Vấn nạn bắt cóc người thân cầu thủ

Ở Brazil, rất dễ bị bắt cóc

Tháng 7-1998, ngôi sao Ronaldo trở về nhà sau khi anh và đồng đội Brazil chuốc lấy thất bại “kinh hoàng” trước đội tuyển Pháp ở trận chung kết World Cup. Các nhân vật quyền thế ở LĐBĐ Brazil kéo đến nhà Ronaldo để an ủi ngôi sao có thu nhập cao nhất thế giới (ở thời điểm ấy).
Ở Brazil, rất dễ bị bắt cóc

Tháng 7-1998, ngôi sao Ronaldo trở về nhà sau khi anh và đồng đội Brazil chuốc lấy thất bại “kinh hoàng” trước đội tuyển Pháp ở trận chung kết World Cup. Các nhân vật quyền thế ở LĐBĐ Brazil kéo đến nhà Ronaldo để an ủi ngôi sao có thu nhập cao nhất thế giới (ở thời điểm ấy).

Cùng lúc, cảnh sát cũng xuất hiện ở căn nhà Ronaldo để thông báo: anh và mẹ anh, bà Sonia, vừa được cứu thoát khỏi một âm mưu bắt cóc tống tiền. Romio Rangel, một cảnh sát “biến chất” 32 tuổi, đã bị tống giam trong vai trò chủ mưu. Gã Rangel nọ cũng là nghi can trong rất nhiều vụ bắt cóc tống tiền nổi tiếng khác.

Ông bố Nelio (phải) của Ronaldo từng dính vào một vụ lùm xùm với cảnh sát Brazil.

Ông bố Nelio (phải) của Ronaldo từng dính vào một vụ lùm xùm với cảnh sát Brazil.

Lợi dụng cương vị cảnh sát, Rangel nhiều lần kiếm cớ kiểm tra căn nhà ở vùng Jacarepagua mà Ronaldo mua cho mẹ anh, để tìm hiểu đường đi nước bước. Trong mắt Rangel, hàng rào bảo vệ của căn nhà ấy quá xoàng. Ngoài ra, còn một chi tiết quan trọng chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng: gã cảnh sát Rangel nọ ở cùng đơn vị với người chồng hờ của Sonia (sau khi bà ly thân với bố của Ronaldo). “Bố dượng” của Ronaldo góp công phát hiện âm mưu bắt cóc? Ít ai tin vậy, vì nếu đấy là sự thật, chắc chắn ông đã phát biểu ầm ĩ. Thái độ im lặng tuyệt đối của ông này khi thấy đồng nghiệp Rangel tra tay vào còng trong vụ âm mưu bắt cóc mẹ con Ronaldo làm cho người ta suy nghĩ nhiều hơn về khả năng sau đây: ông ta chính là “tay trong” cung cấp thông tin về gia đình Ronaldo cho bọn bắt cóc!

Cảnh sát “biến chất” ở Brazil không phải là ít. Chính ông cảnh sát “bố dượng” của Ronaldo trước đó đã cung cấp thông tin để cảnh sát bắt giữ bố ruột của Ronaldo, ông Nelio, với một gói cocaine 1,5g làm tang chứng. Nếu Nelio chịu nộp 100.000 USD, ông sẽ được “bỏ qua”. Cảnh sát lái xe lòng vòng trong suốt 6 tiếng để Nelio suy nghĩ, nhưng ông cự tuyệt. Rút cuộc, cảnh sát phải đưa Nelio về đồn và ông chỉ phải đóng 110 USD để tại ngoại. Ra tòa, Nelio trắng án. Đã vậy, ông còn tố ngược tình trạng “biến chất” của đám cảnh sát bắt ông. Họ không giải thích được vì sao phải giữ Nelio trong suốt 6 giờ, rồi mới đưa ông về đồn!

Cảnh sát như thế, xã hội Brazil mà không có nhiều vụ bắt cóc tống tiền thì mới là lạ. Tất nhiên, người ta thường chỉ bắt cóc các ngôi sao, hoặc thân nhân của ngôi sao, để tống tiền. Mà ở Brazil, ngôi sao bóng đá luôn là “hàng hot” so với các loại ngôi sao khác.

Đặc điểm chung của những ngôi sao như Ronaldo, Romario, Ronaldinho hoặc Robinho là họ đều xuất thân từ những khu ổ chuột, nơi tuyệt đại đa số là dân nghèo và có tỷ lệ tội phạm rất cao. Khi vươn lên đỉnh cao thế giới, các ngôi sao ấy kiếm được rất nhiều tiền nhưng họ lại không đủ trình độ để kiểm soát số tiền kiếm được, không có nhiều giải pháp đầu tư để sinh lợi. Đa số đều dùng tiền để phụ giúp gia đình ở quê hương, đem lại cuộc sống xa hoa cho những người thân. Đấy càng là cách thu hút sự chú ý của giới tội phạm. Hơn nữa, có một đặc điểm rõ rệt trong xã hội Brazil: các bà “sồn sồn” thường sống một cách cởi mở và chan hòa với láng giềng. Mẹ của Robinho không thể sống được trong tình trạng luôn có vệ sĩ đi kèm, nhà thì tường cao cổng kín. Bà phải mở rộng cửa để tiếp hàng xóm, hoặc phải thường xuyên ra ngoài để “tám” với bà con cô bác xung quanh. Đấy chính là hoàn cảnh dẫn đến vụ bắt cóc mẹ của Robinho hồi năm 2004 và anh phải chi số tiền tương đương 50.000 bảng.

Chán nản với năng lực cũng như đạo đức của giới cảnh sát, các ngôi sao Brazil thường chỉ muốn trả tiền cho lẹ để chuộc người thân. Biết thế, giới tội phạm ở Brazil càng có kinh nghiệm trong lĩnh vực bắt cóc: chúng không bao giờ đưa ra giá chuộc quá cao, ngoài tầm chi trả của các ngôi sao. “Vụ Robinho” cũng chính là đỉnh điểm của trào lưu bắt cóc thân nhân cầu thủ ở Brazil: có 5 cầu thủ nổi tiếng bị bắt mất người thân chỉ trong 5 tháng. Và điểm chung rõ ràng: cả 5 cầu thủ nổi tiếng về chuyện lĩnh lương cao ấy đều bị bắt mẹ, khi những người mẹ của họ ra khỏi nhà để gặp gỡ và tán gẫu với bạn bè!

Tất nhiên, nạn bắt cóc thân nhân cầu thủ để tống tiền không chỉ diễn ra ở Brazil, cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi “mẹ cầu thủ”. Nhưng bắt mẹ ngôi sao, và bắt ở Brazil, là phổ biến hơn cả. Grafite than vãn: “Tôi phạm thì chắc ở đâu cũng có. Nhưng ở Brazil, người ta đã để cho loại tội phạm này phát triển đến mức nó trở thành một trào lưu, và đấy mới là chỗ đáng sợ nhất”.

Tiểu Quyên

- Kỳ 1: Đã có khá nhiều “top 10”

Tin cùng chuyên mục