sai lầm

Như đã đề cập ở số báo trước, tiến trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012 của đội tuyển Việt Nam đã có vấn đề từ khâu chọn HLV. Kể từ sau khi sa thải ông F.Goetz, mất đến 6 tháng, VFF mới đưa ông Phan Thanh Hùng lên ngồi “ghế nóng”. Đấy là thời gian mà ông Hùng vẫn đang phải làm việc tại CLB Hà Nội T&T, tức là về mặt chủ quan mà nói, ông khó có thể hoàn thành tốt công việc cơ bản nhất của một HLV trưởng đội tuyển quốc gia: chọn người.

Kỳ 2: Sai lầm nối tiếp sai lầm ảnh 1

Liệu phương pháp nhồi thể lực trên cát ở Nha Trang có tạo sức ì cho các tuyển thủ ở AFF Cup vừa qua? Ảnh: Hoàng Hùng

TỪ VẤN ĐỀ VỀ NHÂN SỰ

Không khó để thấy, cách chọn người của ông Hùng và các cộng sự dựa trên những dữ liệu cũ. Chuyện ông tin vào các học trò của mình tại Hà Nội T&T hay những cầu thủ do ông đào tạo ở SHB Đà Nẵng là đương nhiên, bởi đây là 2 đội bóng đứng đầu V-League. Nhưng các chọn lựa khác thì có vấn đề. Ví dụ như việc chọn Quang Hải nhưng không có Tài Em, người gần như duy nhất có khả năng điều tiết lối chơi của đội bóng sau khi Minh Phương giã từ đội tuyển. Giai đoạn cuối mùa, khi Navibank SG chơi khởi sắc thì Tài Em cũng hồi phục phong độ ghi 3 bàn trong 5 vòng đấu cuối để đưa đội trụ hạng an toàn.

Với danh sách chỉ đóng khung từ 24-26 cầu thủ suốt 3-4 tháng cầm quân, đã có khá nhiều ý kiến không đồng tình bởi trên thực tế, vẫn còn nhiều chọn lựa khác cũng như các cầu thủ được gọi chưa chẳn ở phong độ cao. Điều này đã thấy rõ sau một loạt chấn thương giai đoạn 1 tháng trước AFF Cup. Đã thế, ngay từ đầu, ông Hùng thể hiện rõ sự ưu tiên dành cho những cầu thủ như Công Vinh, Tấn Tài, Quang Hải, Thành Lương… mà về lý thuyết, đều đến từ các đội bóng vất vả trụ hạng giờ chót trong khi sự thật là ở AFF Cup, những cầu thủ “gà nhà” tại Hà Nội T&T  lại không được dùng.

Ở đây, chúng ta không phê phán cách dùng người của HLV Phan Thanh Hùng vì dù sao, quyết định của ông cần được tôn trọng và bản thân ông tự nhận trách nhiệm về điều đó. Tuy nhiên, các phân tích nói trên đều đơn thuần về chuyên môn, không khó để thấy những bất thường, tại sao VFF lại không can thiệp như họ đã từng can thiệp ở thời của HLV ngoại?!

ĐẾN CHUYỆN “THIẾU TRÁCH NHIỆM” CỦA VFF

Thôi thì chuyện con người còn tùy quan điểm huấn luyện, nhưng những vấn đề khác, đặc biệt là qui trình huấn luyện thì rành rành ra đấy và về nguyên tắc, đều phải do VFF duyệt thông qua, thì rất đáng qui trách nhiệm.

Đầu tiên là qui trình ngược trong cách chọn điểm rơi. Ngay sau mùa bóng, lúc bắt đầu nhậm chức, HLV Phan Thanh Hùng đã khởi đầu “như mơ” với 2 trận đấu tại Malaysia và Indonesia. Đội tuyển đá tốt dù chẳng cần phải tập trung nhiều ngày. Không khó để giải thích khi mà phong độ sau V-League vẫn đang được duy trì. Nhưng thay vì dựa trên nền tảng đó để gia cố, chuyến nhồi thể lực 10 ngày ở Nha Trang gần như là cách “xóa hết” làm lại. Phương pháp tập thể lực ấy không phù hợp với bóng đá mà là của… điền kinh. Đã vậy, lại tập rất nặng, gần như trang bị lại từ đầu.

Nhưng sai lầm lớn nhất về chu trình huấn luyện lại đến ngay sau đợt tập thể lực ấy. Chưa kịp nghỉ ngơi để “xả”, đội tuyển hộc tốc bay ra Hà Nội đá giao hữu lượt về với Indonesia dù ai cũng biết, ở tình trạng đó, chẳng thu gặt được gì về chuyên môn. Vừa đá xong, lại bay vào TPHCM đá tiếp VFF Cup trong tình trạng chấn thương tràn lan dẫn đến chuyên môn tiếp tục là con số 0. Rồi lại ra Hà Nội đá tiếp với Malaysia. Suốt quá trình từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11, đội tuyển đá bóng mà chẳng tập chiến thuật. Đến lúc cần có “quân xanh” đề rèn đấu pháp thì suốt 3 tuần ở Nha Trang, chẳng xếp nổi một trận. Như SGGP Thể thao đã từng báo động, chẳng đâu như Việt Nam chuẩn bị đá giải là không hề đá tập để ráp đội hình cũng như tìm giải pháp thay người phút cuối. Thế là ông Phan Thanh Hùng dẫn quân sang Thái Lan trong hoàn cảnh chẳng có bất kỳ nhà chuyên môn nào dám nói chắc là đội tuyển sẽ đá kiểu gì trên đất Thái. Đã thế, còn mang theo mình một “bệnh viện” với các ca chấn thương ở những vị trí then chốt.

Hồ Việt

Cách tập thể lực “lộn bài”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nhồi thể lực ngay đầu giai đoạn tập trung là đúng, để từ từ nhả khối lượng đúng điểm rơi vào giải. Tuy nhiên, nhồi như thế nào lại là vấn đề cần đánh giá sâu về chuyên môn mà lẽ ra VFF phải can thiệp bằng cơ sở kỹ thuật hẳn hoi.

Đằng này, họ lại giao toàn quyền cho một trợ lý thể lực người nước ngoài mà chẳng biết ông này có bằng chuyên môn về thể lực hay không, đã có thành công cụ thể nào chưa chứ trước mắt, đội Khánh Hòa của ông này suýt rớt hạng ở mùa giải 2012 với thành tích lượt về vô cùng bê bết để trụ hạng bằng nhiều điều tiếng.

Đã không biết năng lực thì chỉ còn cách kiểm tra bằng phương pháp cụ thể. Vậy nhưng, chẳng ai ở VFF phản ứng gì về chuyện ông này đưa đội tuyển tập trên cát, chạy cả chục cây số mỗi ngày và chạy suốt 10 ngày. Theo một chuyên gia, đây là bài tập thể lực dành cho các CLB để chuẩn bị cho các giải đấu đường dài khi thể lực sẽ được nhả khối lượng chậm theo thời gian đá giải chứ không phù hợp với kiểu nhồi trong thời gian 10-20 ngày cần thiết.

Và điều tệ hại nhất là tập thể lực kiểu đó lẽ ra phải có chu kỳ “nhả” khoảng 10 ngày thì lại đá liên tục nên chuyện chấn thương là đương nhiên và toàn bộ sự tích lũy của đợt tập tại Nha Trang bị phá sản.

V.Long

>> Kỳ 1: Tại sao ông Hùng... vô can?

Tin cùng chuyên mục