Bóng đá TPHCM, vì đâu nên nỗi? Bài 2: Hậu trách nhân

Chuyện đội bóng xuống hạng, đương nhiên lỗi đầu tiên thuộc về đơn vị chủ quản của CLB TPHCM là công ty cổ phần thể thao Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn và HLV trưởng Lư Đình Tuấn, dù Tuấn “nhím” đã đứng ra xin lỗi người hâm mộ ngay sau trận thua B.Bình Dương. Nhưng lỗi còn lại thuộc về ai?
Bóng đá TPHCM, vì đâu nên nỗi? Bài 2: Hậu trách nhân

Chuyện đội bóng xuống hạng, đương nhiên lỗi đầu tiên thuộc về đơn vị chủ quản của CLB TPHCM là công ty cổ phần thể thao Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn và HLV trưởng Lư Đình Tuấn, dù Tuấn “nhím” đã đứng ra xin lỗi người hâm mộ ngay sau trận thua B.Bình Dương. Nhưng lỗi còn lại thuộc về ai?

Những ngày thần tiên

Ngày Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF) bầu lại những vị trí chủ chốt của Ban chấp hành, cũng là lúc người ta kỳ vọng nhiều lắm về chuyện bóng đá TPHCM có thể thay da đổi thịt, hoặc chí ít là có thể thay đổi tư duy làm bóng đá. Cũng trong buổi ra mắt ấy, sau những lời hứa bạc tỷ, người ta có thể mường tượng được rằng, với số tiền tài trợ mà họ kiếm được từ thương hiệu bóng đá TPHCM, HFF sẽ có quyền lực, dù không được như VFF với đội tuyển hay U23, nhưng ít ra họ cũng sẽ hỗ trợ được nhiều.

Với một bộ máy “hoành tráng” nhất các Liên đoàn bóng đá địa phương, thậm chí hơn cả VFF khi có 1 Chủ tịch và 5 phó, mọi thứ càng dễ tin hơn, tương lai càng tươi đẹp hơn khi có vẻ như trách nhiệm được chia rõ cho từng thành viên. Lúc đó ông Lê Quang Nhật - đại diện CLB TPHCM bây giờ đã phát biểu rất thật tình: “Nếu có sự giúp đỡ từ HFF thì quý hóa quá, ít ra còn có chỗ để giãi bày và tìm biện pháp”. Cầu thủ Ngũ Chí Thắng đại diện cho các cầu thủ tham dự ngày ra mắt của HFF đã tinh nghịch nháy mắt rồi bày tỏ, nếu cứ kiểu này thì đội bóng chắc chẳng thua ai và khỏi phải cứ quanh đi quẩn lại chuyện trụ hạng đầy vất vả.

Khi ấy, ai cũng cười, ai cũng vui. Bởi Chủ tịch HFF đường đường là Phó Chủ tịch phụ trách mảng tài chính cho VFF kia mà, còn Tổng thư ký HFF đường đường là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF. Toàn những nhân vật chức to quyền trọng, lời hứa vang như sấm khiến mọi người đều nghĩ đến một viễn cảnh chẳng mấy chốc bóng đá Sài Gòn sẽ phất lên.

Và sự ráo hoảnh của HFF

Lúc đó V-League chưa khởi tranh và mọi chuyện đều rất tươi đẹp. Thế nhưng, khi mùa giải đi qua được một nửa chặng đường thì HFF đã không còn được sự nể trọng của chính những đội bóng đất Sài thành nữa. Ngoài chuyện cùng Vinamilk tổ chức sự kiện bóng đá cộng đồng cho các em nhỏ vui chơi mang màu sắc thương mại, những đội bóng đỉnh cao đã thật sự cảm thấy bơ vơ, bởi họ chẳng nhận được sự hỗ trợ gì đáng kể nào từ HFF. Đương nhiên, sau mỗi thất bại, người ta càng có dịp để nhìn nhận rõ hơn về mọi việc, về cách điều hành của HFF cũng như của đội bóng. Chuyện đội bóng yếu và thiếu đã quá rõ, nhưng HFF có lỗi không. Xin thưa ngay: Có.

Thôi thì quấy quá nhắm mắt làm ngơ trước việc nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, tài trợ, tổ chức thi đấu… trong 3 tháng đầu năm mà HFF đề ra mục tiêu đều không đạt, vì lý do “suy thoái kinh tế”. Nhưng đường đường là một tổ chức đại diện cho môn bóng đá của TPHCM, nhưng dường như ráo hoảnh trước những thất bại đớn đau của đội nhà.

Trận thua M.Nam Định 0-2 đã đẩy CLB TPHCM đến sát bờ vực rớt hạng. Ảnh: Nguyễn Nhân
Trận thua M.Nam Định 0-2 đã đẩy CLB TPHCM đến sát bờ vực rớt hạng. Ảnh: Nguyễn Nhân

Với Sài Gòn United, người ta chỉ nghe một tuyên bố khá đơn giản trên mặt báo rằng: “Đối với Sài Gòn United xuống hạng không phải do năng lực, mà do bị trừ đến 6 điểm nên không thể gượng lên nổi. Đó là một nỗi đau, nhưng điều lệ giải như vậy thì  phải chấp nhận. Còn bất hợp lý hay không, trong kỳ họp Liên đoàn mùa tới người ta sẽ bàn bạc chỉnh sửa, nếu thấy cần thiết”.

Người ta tự hỏi với tuyên bố ấy của ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng thì ông đang đại diện cho VFF hay HFF để bàn việc, khi chính ông thừa nhận rằng: “Chúng tôi chỉ là tổ chức xã hội, có nhiệm vụ hỗ trợ CLB những mặt thuộc về phạm vi luật, điều lệ, khiếu kiện, đại diện pháp lý”. Và ông nghĩ gì khi lãnh đạo CLB Sài Gòn United đã phải tự thân vận động đi thuê luật sư để khiếu kiện cho quyền lợi của đội bóng, cũng là quyền lợi của bóng đá TPHCM. Phải chăng cũng vì xuống hạng là lẽ đương nhiên, nên ngày mà Sài Gòn United thi đấu trận cuối cùng đã chẳng có lãnh đạo cao cấp nào của bóng đá TPHCM có mặt, dù chỉ để xem chứ chưa nói chia buồn.

Còn với CLB TPHCM, ngay sau thất bại, sự chỉ trích BHL, CLB bằng nguồn này hay nguồn khác được tung hê, thậm chí thay vì động viên nhau cùng vượt khó để làm lại, người ta nghe ngay thông tin sẽ thay HLV Lư Đình Tuấn bằng một HLV khác, tất nhiên, mọi sự đã có tính toán trước. Các cầu thủ đã vất vả chèo chống con thuyền cũng bị chính các chú chê lên bờ xuống ruộng.

Sau hàng loạt sự kiện diễn ra mà đỉnh điểm là cả 2 CLB dưới quyền của HFF đều bất phục, cả 2 CLB bóng đá của Sài Gòn đồng loạt xuống hạng, người ta đang tự hỏi thế thì HFF đã làm được gì trong suốt thời gian vừa qua, và nếu có làm thì đấy có đáng gọi là hiệu quả?

TẤT ĐẠT

>>Bóng đá TPHCM, vì đâu nên nỗi? - Bài 1: Tiên trách kỷ

Tin cùng chuyên mục