Bê bối ở làng xe đạp TPHCM: Tiền tỷ “chạy” đi đâu?

Sự việc khuất tất chỉ đổ bể và phơi ra trước ánh sáng, khi tay đua Mai Nguyễn Hưng - HCB SEA Games 25 - bất ngờ phát hiện có những quyết định cử đội đua của mình (Bảo vệ Thực vật Sài Gòn - tiền thân là đội đua Dolfim) đi kèm quyết định duyệt chi của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TPHCM, nhưng bản thân anh và nhiều đồng đội nữa chưa từng… nhận được tiền!?
Bê bối ở làng xe đạp TPHCM: Tiền tỷ “chạy” đi đâu?

Sự việc khuất tất chỉ đổ bể và phơi ra trước ánh sáng, khi tay đua Mai Nguyễn Hưng - HCB SEA Games 25 - bất ngờ phát hiện có những quyết định cử đội đua của mình (Bảo vệ Thực vật Sài Gòn - tiền thân là đội đua Dolfim) đi kèm quyết định duyệt chi của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TPHCM, nhưng bản thân anh và nhiều đồng đội nữa chưa từng… nhận được tiền!?

Bê bối ở làng xe đạp TPHCM: Tiền tỷ “chạy” đi đâu? ảnh 1

Rất nhiều tay đua ở đội BVTV Sài Gòn (bìa trái) vẫn còn sốc khi biết rằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình chảy về túi… người khác! Ảnh: Nguyễn Hùng

Lắm điều khuất tất!

HLV Đỗ Thành Đạt - người phụ trách đội đua BVTV Sài Gòn - khẳng định trong khoảng thời gian từ ngày 1-3-2010 đến 13-3-2011, các thành viên trong đội đua chỉ nhận được khoản tiền hỗ trợ hơn 40 triệu đồng (chính xác theo thống kê của cá nhân ông Đạt là 41.680.000 đồng) cho giải Đại hội TDTT toàn quốc 2010.

HLV Thành Đạt và nhiều người nữa cứ đinh ninh rằng Bộ môn Xe đạp của Sở VH-TT-DL TPHCM hỗ trợ chỉ có bấy nhiêu tiền, nên cũng không thắc mắc. Tiền chi phí để đội di chuyển, mua trang thiết bị và tập huấn thi đấu suốt thời gian qua đều trông chờ vào nhà tài trợ BVTVSG. Ngoài ra, ông Đạt nhấn mạnh không hề nhận bất kỳ khoản tiền nào khác từ thành phố.

Thế nhưng, trong một lần vô tình đi liên hệ công tác tại Trường Nghiệp vụ TDTT, tay đua Mai Nguyễn Hưng phát hiện ra có rất nhiều quyết định chi tiền của Sở VH-TT-DL TPHCM cho các đội đua thành phố dự 6 giải đấu lớn nhỏ, mà tổng chi lên đến trên 1 tỷ đồng! Đem thắc mắc này hỏi lại Ban huấn luyện, lần theo nhiều đầu mối, đội đua BVTVSG tá hỏa khi nhận ra quyền lợi của mình đã bị một vài cá nhân nào đó “biển thủ”, nhất quyết không chi theo quyết định. Từ đó, sự việc vỡ lở…

Theo thống kê, từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2011, Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM - ông Nguyễn Thành Rum - đã ký đến 6 Quyết định lẫn Phiếu trình duyệt chi và quyết toán cho Bộ môn xe đạp TPHCM với số tiền tổng cộng là 1 tỷ 013 triệu 791 đồng cho xe đạp TPHCM dự 6 giải, cụ thể: tháng 3-2010, Giải xe đạp quốc tế - Cúp Truyền hình Bình Dương (chi 66.380.000 đồng), Cúp Truyền hình TPHCM tháng 4-2010 (142.716.000 đồng), Cúp Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 8-2010 (41.010.000 đồng), giải Đại hội TDTT toàn quốc 2010 (từ tháng 5 đến tháng 9-2010), thành phố chi 579.854.000 đồng, giải đua Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là 118.216.000 đồng, Cúp Truyền hình TPHCM vào tháng 4-2011 là 65.615.000 đồng.

Các thành viên đội đua BVTV Sài Gòn nhận số tiền được cho là hỗ trợ từ Bộ môn xe đạp TPHCM trước thềm giải đua Về nguồn 2011. Ảnh: Đ.Đ

Các thành viên đội đua BVTV Sài Gòn nhận số tiền được cho là hỗ trợ từ Bộ môn xe đạp TPHCM trước thềm giải đua Về nguồn 2011. Ảnh: Đ.Đ

Trong khi đó, toàn bộ các thành viên đội đua BVTV Sài Gòn khẳng định chỉ nhận được số tiền 41.680.000 đồng (trong tổng số 579.854.000 đồng) để tập huấn và thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Ngoài ra, họ không nhận thêm bất cứ nguồn tiền nào khác từ thành phố. Thắc mắc ở chỗ, trong các quyết định cử đội tham dự và đề nghị chi tiền, có tên hầu hết HLV, VĐV của cả 2 đội BVTVSG 1 và 2 (!?).

Khi quyền lợi bị tước đoạt, dĩ nhiên, những người bị hại phải kêu lên. Lập tức, ông Trưởng bộ môn xe đạp TPHCM Phan Quý Bách bay thẳng từ TPHCM ra Hà Nội xoa dịu tất cả bằng cách trao 8.010.000 đồng gọi là hỗ trợ các thành viên đội BVTV Sài Gòn dự 2 giải 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (số tiền 4.290.000 đồng) và Cúp Truyền hình TPHCM 2011 (3.720.000 đồng) vào ngày 15-5-2011, ngay trước thời điểm khởi tranh giải Về nguồn 2011!?

Vậy thì số tiền còn lại (ngoài hơn 40 triệu đồng mà đội BVTV Sài Gòn đã nhận) “chạy” đi đâu và vào túi ai? Không một ai biết được. Hỏi thử bên đội Vinamit, các thành viên cho hay đã nhận được tiền, nhưng nhận được bao nhiêu thì cũng chẳng ai trả lời nổi.

Ai chịu trách nhiệm?

Ý kiến VĐV:

°Tay đua Nguyễn Nam Cực: “Không biết từ khi nào mà Sở có hỗ trợ kinh phí cho VĐV dự giải, nhưng theo tôi được biết từ hồi đội còn ở Dofilm, toàn bộ HLV, VĐV đều không nhận được bất kỳ kinh phí từ Sở. Bản thân tôi cũng từng lên gặp Trưởng bộ môn để hỏi về chế độ, có lãnh thêm tiền gì khi thi đấu hay không đều được ông Phan Quý Bách trả lời là không có”.

°Tay đua Mai Nguyễn Hưng: “Không biết tại sao các khoản tiền được công bố rộng rãi thì tụi em đều nhận được. Trong khi các khoản tiền trong quyết định, Bộ môn không công bố thì lại không nhận được. Không biết ngoài số tiền chi cho giải, Sở còn có chi cho đội tiền tập huấn hay trang bị dụng cụ tập luyện hay không mà đội không hề nhận được số tiền đó?”.

Sự thể đã phơi bày rất rõ ràng, trách nhiệm lớn nhất trong chuyện này dĩ nhiên phải tính cho Bộ môn xe đạp. Bởi lẽ, từ đề xuất cử đội đua tập huấn, tham dự giải đến phiếu trình chi tiền lên cấp trên phải có người chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã thử liên lạc với Trưởng bộ môn xe đạp Phan Quý Bách để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, nhưng bất thành. Chẳng lẽ lại “có tật giật mình”?

Có một chi tiết khác, cũng rất đáng quan tâm. Đó là ngoài chuyện mượn danh đội đua BVTV Sài Gòn để lấy tiền Nhà nước, Bộ môn xe đạp còn “kê khống” tên tuổi một số thành viên không có mặt trong đội hình dự Đại hội TDTT toàn quốc 2010, mà mục đích cuối cùng thì ai cũng hiểu: để cá nhân nào đó kiếm thêm tiền!

Đội nam, nữ dự Đại hội TDTT toàn quốc 2010 chỉ có hơn 20 người (thực tế đã tham dự), thế nhưng trong quyết định tập huấn và chi tiền lên đến 32 thành viên. Chỉ tính riêng tiền ở khách sạn cho 32 thành viên, số tiền đã lên tới 310.400.000 đồng (trong thời gian 97 ngày). Trong khi đó, 2 đội BVTV Sài Gòn có 9 thành viên chỉ nhận được số tiền 41.680.000 đồng (tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua vỏ ruột, sên, líp và tiền gửi xe). Nhiều người ước tính, một vài cá nhân đã bỏ túi hơn 100.000.000 đồng khi “kê khống” số lượng thành viên đội tuyển xe đạp TPHCM dự giải đấu này.

Những chuyện kể trên có lẽ chỉ là một phần trong cái “tảng băng chìm” đang tồn tại ở làng xe đạp TPHCM. Nó vẫn sẽ chìm, nếu một ai đó như Mai Nguyễn Hưng không vô tình phát hiện ra khuất tất. Nó sẽ tiếp diễn về lâu dài, sẽ làm lợi cho một vài cá nhân, chứ không phải làm lợi cho xe đạp TPHCM, cho các HLV, VĐV - những người vẫn đang đổ mồ hôi, công sức tập luyện và thi đấu quần quật vì danh tiếng của xe đạp TPHCM. Hỡi ôi…

LÊ QUANG - GIA MẪN

Tin cùng chuyên mục