Việt Nam giành quyền đăng cai Á vận hội 18-2019

Từ phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macau (Trung Quốc) chiều qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang báo tin vui: “Việt Nam đã chính thức giành được quyền đăng cai Á vận hội”.
Việt Nam giành quyền đăng cai Á vận hội 18-2019

Từ phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macau (Trung Quốc) chiều qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang báo tin vui: “Việt Nam đã chính thức giành được quyền đăng cai Á vận hội”.

Cuộc đua giành quyền đăng cai đã bớt căng thẳng, khi đến phút cuối UAE đã xin rút lui. Như vậy, đối thủ duy nhất của Việt Nam chỉ còn lại Indonesia, quốc gia cũng tỏ rõ quyết tâm cao muốn lần thứ 2 được tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Tuy nhiên, ông Giang cho biết, với bản thuyết trình đầy thuyết phục, dựa trên những gì mà Việt Nam đã, đang và sẽ chuẩn bị cho Asiad, đã ghi điểm rất lớn với OCA và đặc biệt là 45 quốc gia tham gia bỏ phiếu tại hội nghị.

Tổng giám đốc điều hành OCA Hussain Al-Musallam phát biểu: “Xin chúc mừng Việt Nam đã giành được quyền đăng cai đại hội. Chúng tôi chọn Việt Nam là vì nơi đây đã đáp ứng được các điều kiện để tổ chức tốt một kỳ đại hội. Đặc biệt, chính sự ủng hộ của Chính phủ và người dân là một lợi thế rất lớn của Việt Nam”.

Đoàn Việt Nam cùng Chủ tịch OCA (áo trắng) tại phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Á. Ảnh: CTV

Đoàn Việt Nam cùng Chủ tịch OCA (áo trắng) tại phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Á. Ảnh: CTV

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 14 năm (kể từ Asiad 1998 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan), mới có thêm một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á giành được quyền đãng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Ông Giang khẳng định, đây là một thắng lợi lớn của Việt Nam và chắc chắn việc tổ chức đăng cai Asiad sẽ tạo cú hích phát triển không chỉ cho ngành thể thao mà còn của cả xã hội.

Asiad 18-2019 dự kiến được tổ chức từ tháng 11 đến tháng 12-2019, với kinh phí dự trù vào khoảng 150 triệu USD. Đại hội thu hút 12.000 VĐV, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000 - 3.000 phóng viên... đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ, tranh tài trên 35 môn. Hà Nội sẽ là địa điểm tổ chức chính, song song với đó là 14 địa điểm vệ tinh khác như TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương.

Ngoài các cơ sở vật chất giữ lại từ SEA Games 22, chủ nhà Việt Nam sẽ xây mới nhà thi đấu bóng chày, khúc côn cầu, quần vợt, bóng bầu dục, đua xe đạp lòng chảo...

Thiên Việt


Không quá tầm với Việt Nam

Sau khi nhận được tin Việt Nam được quyền đăng cai Asiad 18-2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam, xung quanh sự kiện này.

- Phóng viên: Cảm xúc của ông thế nào sau khi Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 18-2019?

>> Ông Hoàng Vĩnh Giang: Ngay sau khi phía UAE rút lui, tôi đã biết cơ hội rất lớn đang đến với Việt Nam, bởi chúng ta có những lợi thế mà Indonesia không có được. Chưa kể Indonesia cũng đã từng tổ chức Asiad một lần nên rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ được ưu ái. Với tôi chỉ có cảm xúc: tuyệt vời.

- Đâu là cơ sở để Việt Nam nhận được sự ủng hộ lớn như vậy?

Chúng tôi đã có một bản thuyết trình hoành tráng, với những thông tin, con số rất cụ thể và khả quan. Đặc biệt, việc Chính phủ và người dân Việt Nam ủng hộ, cùng với đó là điều kiện chính trị ổn định, Việt Nam đã ghi điểm lớn.

- Ngay từ thời điểm này, có thể sẽ là quá sớm nhưng ông có tin tưởng vào khả năng tổ chức thành công của Việt Nam?

Thể thao Việt Nam đang đi rất đúng hướng theo chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo tôi, việc Chính phủ phê duyệt danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn thể thao nhóm trọng điểm loại 2 cần được đầu tư là rất hợp lý. Chúng ta sẽ không thể dàn trải và cũng không thể vón cục lại. Làm thế nào ít nhất có 12 - 15 môn thể thao Olympic. Đây cũng sẽ là những môn nằm trong Asian Games và cả SEA Games. Chúng ta có thể dùng 1 từ “nhất tiễn xạ tam điêu” - tức là chúng ta bắn mục tiêu vào Olympic, nhưng có thêm mục tiêu SEA Games và Asiad. Như vậy, Việt Nam không những chuẩn bị đủ lực lượng mà còn tranh tài sòng phẳng, đặt mục tiêu 10-15 HCV, lọt vào tốp 10 Asiad. Cứ thử nhìn xem vài năm trước chúng ta tham dự Olympic chủ yếu bằng vé mời thì giờ có tới 18 suất vượt qua vòng loại. Sau 7 năm nữa, thể thao Việt Nam sẽ phát triển hơn nhiều và chắc chắn đảm bảo được chuyên môn cũng như các công tác chuẩn bị khác.

  • Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: Đây là bước ngoặt

Chúng tôi, những người làm quản lý thể thao đã rất hạnh phúc sau khi Việt Nam chính thức là nước chủ nhà của kỳ Asiad 2019. Tôi cho rằng đây là một bước ngoặt lịch sử của thể thao nước nhà và cũng là động lực để thể thao Việt Nam phát triển trong những năm tới.

  • Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh: Thách thức nhiều hơn thuận lợi

Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, chúng ta chưa thể biết được những diễn biến sẽ xảy ra trong 7 năm tới. Rõ ràng là từ Đài Loan (Trung Quốc) tới UAE bỏ cuộc ở phút chót, cho thấy không phải chỉ là vô cớ. Theo tôi, ngay sau khi giành quyền đăng cai, ngành thể thao phải trình Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV, nếu không sẽ không kịp. Nên nhớ tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị VĐV mất gần 10 năm. Chúng ta cũng đã ngồi trên “lưng hổ” rồi, thách thức rõ rồi, vấn đề còn lại là cách mà chúng ta sẽ thực hiện. Tất cả vẫn ở phía trước.

Hữu Tú ghi

Hữu Tú

Tin cùng chuyên mục