Bóng đá Việt Nam và những ngoại binh - Bài 2: Lợi & hại

        Lợi thì rất lợi...
Bóng đá Việt Nam và những ngoại binh - Bài 2: Lợi & hại

Các ngoại binh, trên thực tế đã tạo nên sự đa dạng và tính ganh đua hấp dẫn cho sân chơi V-League, hạng nhất. Thế nhưng, không hẳn lúc nào, hình ảnh ngoại binh cũng đẹp đẽ, bởi mặt trái của nó vốn chứa đựng những điều thiếu tích cực…

        Lợi thì rất lợi...

Với vị HLV nổi tiếng khó tính ở Việt Nam như Lê Thụy Hải, thì rõ ràng bóng đá nước nhà chỉ thực sự khởi sắc nhờ làn sóng ngoại binh du nhập vào ngày càng đa dạng, đến từ khắp các thị trường Brazil, Argentina, Nigeria, Cameroon hay châu Âu… Có lẽ vì vậy, công thức “thành công” ở một đội bóng với ông Hải luôn luôn là: ngoại binh giỏi + nhiều tuyển thủ quốc gia + kinh tế mạnh.

Thực ra từ lâu rồi, các ông bầu, các HLV rất coi trọng chuyện sử dụng ngoại binh, giống như họ chính là chỗ dựa vững chắc, là một phần không thể thiếu trong thành công cuối cùng ở các CLB. Dùng ngoại binh giỏi, các CLB được hưởng lợi về chuyên môn, đồng thời cách sinh hoạt và chơi bóng chuyên nghiệp của họ thúc đẩy các cầu thủ nội cùng tiến bộ.

CLB Hoàng Anh Gia Lai là một điển hình. Họ từng rất thành công khi có tiền đạo xuất sắc nhất Đông Nam Á Kiatisak trong đội hình. Ảnh hưởng của Kiatisak từ sinh hoạt mẫu mực ở đời thường, đến cách chơi bóng tận tụy, không tiểu xảo trên sân đã xây dựng đội bóng phố núi thành một thương hiệu đẹp dạo trước.

“Thực ra nếu cầu thủ Việt Nam nghiêm túc trong tập luyện, sinh hoạt thì cũng không kém cầu thủ ngoại. Ngoại binh chỉ hơn ở sức mạnh, sự quyết tâm và sinh hoạt chuyên nghiệp. Còn tư duy, sự khéo léo không hơn các cầu thủ Việt Nam. Chỉ có điều, cầu thủ Việt Nam đa số chơi để mà chơi, chứ chưa thực lòng sống và chơi bóng đá vì danh dự”, HLV Lê Thụy Hải khẳng định.

Người ta có thể nhận thấy dấu ấn của thủ môn Fabio Dos Santos và tiền đạo Antonio Carlos trong thành công của Đồng Tâm Long An thời gian qua. Kesley Alves và Philani cũng trở thành 2 nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến 2 danh hiệu vô địch quốc gia 2007 và 2008 của Becamex Bình Dương mới đây. Almeida, Lee Nguyễn và Thonglao, Lazaro, Timothy và Aniekan, Leandro, Jonathan… giờ đây đã trở thành những ngoại binh không thể thiếu, có ảnh hưởng lớn đến lối chơi của SHB Đà Nẵng, HA.GL, Quân khu 4, CS.Đồng Tháp, XM.Hải Phòng hay K.Khánh Hòa.

Cặp tiền đạo Huỳnh Kesley (7) - Philani (10) đã đóng góp công lớn trong 2 chức vô địch V-League của Becamex Bình Dương. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Cặp tiền đạo Huỳnh Kesley (7) - Philani (10) đã đóng góp công lớn trong 2 chức vô địch V-League của Becamex Bình Dương. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

        ... Nhưng không thiếu hiểm họa

Việt Nam trở thành “miền đất hứa” đối với các cầu thủ ngoại. Mức thu nhập khá cao (lương của cầu thủ ngoại có thể từ 1.500-10.000 USD/tháng), môi trường bóng đá đang phát triển giúp cuộc sống của các ngoại binh luôn ổn định. Thế nhưng, không hẳn những ngoại binh gia nhập làng bóng đá Việt Nam đều có chuyên môn giỏi cả. Chính vì lầm tưởng Việt Nam như một miền đất dễ kiếm việc, nhiều cầu thủ nghiệp dư của châu Phi đua nhau kéo sang xin thử việc qua lời giới thiệu của bạn mình, những người đang chơi bóng ở các CLB chuyên nghiệp, hạng nhất.

Tất nhiên, qua kênh tự do này, nhiều CLB cũng tìm được cầu thủ ưng ý, nhưng đại đa số còn lại là quá kém, cả về chuyên môn lẫn sinh hoạt. Vì vậy, suốt một thời gian dài trước và ngay cả bây giờ, tình trạng các cầu thủ nghiệp dư châu Phi thất nghiệp, lang thang ở các khu Bùi Viện, các công viên ở TPHCM rất lớn, đôi khi gây ra cảnh nhiễu nhương về mặt xã hội.

Ở một khía cạnh khác, các cầu thủ ngoại đến Việt Nam chơi bóng bao giờ cũng đề cao hai chữ “chuyên nghiệp” nhưng thực sự, chuyên nghiệp cũng tùy vào cách hành xử, lối sống của họ về lâu dài. Nếu được như Zico Thái hay Mauricio ở LG.HN ACB trước kia thì đúng là điều mơ ước.

HLV Vương Tiến Dũng cho rằng: “Cầu thủ ngoại có người hay, người dở, có người đá vài năm nhưng cũng có người chỉ trụ được một mùa. Có người dễ quản lý, có người không sao đưa vào khuôn khổ được. Nếu cứ phụ thuộc vào một số cá nhân như thế sẽ rất nguy hiểm cho lối đá chung”.

Nhiều HLV cũng than phiền về việc “làm mình làm mẩy” của các cầu thủ ngoại, sau khi đã có chỗ đứng ở CLB. Trước khi được ký hợp đồng, nhiều cầu thủ tỏ ra rất ngoan hiền, chăm chỉ tập luyện, sinh hoạt đúng mực… Thế nhưng, sau khi chắc chắn mình đã ký hợp đồng thì họ bắt đầu sinh sự. Đá một mùa, vừa có chút tên tuổi là đòi ra đi. Người ta có thể châm chước việc đó vì cầu thủ chuyên nghiệp thường lấy đồng lương để đánh giá năng lực. Nhưng việc nhiều cầu thủ bắt đầu nhiễm những thói hư tật xấu, ăn chơi trụy lạc là điều không thể chấp nhận.

Nhân chứng của những chuyện đáng quên này chính là các cầu thủ nội, những người chứng kiến sau kết thúc trận đấu và được xả trại, các cầu thủ ngoại “biến” đi chơi mất dạng. Cầu thủ da màu đi theo nhóm riêng, cầu thủ gốc châu Âu đi hướng khác, các cầu thủ Brazil cũng có phe cánh của riêng mình.

Tối sau giờ tập luyện, họ bắt đầu tụ tập la cà, làm quen ở các vũ trường và tụ điểm ăn chơi. Nhiều đội bóng biết, nhưng nếu là nội binh thì bị kiểm điểm ngay, ngoại binh lại cho qua vì đội bóng không thể thiếu ngôi sao. 

LÊ QUANG

Thông tin liên quan:

- Bài 1: Cuộc chiến vì thương hiệu

Tin cùng chuyên mục