Tuyển Việt Nam sau vòng đấu bảng: Lấy thủ bù công!

Ngôi đầu bảng B được thầy trò Calisto giành lấy theo cách nghẹt thở, đau tim nhất. Nhưng 3 trận đấu vòng bảng lúc này đã là quá khứ, mấu chốt là tuyển Việt Nam đúc rút được gì sau hành trình ngoạn mục ấy. Tuyển Việt Nam chọn công hay chọn thủ làm điểm tựa trong những trận đấu knock-out?
Tuyển Việt Nam sau vòng đấu bảng: Lấy thủ bù công!

Ngôi đầu bảng B được thầy trò Calisto giành lấy theo cách nghẹt thở, đau tim nhất. Nhưng 3 trận đấu vòng bảng lúc này đã là quá khứ, mấu chốt là tuyển Việt Nam đúc rút được gì sau hành trình ngoạn mục ấy. Tuyển Việt Nam chọn công hay chọn thủ làm điểm tựa trong những trận đấu knock-out?

  • Nghịch lý vòng bảng

Ba trận đấu có 6 điểm (2 thắng, 1 thua), hiệu số bàn thắng- bại là 8-3. Xét trung bình, mỗi trận tuyển Việt Nam ghi được 2,66 bàn thắng, còn thủng lưới 1 bàn/trận. Nếu chỉ đơn giản như vậy, tuyển Việt Nam hẳn đang dồi dào bàn thắng, còn tỉ lệ bàn thua là khá nguy hiểm một khi tính đến sự ngắn ngủi của chặng đường mà thầy trò Calisto đã trải qua. Điểm khác biệt là trong tình thế gian nguy nhất (gặp Singapore), tuyển Việt Nam vừa ghi được bàn thắng, vừa giữ được trắng lưới, thay vì bị bù trừ như 2 trận gặp Myanmar, Philippines.

Thực chất thì số bàn thắng mà tuyển Việt Nam có được là nằm ngoài dự tính của chính ông Calisto. Trừ trận thua Philippines, 2 trận còn lại, các học trò của ông Calisto đều tận dụng được cơ hội ghi bàn. Nhưng vấn đề là dù có thừa thãi bàn thắng đi nữa thì tuyển Việt Nam vẫn có thời khắc bị đặt vào thế chỉ mành treo chuông. Nguyên do là 2 bàn thua tai hại ở trận gặp Philippines, sau khi hàng công cũng bất lực trong việc xuyên phá chiếc xe bus đặt trước khung gỗ của họ.

Nói cho cùng, xét trên giá trị thực tế, 1 bàn thắng phá lưới Singapore có giá trị tương đương với… 7 bàn thắng mà các học trò Calisto đã thay nhau dội vào lưới Myanmar. Bởi nó đồng nghĩa với việc, mỗi trận đấu tuyển Việt Nam tích vào trong túi điểm của mình thêm 3 điểm. Ngược lại, một khi tuyển Việt Nam thủng lưới thì nguy cơ mất sạch tất cả những gì đã có là cực lớn, giống như trận thua Philippines đã dồn đội bóng của thầy Tô vào thế chân tường ra sao.

Giá trị của bàn thắng hay sự vững vàng của hàng thủ là khó đo đếm. Nhưng đối với tuyển Việt Nam, có vẻ đội bóng của ông Calisto cần dựa trên giá trị nền tảng phòng ngự hơn là tấn công. Như 30 phút cuối trận gặp Singapore, tuyển Việt Nam đã chơi tử thủ sau khi Trọng Hoàng dính thẻ đỏ và việc bảo vệ trắng lưới đã đem lại thành quả ngọt ngào cho nhà ĐKVĐ Đông Nam Á.

Thủ môn Tấn Trường góp công lớn trong chiến thắng trước Singapore. Ảnh: Hoàng Hùng

Thủ môn Tấn Trường góp công lớn trong chiến thắng trước Singapore. Ảnh: Hoàng Hùng

  • Lấy thủ bù công

Ông Calisto đã đặt mục tiêu rõ ràng cho trận bán kết lượt đi trên đất Mã: giữ sạch mảnh lưới! Hiển nhiên là ông Calisto có những toan tính riêng, mà đơn giản là lợi thế tại sân Mỹ Đình khi đá trận bán kết lượt về và khi đó, tuyển Việt Nam mới tìm cách phá lưới Malaysia. Sự an toàn trong những trận đấu knock-out phải là ưu tiên tối thượng, trước khi rình rập phản đòn đối thủ.

Cách tính của ông Calisto thực chất chỉ là sự lặp lại của giai đoạn quyết định ở AFF Cup 2008. 4 trận đấu knock-out ở giai đoạn này cách nay 2 năm, tuyển Việt Nam chỉ 2 lần để thủng lưới (tỉ lệ trung bình 0,5 bàn thua/ trận). Hệ số an toàn rất cao ấy đã bù đắp cho những bế tắc trên hàng tấn công (4 bàn thắng, trung bình 1 bàn/ trận; thua xa tỉ lệ 2,66 bàn thắng/trận như tại vòng bảng AFF Cup 2010). Nhờ cách tính thực dụng ấy, tuyển Việt Nam đã lần đầu leo đến ngôi vô địch Đông Nam Á.

Hiện tại, sau những chấp chới kiểu lên cao, ngã đau, ông Calisto có vẻ đang chấp nhận quay về với những nền tảng cơ bản là phòng ngự-phản công. Đó là “bài” sở trường đã tạo nên thương hiệu cho ông Calisto, thay vì đá đẹp, hào nhoáng nhưng lại dễ ăn đòn giống như trận thua tức tưởi trước Philippines. Vả lại, ông Calisto rõ ràng đã thấm thía, khả năng tận dụng cơ hội ghi bàn của học trò phập phù như… thời tiết, lúc xối xả như mưa bão, lúc bế tắc như cơn khô hạn ở sa mạc.

Tính toán quay về với sở trường, vì vậy, ông Calisto lo lắng ra mặt khi 2 trụ cột hàng thủ là Quang Thanh, Việt Cường dính chấn thương. Bởi chỉ cần Việt Cường vắng mặt ở trận Philippines, hàng thủ Việt Nam đã thủng lỗ chỗ. Cho nên, khi tính thực dụng được đề cao thì trước mắt, lại có thêm bài toán mới được đặt ra cho ông Calisto tìm lời giải

Ngọc Linh

Malaysia tự tin trước vòng bán kết

Rất nhiều người hâm mộ Malaysia không nghĩ đội bóng non trẻ của họ có thể qua mặt Thái Lan để đi tiếp. Trận thua đậm Indonesia ở lượt đấu thứ nhì đã nói lên tất cả. Tuy nhiên, Malaysia đã dồn hết nỗ lực cho trận thắng Lào ở lượt đấu cuối, đồng thời với việc Thái Lan tiếp tục chơi sa sút và thua Indonesia.

Mặc dù đã giành vé vào bán kết, nhưng HLV Rajagobal vẫn chưa thôi “nắn gân” các học trò sau những gì họ thể hiện ở trận đấu với tuyển Lào: “So với cách đây 1 năm, đội bóng của tôi chơi khá sa sút. Đồng ý rằng chúng tôi đã lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất, nhưng phía trước còn nhiều trắc trở. AFF Cup 2010 theo tôi cũng khó khăn tương tự Asian Games 2010. Malaysia chơi vẫn chưa ưng ý lắm, hơn nữa, vài vị trí quan trọng của tôi đang chấn thương, sẽ cực kỳ vất vả trước đội bóng rất mạnh như Việt Nam”.

Căng thẳng với học trò luôn là cách ông Rajagobal muốn thúc đẩy sự nhiệt tình hơn nữa của họ. Thậm chí, dù luôn phàn nàn về màn trình diễn chưa nhuần nhuyễn của học trò ở vòng loại, nhưng vị HLV này vẫn tự tin sẽ giành được kết quả thuận lợi ở trận lượt đi trên sân nhà.

HLV Rajagobal (Malaysia).

HLV Rajagobal (Malaysia).

Trước trận bán kết lượt đi với Việt Nam trên sân Bukit Jalil vào thứ Tư tuần sau, ông Rajagobal thừa nhận cơ hội chiến thắng của Malaysia không quá lớn: “Thực ra, mục tiêu của Malaysia là lọt vào trận chung kết của AFF Cup 2012 chứ không phải lúc này. Đội tuyển Malaysia hiện tại đang hoàn thiện mình để phục vụ cho tương lai. Cầu thủ của tôi chẳng có gì để mất và sẽ đấu đến cùng với ứng cử viên Việt Nam, dẫu biết rằng thắng được họ là điều quá khó”.

Lúc này, điều mà ông Rajagobal quan ngại nhất chính là tình trạng chấn thương đang lan tràn ở đội tuyển Malaysia. Mohd Aidil Zafuan Abdul Razak, Mohd Zaquan Adha Abdul Razak, Azmi Muslim, Mohd Nasriq Baharom, Bunyamin Umar, Baddrol Bakhtiar, Ahmad Fakri Saarani và Mohd Farizal Marlias đua nhau gia nhập danh sách điều trị của các bác sĩ. Chưa hết, 2 cầu thủ từng dự Asian Games 2010 là Norhafiz Zamani Misbah và S. Chanturu vẫn chưa bình phục hoàn toàn.

“Điều đầu tiên khi trở về Kuala Lumpur tôi phải làm là kiểm tra và yêu cầu các bác sĩ bằng mọi giá phải chữa dứt điểm cho tất cả cầu thủ chấn thương. Sau đó, tôi mới nghĩ đến chuyện đánh giá đối thủ Việt Nam ở bán kết”, ông Rajagobal nhấn mạnh.

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục