Diễn đàn “Bóng đá TPHCM, vì đâu nên nỗi”: Lỗi hệ thống

Việc bóng đá TPHCM biến thành vùng trắng ở sân chơi đỉnh cao là chuyện đã được dự đoán từ trước. Hậu quả của ngày hôm nay là do lỗi của cả một hệ thống.
Diễn đàn “Bóng đá TPHCM, vì đâu nên nỗi”: Lỗi hệ thống

Việc bóng đá TPHCM biến thành vùng trắng ở sân chơi đỉnh cao là chuyện đã được dự đoán từ trước. Hậu quả của ngày hôm nay là do lỗi của cả một hệ thống.

Cha chung không ai khóc

CLB TPHCM là một trong số ít những đội bóng ở V-League hoạt động đúng theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp, cùng với T&T Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, nhưng trên thực tế, đội bóng chẳng khác nào một tập hợp mà không ai là chủ thể chính để chịu trách nhiệm.

Về nguyên tắc, Thép Miền Nam nắm giữ cổ phần lớn nhất 72% và CSG 25% sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, đặc biệt về tài chính. Nhưng từ khi chuyển giao và thay đổi phiên hiệu đến nay, rất ít thấy những động thái tích cực của 2 chủ thể này trong những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng và chế độ đãi ngộ của đội bóng.

Ở đội bóng phố núi, nếu HA.GL có “mỏi” thì đã có bầu Đức chống lưng, T&T Hà Nội, SHB Đà Nẵng có bầu Hiển để dựa hơi… Còn CLB TPHCM, tuy có đến 2 “bà đỡ”, nhưng không ai trong số họ đủ sức mạnh tài chính để bảo trợ cho đội bóng. Đến khi, đội bóng khoác trên mình tấm áo mới với cái tên rất chung CLB TPHCM thì chẳng khác nào việc “cha chung không ai khóc” như trước kia. Chính điều này làm cho bóng đá TPHCM không đủ sức mạnh trong việc cạnh tranh với những đội bóng khác.

Ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng đã từng khẳng định: “Đội bóng không hề thiếu tiền”, nhưng lại “tiết kiệm” để các cầu thủ của mình đi hàng không giá rẻ khiến họ phải chầu chực cả ngày trời đến nỗi kiệt quệ thể lực trước trận đấu cuối? Trên thực tế, từ mấy mùa nay, chế độ đãi ngộ cho đội bóng luôn thuộc dạng hẻo nhất ở V-League, khiến đội bóng không thể thu hút được những cầu thủ tài năng cả nội lẫn ngoại đến thi đấu.

Trồng người nhưng không biết giữ người

Là trung tâm kinh tế số 1 của cả nước, TPHCM có nhiều điều kiện để ươm mầm cho những tài năng phát triển. Và cũng từ mảnh đất này rất nhiều tài năng đã phát lộ, đem lại nhiều vinh quang cho thể thao TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ khi kinh tế càng phát triển, điều kiện tập luyện thi đấu càng nâng cao thì nạn chảy máu tài năng xảy ra càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm từ những cấp quản lý, điều hành, những cơ chế chồng chéo, nhiêu khê gây khó dễ cho VĐV, và không có những hành động thiết thực để giữ chân các tài năng này.

Nỗi buồn rớt hạng của các cầu thủ CLB TPHCM. Ảnh: Nguyễn Đạt

Nỗi buồn rớt hạng của các cầu thủ CLB TPHCM. Ảnh: Nguyễn Đạt

Trong bóng đá cũng vậy, TPHCM có rất nhiều tài năng, nhưng tất cả họ đều phải ra đi tìm cho mình một bến đỗ mới vì gần như không tìm thấy tương lai ở mảnh đất quê hương. Có thể kể ra như: Quang Thanh, Hoàng Vương, Công Minh, Đức Thiện, Hữu Thắng, Ngọc Hùng, Ngọc Thanh, Đặng Trần Chỉnh, Lê Huỳnh Đức… Tất cả họ đều đã thành công ít nhiều ở đất khách quê người. Cách đầu tư cào bằng, không có trọng điểm, không có chế độ đãi ngộ xứng đáng với tài năng của họ đã khiến cho nạn “chảy máu tài năng” diễn ra liên tục mà bóng đá là khủng khiếp nhất. Giá như, bóng đá TPHCM biết trân trọng tài năng của họ, tạo điều kiện cho họ ở lại để cống hiến cho bóng đá quê hương thì chưa chắc đã rơi vào thảm cảnh như hiện nay.

Mục rỗng phần chân đế

Đội bóng yếu kém, kiệt quệ về tài chính đã đành, đằng này không lại không “gia cố” lại phần chân đế trong công tác đào tạo trẻ đã có phần mục rỗng của mình. Kể từ khi lên ngôi vô địch năm 2002 với lớp cầu thủ cây nhà lá vườn đầy tài năng như Văn Lợi, Văn Phụng, Nguyên Chương, Quan Huy… họ đã không thể cho ra đời được một lớp cầu thủ cho ra hồn từ trước đến nay. Càng đáng buồn hơn, lứa cầu thủ tài năng của Thành Long thì bị bán cho TDC Bình Dương cùng với Đặng Trần Chỉnh.

Đào tạo trẻ tốt là nền tảng cơ bản để dẫn đến thành công của bất cứ đội bóng nào. Những đội bóng nhà giàu sau giai đoạn “ăn xổi” cũng cố gắng để làm tốt việc đào tạo trẻ như HA.GL hay B.BD. Trong khi đó, những đội bóng như Nam Định, SLNA, CS Đồng Tháp, gia cảnh chẳng khá hơn TPHCM là mấy, nhưng họ vẫn sống được, sống khỏe nhờ những cầu thủ do mình tự đào tạo. Thế mới thấy tiếc cho bóng đá Sài Gòn.

...Vĩ thanh

Giờ không phải là lúc để đau buồn, để đỗ lỗi hay qui trách nhiệm cho bất cứ ai hay tổ chức nào mà phải bắt tay ngay nào công cuộc “phục sinh” lại đội bóng nói riêng và bóng đá TPHCM nói chung. Mà việc đó phải được “khởi động” từ “hệ điều hành” ở cấp lãnh đạo. Có như vậy, lỗi hệ thống mới được khắc phục một cách hoàn hảo!

HOÀNG LINH (Q2, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục