Bóng đá phía bắc và giấc mộng Đế vương

Bài 1: Cuộc đua tiền tỷ

Bài 1: Cuộc đua tiền tỷ

Giờ thì bóng đá phía Bắc đã biến thành khu vực chật chội nhất: 8/14 thành viên V-League 2010 thuộc biên chế này. Số lượng có thể chưa đi đôi với chất lượng, bằng chứng là 4/6 vị trí kề cận bờ vực rớt hạng ở V-League 2009 cũng là quân số của bóng đá phía Bắc. Dẫu vậy, ưu thế áp đảo về lực lượng, đồng nghĩa với những dịch chuyển và một tham vọng: mùa 2010, thời thế phải khác!

LTS: Sau cú đúp vô địch V-League của SLNA, 8 năm đằng đẵng, bóng đá khu vực phía Bắc câm lặng ngắm nhìn ánh hào quang vô địch của các đại gia phía Nam và miền Trung. Quãng thời gian ấy đủ dài để thấm thía và khao khát ngôi đế vương sớm quay trở lại. Họ muốn cán cân quyền lực không bị mất cân đối, hoặc khu vực “mặt trời” không bị đối thủ cười xòa vào mũi vì chưa biết làm bóng đá chuyên nghiệp. Giành lại ngôi đế vương, 5 từ ấy đã khiến bóng đá phía Bắc mùa này sôi sục.

NÉM TIỀN QUA CỬA SỔ

Ở V-League 2009, SHB Đà Nẵng xưng vương, nhưng họ có phải vua tiêu tiền? Kể cả 7 tỷ đồng thưởng cho cú đúp vô địch V-League, Cúp Quốc gia 2009, thực tế ngân quỹ rút từ hầu bao của Ngân hàng SHB cho đội bóng sông Hàn tròm trèm khoảng 40 tỷ đồng. Như thế cũng chẳng phải là tiêu tiền quá rát tay, đổi lại, SHB nhận được cú hích thương hiệu lớn, giúp họ đảo ngược thế cờ trên đấu trường kinh doanh. Cụ thể là cú leo dốc thượng thặng của 2 mã SHB và SHS trên thị trường chứng khoán.

Denilson (99), một thương vụ đình đám của đội XM Hải Phòng, nhưng kết quả chỉ là “ném tiền qua cửa sổ”

Denilson (99), một thương vụ đình đám của đội XM Hải Phòng, nhưng kết quả chỉ là “ném tiền qua cửa sổ”

Sở dĩ SHB Đà Nẵng tiêu tiền “cầm chừng” như vậy là do HLV Lê Huỳnh Đức không quá tốn kém cho những phi vụ chuyển nhượng. Lứa cầu thủ của SHB Đà Nẵng lúc này thuộc dạng “nhà trồng được” lại đều và đủ độ chín, cho nên, tốn kém nhất trong việc mua sắm cầu thủ chỉ là đổ tiền chiêu mộ vua phá lưới Gaston Merlo, hay chi phí nhập quốc tịch cho Rogerio. Khoản tiền rút ra từ hầu bao của bầu Hiển để chi nhiều nhất chính là quỹ tiền thưởng.

Mùa này, bầu Hiển mất cỡ 15 tỷ đồng chi thưởng cho SHB Đà Nẵng, nhưng mất tiền kiểu ấy thì ai cũng sướng run. Bởi vậy, ban đầu SHB Đà Nẵng chỉ được thưởng 4 tỷ đồng cho chức vô địch V-League, nhưng do thuế nặng (khấu trừ đến 35% thuế thu nhập cao) nên bầu Hiển đã tặng thêm 1 tỷ đồng, coi như gánh đỡ tiền thuế cho thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức. Nói chuyện tiêu tiền của SHB Đà Nẵng để thấy rằng, nếu đồng tiền đi trúng đích thì sướng đến cỡ nào. Vả lại, việc chi tiêu của nhà vô địch V-League chẳng hề bạo tay trong thời buổi mỗi đội bóng hay được so sánh, đánh giá đẳng cấp, chất lượng thông qua… kim tiền như lúc này.

Thật ra, nếu nhìn khoản đầu tư của SHB Đà Nẵng, hay kể cả của B.Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai…, dường như tất cả đều phải chào thua những tay chơi miền Bắc. Công bố mới nhất từ Thể Công thì chỉ riêng mùa 2009, đội bóng quân đội này tiêu đứt 75 tỷ đồng của Viettel - gần gấp đôi số tiền SHB Đà Nẵng đầu tư để có chức vô địch V-League. Trớ trêu cho Thể Công, chi đậm như thế, nhưng rốt cục, họ chỉ trụ hạng ở vòng cuối cùng và hạ màn với vị trí thứ 9. Vị trí ấy lùi đến 6 bậc so với mục tiêu đề ra hồi đầu mùa giải 2009 của Thể Công.

Hiệu quả tiêu tiền của Thể Công như vậy thì bảo họ ném tiền qua cửa sổ cũng chẳng sai. Việc chăm bẵm cho cầu thủ (cải tạo khu ở thuê tại Nhổn, mắc wifi… cho đỡ nhà quê, thỉnh thoảng ăn cải thiện ở nhà hàng sang trọng) là bình thường, “lót tay” cho lứa cầu thủ hiện có cho “bằng anh, bằng em” cũng không phải quá sốc.

Nhưng Thể Công đã thua đứt trong việc chiêu mộ cầu thủ. Trung vệ Mai Xuân Hợp gia nhập Thể Công từ Thanh Hóa với giá 3,2 tỷ, nhưng cả mùa đá được cỡ 4-5 trận. Tức là chỉ tính riêng tiền lót tay, Thể Công tốn cỡ… 200 triệu đồng/1 trận của Xuân Hợp. Nội binh là thế, ngoại binh còn phát sợ hơn khi Nyom Nyom, De Oliveira, Nita… giá cao, nhưng đóng góp chỉ là những trò quậy phá.

Cùng cảnh ném tiền qua cửa sổ còn có Xi măng Hải Phòng. Phi vụ Denilson đình đám đã ngốn đứt gần 5 tỷ đồng của đội bóng đất cảng. Tuy nhiên, vụ “Sơn đen” chỉ là 1 trong nhiều vụ mất tiền trong xót xa của Xi măng Hải Phòng, bởi ngay đầu giai đoạn 1, đội bóng này bấm bụng thanh lý “cục nợ” Trindade (lót tay 80.000 USD, lương 8.000 USD/tháng), Alan (lương khoảng 6.000 USD)… và đặc biệt là HLV A.Riedl. Riêng phi vụ sa thải HLV người Áo này, Xi măng Hải Phòng được định giá đã hoang phí vài nghìn tấn xi măng nhãn hiệu “Con rồng”. Nghiệt cho Xi măng Hải Phòng, gần 70 tỷ đồng đầu tư cũng chỉ giúp họ về đích ở vị trí thứ 7, hơn đúng 2 bậc so với đội cùng cảnh ngộ Thể Công và thua xa thành tích của chính mình ở mùa 2008.

NÀO CÙNG NHAU TA... ĐUA TIỀN

Có lẽ trừ cảnh khốn khó của SLNA, Quân khu 4, M.Nam Định hay Thanh Hóa, mùa rồi, bạo tay không kém Thể Công và Xi măng Hải Phòng còn có T&T Hà Nội, V.Ninh Bình và cả Hòa Phát HN. Đầu mùa 2009, chỉ riêng ngân quỹ dành cho chiêu mộ lính mới của T&T Hà Nội ngốn đứt gần 20 tỷ, trong đó, 1/3 dành để mua tiền đạo số 1 Việt Nam Lê Công Vinh. Và khi T&T Hà Nội tròng trành, buộc phải “cứu trợ khẩn cấp” thì tiền đổ ra cho cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ở giai đoạn lượt về chẳng kém. Trong đó, việc thay mới 5 ngoại binh, mua đứt Hữu Chương, mượn Trọng Bình (cùng ở V.Ninh Bình) cũng làm T&T Hà Nội mất gần 10 tỷ đồng. Có điều, cuối mùa thì bầu Hiển vẫn xoa tay, bởi đứa con ruột của ông chẳng những xóa lời nguyền rớt hạng còn cán đích ở vị trí thứ 4.

Đối với V.Ninh Bình, Hòa Phát HN, đầu tư lớn, chi đậm là cách duy nhất để lấy vé thăng hạng. Chiếc vé của V.Ninh Bình chẳng hạn, nó được trả bằng 5 tỷ đồng tiền thưởng và… vài chục tỷ đồng chiêu mộ cầu thủ. Mùa rồi, đội hình của V.Ninh Bình gần như được làm mới hết, với cuộc bắt người rầm rộ do một tay “cò” Trần Tiến Đại thực hiện. V.Ninh Bình chi để mua nội binh mới, nhập tịch cho Mykola, Maxwell hay sắm ngoại binh, ắt bầu Trường cũng tốn khoảng 20-30 tỷ. Chưa kể mức thưởng “đều như vắt chanh”: 300-400 triệu đồng/ trận, cao gấp… 3-4 lần mức thưởng trung bình của các đội hạng Nhất khác.

Ném tiền vào mùa giải 2009 thuộc loại nhiều nhất, nhưng đổi lại ở đội bóng Thể Công chỉ là sự thất vọng. Ảnh: Nguyễn Nhân

Ném tiền vào mùa giải 2009 thuộc loại nhiều nhất, nhưng đổi lại ở đội bóng Thể Công chỉ là sự thất vọng. Ảnh: Nguyễn Nhân

Vấn đề là cuộc chạy đua tiêu tiền của những đội phía Bắc chưa có điểm dừng. Nó sôi sùng sục ngay khi mùa giải 2009 hạ màn, bằng chứng là những cuộc chiêu mộ, mua sắm rầm rộ đang làm nóng thị trường chuyển nhượng. Như V.Ninh Bình chẳng hạn, lúc này chỉ 2 trường hợp thành công và được công bố là lấy chữ ký của Đặng Văn Thành (từ Xi măng Hải Phòng), Ngọc Lung (M.Nam Định). Tuy nhiên, nếu 3 bản hợp đồng lớn gồm Như Thành (8,5 tỷ), Việt Thắng (6 tỷ), đặc biệt là chân sút Antonio (800.000 USD), biến thành sự thật, bầu Trường đã phải rút ra gần 30 tỷ. Con số này ắt hẳn chưa dừng lại, bởi V.Ninh Bình còn cần thêm tinh binh để khỏi èo uột khi bước vào đấu trường V-League.

Trong khi đó, Xi măng Hải Phòng vừa chơi trội bằng cách thải loại 6 trụ cột, đồng nghĩa với việc đội bóng này lại phải tiếp tục đổ tiền ra tiêu. Thủ môn Quang Huy đã cập bến đất cảng với giá hơn 3 tỷ lót tay, Aneikan (Đồng Tháp), John Wole (CLB TPHCM) cũng đều nhận được giá cực “hot”: trên hoặc xấp xỉ 100.000 USD lót tay và mức lương hậu hĩnh. Thêm vào đó, họ đã tái ký 2 năm với Leandro với mức lương khoảng 14.000 USD/tháng. Chưa kể Xi măng Hải Phòng còn đang ve vãn Đức Dương, Trọng Lộc của M.Nam Định.

Trong khi đó, hai đội bóng T&T Hà Nội và Thể Công, mọi việc có vẻ êm hơn. T&T Hà Nội coi như có chữ ký của Hồng Tiến (SLNA), Duy Nam (K.Khánh Hòa)… trong khi Thể Công đang còn “hắt hơi xổ mũi”, nhưng vẫn âm thầm vuốt ve Văn Biển, Đức Dương để bổ sung cho cánh trái yếu ớt của họ. Điều đó chứng tỏ, Thể Công với đại gia Viettel chống lưng còn chưa chịu bỏ cuộc, chưa muốn làm kẻ bị thất thế trong cuộc đua tiền. Ngoài ra, Hòa Phát HN cũng sôi động chẳng kém, bởi những chuyến vào Nam, ra Bắc của HLV Nguyễn Thành Vinh để tuyển quân.

Nói tóm lại, bóng đá phía Bắc vừa trải qua cuộc “đốt tiền” thì nay cũng đã sôi sùng sục để tiếp tục chạy đua… tiêu tiền. Ngoài những mục tiêu khiêm tốn là “sinh tồn” (như V.Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội tạm bằng lòng khi mới, hoặc vừa quay trở lại V-League), sự dịch chuyển cán cân với bóng đá phía Nam và miền Trung khiến những đại gia phía Bắc vốn đã quen dùng tiền mua danh vọng càng nuôi khát vọng: thời thế phải khác ở V-League 2010!

YẾN NHI

Tin cùng chuyên mục