Làm gì để vực dậy bóng đá TPHCM? Bài 1: Khơi dậy niềm đam mê

LTS:
Làm gì để vực dậy bóng đá TPHCM? Bài 1: Khơi dậy niềm đam mê

LTS: Nếu nói thêm hay mổ xẻ về thất bại của CLB TPHCM ở mùa bóng vừa qua thì toàn… chuyện cũ. Vì vậy, điều cốt yếu vào lúc này chính là tìm ra những giải pháp, hướng đi cụ thể và cả sự đầu tư quyết liệt để xốc dậy cả nền bóng đá, chứ không riêng gì CLB TPHCM.

Ở TPHCM, bóng đá là môn thể thao thu hút đông đảo người tham gia nhất. Cứ nhìn vào các sân chơi phong trào ngày một sôi động ở các quận huyện sẽ thấy bức tranh bóng đá TPHCM không đến nỗi u ám như người ta nghĩ.

TPHCM đất rộng, người đông, chắc chắn chẳng hề thiếu tài năng bóng đá. Nói như một vị HLV có uy tín của bóng đá Việt Nam: “TPHCM giàu tiềm lực nhất, nhì Việt Nam, nên làm bóng đá ở đây thuận lợi hơn bất kỳ nơi đâu khác. Người tài đâu có thiếu, nguồn kinh phí cũng vậy. Nhưng cái cốt là cách tạo dựng niềm đam mê nơi cầu thủ, niềm tin nơi người hâm mộ của giới chức bóng đá chưa xứng với sự kỳ vọng của người TPHCM”.

Điều này thì đúng quá. TPHCM xưa nay vốn được xếp vào 1 trong 2 trung tâm thể thao hàng đầu cả nước (cùng với Hà Nội). Thể thao TPHCM lẫy lừng trong nước và quốc tế dạo trước, không chỉ nhờ bóng đá, mà nhờ cả những môn thể thao Olympic như bơi lội, điền kinh, bóng chuyền, xe đạp, quần vợt… Chỉ tiếc rằng, khi thời kỳ phát triển mới đến, thể thao TPHCM không theo kịp yêu cầu, vẫn tồn dư nhiều cách làm cũ kỹ và thiếu tính định hướng lâu dài. Nên, hàng loạt môn thể thao, trong đó có bóng đá, sa sút nghiêm trọng và có hệ thống.

Cần vực dậy niềm tin vì một ngày mai tươi sáng của bóng đá TPHCM đối với khán giả hâm mộ như trong quá khứ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cần vực dậy niềm tin vì một ngày mai tươi sáng của bóng đá TPHCM đối với khán giả hâm mộ như trong quá khứ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lâu nay, có vẻ như những người làm bóng đá ở TPHCM quên mất cách tạo hứng thú, truyền niềm đam mê chơi bóng cho các cầu thủ trẻ, dù mỗi năm luôn có vô số sân chơi được tổ chức. Cái cách gây dựng trong lòng thế hệ kế cận tư tưởng chơi bóng vì niềm tự hào của TPHCM và sẽ luôn có những nguồn sống trợ lực sau lưng, đầu ra ở tương lai chưa thật rõ ràng. Nếu giải quyết được điều này, những cầu thủ hiện tại, cầu thủ trẻ sẽ thấy rằng gắn bó với bóng đá, chơi bóng vì TPHCM sẽ được nhiều thứ, danh tiếng và cả vật chất.

Một điều quan trọng khác, đấy là gây dựng lại niềm tin của người hâm mộ thành phố. Đồng ý rằng, họ luôn hoài niệm về những cái tên vang danh một thuở như Sở Công nghiệp, Cảng Sài Gòn, Công an TPHCM, Hải quan… nên khi đại diện duy nhất của bóng đá TPHCM ở sân chơi V-League bị đổi tên từ Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn thành CLB TPHCM, người ta chưa quen, thậm chí quay lưng lại ở giai đoạn đầu mùa bóng.

Bài 2: Tiền không phải là tất cả!

LÊ QUANG 

Ý kiến người hâm mộ

Khi bóng đá nước nhà chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp cũng là lúc các đội bóng của các thành phố lớn bộc lộ những yếu kém trong công tác điều hành cũng như trong việc quản lý cầu thủ, đội bóng.

Trong khi các đội bóng tỉnh lẻ đã nhanh chóng và kịp thời chuyển hướng sang các doanh nghiệp thì các đội bóng ở các thành phố lớn vẫn tiếp tục bám vào bầu sữa bao cấp và tự xoay xở lấy. Vai trò của các Sở VH-TT-DL khá mờ nhạt, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cho dù các đội bóng ở Hà Nội, TPHCM sau này cũng được sang tên cho các doanh nghiệp, nhưng suy cho cùng thì bản chất của các đội bóng này vẫn không thay đổi. Họ vẫn chịu sự quản lý điều hành của cơ chế cũ, những con người cũ với tư duy cũ gắn liền với sự thiếu năng động và thiếu tự chủ từ thời bao cấp.

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các đội bóng của các thành phố lớn đã hầu như không thu hút được bất cứ một cầu thủ danh tiếng nào trong những năm qua, cho dù xét về mặt tiềm lực, họ có những lợi thế rất lớn so với các đội bóng tỉnh lẻ.

THÙY TRÂM (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục