VFF bán bản quyền V-League cho AVG trong 20 năm: Người hâm mộ chịu thiệt?

Theo những thông tin được các bên tiết lộ, mỗi năm, Tập đoàn AVG sẽ trả cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 6 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình V-League, tức là cao gấp đôi so với khoản thu hiện tại mà VFF được nhận từ VTV, VTC. Trước mắt, có thể thấy hợp đồng độc quyền này có lợi cho VFF, ít nhất là chuyện tiền bạc. Nhưng đó có phải là toàn bộ sự thật?
VFF bán bản quyền V-League cho AVG trong 20 năm: Người hâm mộ chịu thiệt?

Theo những thông tin được các bên tiết lộ, mỗi năm, Tập đoàn AVG sẽ trả cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 6 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình V-League, tức là cao gấp đôi so với khoản thu hiện tại mà VFF được nhận từ VTV, VTC. Trước mắt, có thể thấy hợp đồng độc quyền này có lợi cho VFF, ít nhất là chuyện tiền bạc. Nhưng đó có phải là toàn bộ sự thật?

  • Không nên vội mừng

Con số ấy nghe thật hoành tráng nhưng nếu đem chia cho toàn bộ 182 trận đấu/mùa của V-League (26 vòng, mỗi vòng 7 trận), bản quyền mỗi trận đấu chỉ chừng 33 triệu đồng/trận. Trong vòng 10 năm tới, với mức tăng chi trả 10% mỗi năm, tính trên từng trận đấu, tiền bản quyền cũng chẳng tăng bao nhiêu. Trong khi đó, số tiền mà VTV mua mỗi trận đấu tại V-League hiện thời đã hơn 40 triệu đồng/trận.

Nguyên nhân khiến VFF chỉ thu có hơn 3 tỷ đồng/mùa bóng hiện nay là vì số trận bán ra ở mỗi vòng đấu cho VTV, VTC chỉ 3-4 trận mà thôi. Nếu tính như vậy, hóa ra việc mua độc quyền của AVG chẳng tăng được bao nhiêu tiền so với hiện tại. Đó là việc thứ nhất khiến chúng ta không nên mừng vội. Thực tế, chỉ có mỗi VFF là có lợi khi nhân đôi doanh thu mỗi năm.

Tại sao tiền bản quyền truyền hình của Việt Nam quá thấp trong khi nguồn thu này lại là yếu tố quyết định của bóng đá chuyên nghiệp? Câu trả lời thật đơn giản: vì các đài truyền hình vẫn phải phát sóng miễn phí. Vì giải bóng đá nội địa Việt Nam chưa hấp dẫn đến mức người hâm mộ phải trả tiền để mua quyền được xem. Có muốn bán bản quyền giá cao cũng không được bởi mức “cầu” chưa xuất hiện nhiều. Đó là lý do mà khi VTV3 ngưng phát V-League, chuyển sang VTV2 và các kênh truyền hình cáp, cũng chẳng thấy người xem phản đối như sự kiện K+ gần đây.

Điều quan trọng hơn, VFF dù là người đang giữ bản quyền nhưng đó chỉ là quyền “ảo” vì nếu các đài truyền hình không đưa máy móc đến thu phát sóng, sẽ không tồn tại cái mà chúng ta gọi là “bản quyền”, tức là một sản phẩm cụ thể. Hóa ra, VFF đang bán cho AVG một cái “quyền” chứ không phải là “bản quyền”.

Phải chăng đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề và cũng là lý do khiến VTV, VTC chỉ trả tiền bản quyền với mức thấp do họ phải chịu toàn bộ phần sản xuất?

Đại diện cổ động viên TPHCM ký tên vào thư ngỏ phản đối sự độc quyền của K+. Ảnh: Q.LIÊM

Đại diện cổ động viên TPHCM ký tên vào thư ngỏ phản đối sự độc quyền của K+. Ảnh: Q.LIÊM

  • 6 tỷ: vừa rẻ, vừa mắc

Như vậy, ngoài việc trả cho VFF 6 tỷ đồng/năm, AVG còn phải sản xuất chương trình để từ đó hình thành “bản quyền truyền hình”, cơ sở để rao bán cho các đối tác khác.

Cũng không khó để biết, sản xuất một chương trình trực tiếp bóng đá đạt chuẩn thường tốn kém gấp đôi so với một chương trình phát sóng trong nhà (theo đúng chuẩn quốc tế còn tốn kém hơn gấp bội). Ước tính, mỗi trận đấu phải tốn từ 150 -200 triệu đồng tiền sản xuất. Mỗi vòng đấu có 7 trận, như vậy cả mùa giải, AVG phải chi cho hoạt động sản xuất bản quyền ngót nghét hơn 200 tỷ đồng.

Tất nhiên, họ còn phải đầu tư thiết bị máy móc sản xuất cho 7 trận đấu khác nhau, ở những địa phương khác nhau. Chỉ tính riêng khoản đầu tư đó, tiền lãi ngân hàng không thôi nghe cũng đủ nhức đầu.

Với một mức đầu tư khổng lồ lên đến gần 1.000 tỷ đồng cộng với con số phải trả mỗi năm lên hàng trăm tỷ đồng, bài toán kinh doanh bản quyền bắt đầu không còn thấy dễ dàng như việc mua độc quyền 6 tỷ từ VFF nữa rồi.

  • Lấy thu bù chi?

AVG tuyên bố sẽ ưu tiên cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhưng có nói gì đi nữa, họ vẫn là một đơn vị kinh doanh, lợi nhuận không đến trong 5 năm, cũng phải tìm cách kiếm cho ra trong 10 năm kế tiếp.

Như đã phân tích ở trên, chi phí cho bản quyền một trận đấu hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu của đơn vị độc quyền như AVG sẽ đến từ các nguồn: bán cho đài khác, thu từ quảng cáo trên sóng hoặc chính họ bán thẳng cho người hâm mộ từ việc mua kênh của mình để xem các trận đấu. Với nhu cầu xem bóng đá nội địa trên truyền hình hiện tại, thật khó bán bản quyền cho các đài kể cả đài phát sóng toàn quốc.

Hơn nữa, để có lợi nhuận, AVG phải bán giá cao để bù chi phí, càng làm cho khả năng mua bản quyền từ các đài truyền hình kém đi. Đối với vấn đề doanh thu từ quảng cáo, cần lấy ví dụ của VTV3. Họ trực tiếp các trận hay nhất từ bao nhiêu lâu nay nhưng chẳng có bao nhiêu tiền thu từ quảng cáo.

Một đài phủ sóng toàn quốc, có năng lực bán quảng cáo tốt như VTV3 mà còn “bất khả thi”, chuyện AVG thu tiền quảng cáo trên sóng của mình liệu có tốt hơn? Đó là chưa nói, các doanh nghiệp khi làm quảng cáo còn phải lựa chọn đài phát có hiệu quả cho họ chứ đâu có trả tiền cho các đài chỉ phục vụ cư dân địa phương.

Rốt cục, khả năng doanh thu cao nhất của AVG chỉ nằm trong việc họ sẽ bán sóng của chính mình, trên các kênh truyền hình của mình. Nghĩa là để muốn xem các trận đấu V-League, người hâm mộ sẽ phải trả tiền. Đến đây, người ta có thể liên tưởng đến câu chuyện của K+ khi độc quyền các giải Anh, Italia và Tây Ban Nha. Bóng đá quốc tế mà người yêu bóng đá Việt Nam còn phản đối dữ dội thì chuyện muốn xem V-League phải trả tiền, liệu có tạo nên một sự giận dữ tương tự?

Cuối cùng, VFF cho rằng, với việc bán độc quyền cho AVG, người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem trọn 7 trận đấu mỗi tuần, bóng đá sẽ được quảng bá rộng rãi hơn và các CLB sẽ thu được nhiều tiền hơn từ quảng cáo.

Thế nhưng, đó là một giả thuyết quá đẹp. Sẽ như thế nào khi AVG không đạt được thỏa thuận với các đài truyền hình? Khi người hâm mộ phải trả tiền để mua đầu thu mới, sẽ có bao nhiêu người xem bóng đá trên truyền hình nữa? Lúc đó, các CLB cũng không có lợi, V-League không được quảng bá còn tiền bản quyền trả cho các CLB còn thấp hơn trước.

Hiện nay, dù đa số các trận V-League vẫn đang được phát miễn phí thì lượng người xem, doanh thu từ quảng cáo trên sóng cũng chẳng bao nhiêu. Đó là lý do mà chính các CLB còn phải trả tiền cho các đài truyền hình để phát sóng các trận đấu của họ nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu của mình. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục