Đi học!

Chừng nửa thế kỷ trước, sau trận thua đội tuyển miền Nam Việt Nam hồi năm 1959, các quan chức bóng đá Nhật Bản từng khiêm tốn thừa nhận, nền bóng của xứ sở mặt trời mọc chỉ như “chiếc giày nhỏ” nếu so sánh với bóng đá Việt Nam. Hơn 50 năm sau, HLV Falko Goetz và các học trò lại ở vào vị thế những kẻ đi học việc khi được thi đấu giao hữu với đội tuyển Nhật Bản.
Đi học!

Chừng nửa thế kỷ trước, sau trận thua đội tuyển miền Nam Việt Nam hồi năm 1959, các quan chức bóng đá Nhật Bản từng khiêm tốn thừa nhận, nền bóng của xứ sở mặt trời mọc chỉ như “chiếc giày nhỏ” nếu so sánh với bóng đá Việt Nam. Hơn 50 năm sau, HLV Falko Goetz và các học trò lại ở vào vị thế những kẻ đi học việc khi được thi đấu giao hữu với đội tuyển Nhật Bản.

  • Món quà trời cho

Khi Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) ngỏ lời muốn mời đội tuyển Việt Nam thi đấu giao hữu với đội tuyển Nhật Bản tại Kobe để chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup 2012 nhiều người đã bảo, đây thật sự là món quà… trời cho.

Ở thời điểm hiện tại, đấy chẳng phải là sự hạ thấp nền bóng đá nước nhà mà phải thừa nhận sự thật là vậy. Trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, Nhật Bản đang xếp thứ 15 thế giới, số 1 châu Á, trong khi với bóng đá Việt Nam, các thông số tương ứng là 130 và 19. Bởi thế, được so giày với đội tuyển Nhật Bản, nói một cách thẳng thắn thì đó là niềm vinh hạnh cho thầy trò HLV Falko Goetz, dù chỉ thi đấu một trận giao hữu.

Bây giờ, khi đội tuyển Việt Nam đã sớm bị gạt ra rìa ở vòng loại World Cup 2012, thầy trò HLV Falko Goetz lại bất ngờ nhận được lời mời thi đấu giao hữu từ phía Nhật Bản. Theo HLV Alberto Zaccheroni, ông muốn các học trò thi đấu với đội tuyển Việt Nam để có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi gặp Tajikistan, đối thủ tiếp theo của đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2012.

Phát biểu trên website của Hiệp hội bóng đá Nhật Bản, vị HLV lão làng người Ý này cho rằng, bóng đá Việt Nam và Tajikistan có sự tương đồng vì cả 2 cùng có lối chơi phòng ngự-phản công với những pha lên bóng nhanh đầy tốc độ.

Những lời có cánh mà ông thầy của đội tuyển Nhật Bản dành cho HLV Falko Goetz và các học trò phần nào cho thấy, đội tuyển Việt Nam ít nhiều đã nhận được sự trọng thị từ phía chủ nhà. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn không thể khỏa lấp sự yếm thế của một đội tuyển chỉ xếp hạng 130 thế giới, 19 ở châu Á khi đối đầu với đối thủ số 1 châu Á và đang xếp hạng 15 thế giới.

  • Học gì?

Ngay sau khi nhận được lời mời từ phía Nhật Bản, VFF và HLV Falko Goetz đã xác định, đây chính là cơ hội lớn để các tuyển thủ Việt Nam được thi đấu cọ xát, học hỏi từ đội bóng mạnh nhất châu Á ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, giải bóng đá quốc tế TPHCM vừa kết thúc, đội tuyển Việt Nam đã được gấp rút thành lập, trong đó có bổ sung thêm 4 gương mặt xuất sắc đang tập trung cùng đội tuyển U23 là Trọng Hoàng, Thành Lương, Văn Quyết và Đình Tùng.

Bóng đá Việt Nam không chỉ được cọ xát với một trong những đội bóng hàng đầu châu Á mà còn học hỏi được rất nhiều điều ở nền bóng đá nước này. Ảnh: A.P

Bóng đá Việt Nam không chỉ được cọ xát với một trong những đội bóng hàng đầu châu Á mà còn học hỏi được rất nhiều điều ở nền bóng đá nước này. Ảnh: A.P

Với đẳng cấp và vị thế hiện tại, đội tuyển Việt Nam xem trận đấu giao hữu ở Kobe là cơ hội học hỏi đối thủ Nhật Bản là điều hết sức bình thường. Dù gì chăng nữa, thầy trò HLV Falko Goetz cũng khó lòng tạo nên bất ngờ trên đất Nhật, khi khoảng cách trình độ giữa 2 đội tuyển, 2 nền bóng đá quá xa nhau. Với các tuyển thủ, được so giày với những danh thủ Nhật Bản đang thi đấu cho các CLB danh tiếng ở châu Âu như Yuto Nagatomo, Yuki Abe, Makoto Hasebe, Shinji Okazaki hay Shinji Kawaga quả là cơ hội không dễ có.

Được thi đấu, dù chỉ là giao hữu với đội tuyển Nhật Bản thì “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” với thầy trò HLV Falko Goetz. Đội tuyển Việt Nam học hỏi là chuyện đương nhiên, song cũng qua lần vinh hạnh được mời thi đấu giao hữu với đội bóng số 1 châu Á này, không hiểu những người làm bóng đá Việt Nam có học được gì không?

Trong quá khứ, bóng đá Nhật Bản từng khiêm tốn nhận mình chỉ là “chiếc giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bóng đá xứ sở mặt trời mọc giờ đã lọt vào tốp đầu thế giới, thi đấu ngang ngửa với những đội bóng mạnh của châu Âu, châu Mỹ. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam 50 năm qua vẫn mãi trăn trở với giấc mơ HCV SEA Games ở khu vực mà bóng đá vẫn thuộc vùng trũng của thế giới.

Chuyến thi đấu giao hữu với đội tuyển Nhật Bản tại Kobe lần này, không chỉ thầy trò HLV Falko Goetz mà ngay cả những quan chức bóng đá Việt Nam cũng phải “đi học” để giúp mình có thể tiến kịp với “chiếc giày nhỏ” ngày xưa. 

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục