Vấn đề và sự kiện

Mặt bằng và mặt tiền của VFF - Kỳ 1: Thích “đi ngược” hay là…

Mới đầu năm 2010 đã có 2 cuộc tranh cãi liên quan đến VFF. Một là chuyện tái ký hợp đồng với HLV Calisto và hai là sự việc lùm xùm quanh thủ thành Dương Hồng Sơn. Lúc khởi đầu, cả hai chuyện ấy đều tưởng chừng đơn giản…
Mặt bằng và mặt tiền của VFF - Kỳ 1: Thích “đi ngược” hay là…

Mới đầu năm 2010 đã có 2 cuộc tranh cãi liên quan đến VFF. Một là chuyện tái ký hợp đồng với HLV Calisto và hai là sự việc lùm xùm quanh thủ thành Dương Hồng Sơn. Lúc khởi đầu, cả hai chuyện ấy đều tưởng chừng đơn giản…

Chuyện ông Tô: Tự làm khó

Mấu chốt của sự việc này xuất phát từ đề nghị được làm cùng lúc tại đội tuyển quốc gia và T&T Hà Nội (dù chẳng có thông tin nào xác nhận chính thức). Nếu không có chuyện làm việc tại T&T Hà Nội thì có lẽ CLB Đồng Tâm Long An cũng chẳng can thiệp vào. Vấn đề là tại sao VFF lại quá thiếu cứng rắn trong hoàn cảnh mà họ đủ lý do, đủ sự ủng hộ của dư luận để không chấp nhận yêu cầu của ông Calisto.

Chúng tôi đã từng biết rằng, chỉ vì ông Calisto đưa ra lý do “bận tập trung cho công tác huấn luyện” mà VFF đã không đáp ứng được đề nghị của nhà tài trợ đội tuyển quốc gia Sơn Boss trong chương trình “Vì trái tim bóng đá Việt Nam”. Trong suốt chương trình đó, dù có hay không có tập trung đội tuyển thì ông Calisto cũng từ chối tham dự. Tất nhiên là Sơn Boss cũng không thể đòi hỏi được gì. Nhưng từ ví dụ đó, cộng với việc ĐT.LA chẳng có được sự phục vụ của ông Calisto suốt thời gian “nhường” ông cho đội tuyển (lý do chính để họ giải thích chuyện không trả lương cho HLV này) thì tại sao đến lúc này VFF lại “dễ dãi” chấp thuận cho ông Calisto làm việc 2 nơi.

Nói tóm lại: VFF có quyền và cả sự hợp lý để không đồng ý với đề nghị của ông Calisto. Rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt đó là ông này sẽ không tái ký hợp đồng. Tuy nhiên, ít nhất thì VFF cũng sẽ được dư luận đồng cảm. Điều đó còn tốt hơn cái rủi ro là họ tạo điều kiện cho ông Calisto, nhưng sau đó thành tích đội tuyển kém cỏi. Đấy là chưa nói, việc ông Tô làm cho T&T Hà Nội rất không ổn về mặt dư luận, điều mà chính VFF và ĐT.LA đã thỏa thuận tránh không đụng chạm khi ông Calisto được chọn là HLV quốc gia.

Cái thắc mắc lớn nhất ở đây là tại sao VFF không tìm thêm việc cho Calisto ở cấp độ đội tuyển, ví dụ như làm Giám đốc kỹ thuật chẳng hạn. Nó vừa giải quyết vấn đề “muốn được làm việc hàng ngày” của ông thầy này và vừa có lợi cho các đội tuyển quốc gia cho dù có thể VFF phải trả thêm tiền lương.

Một lần nữa, cũng gần như chuyện VFF đề nghị hạn chế cầu thủ ngoại nhập quốc tịch thi đấu, đây là vấn đề mà VFF có thể thấy trước sự rắc rối, nhưng vẫn cứ “lao đầu” vào để rồi có thể mất cả “cả chì lẫn chài”. Xâu chuỗi 2 sự việc, hình như lãnh đạo VFF thiếu cái gọi là tính kiên định hay lập trường của những người đứng đầu.

HLV Calisto và Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung. Ảnh: Quang Minh

HLV Calisto và Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung. Ảnh: Quang Minh

Chuyện Sơn "Núi": Ai lỡ lời?

Chuyện cái hộ chiếu của thủ môn Dương Hồng Sơn rắc rối chung qui cũng từ “lời nói, gió bay”. Thông tin mà các phóng viên có được về việc Hồng Sơn không thể sang Lebanon vì mất hộ chiếu chính từ miệng của ông Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch VFF và là người phát ngôn chính thức của đội tuyển. Thông tin ấy, hẳn nhiên là phải chính xác và không thể thay đổi. Lẽ ra, khi người phát ngôn chính thức đã tuyên bố thì coi như… xong!

Chẳng hiểu sao ông Chủ tịch VFF lại đăng đàn để xác nhận trở lại và đi đến kết luận về tư cách một cầu thủ nằm trong vòng quản lý của mình. Cứ cho là Sơn thiếu ý thức về nghĩa vụ quốc gia, nếu xem lời người phát ngôn là chính xác thì VFF cứ làm việc thẳng với HLV trưởng đội tuyển để thông báo về việc không tập trung Sơn trong tương lai. Hà cớ gì phải giải thích rồi đánh giá tư cách một cầu thủ trên mặt báo?

Rồi khi Dương Hồng Sơn phủ nhận, ông Nguyễn Lân Trung lại giải bày đủ kiểu để bảo vệ thông tin của mình. Để làm gì? Bởi nói cho cùng, chắc chắn sẽ không có chuyện thay đổi những thông tin trước đó mà ông đã cung cấp cho phóng viên (vì ông là phát ngôn chính thức kia mà). Còn Dương Hồng Sơn có thanh minh trên báo chí cũng chỉ vì cá nhân anh đang bị ảnh hưởng bất lợi bởi dư luận. Đấy là việc của Sơn. Còn việc của VFF lẽ ra là cần gặp ngay cầu thủ này để làm rõ tất cả và sau đó công khai với báo chí bằng kênh chính thức. Đằng này, hết ông chủ tịch rồi ông phó chuyên phát ngôn, cũng như cả tờ báo ngôn luận cứ thay nhau khẳng định.

Quyền quyết định, sự đúng hay sai của sự việc, đều nằm trong tay và là trách nhiệm giải quyết của VFF. Đâu nhất thiết phải xem mình “ngang hàng” với một cầu thủ để biến thành một cuộc cãi vã không hơn không kém. Nhưng đấy là cuộc “đấu võ mồm” không công bằng chút nào, bởi VFF có quyền lực, lại là bậc “cha, chú, lãnh đạo” đấy thôi!

Kỳ 2: Mặt bằng thấp hơn xã hội?

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục