Tiến tới Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 - Ai sẽ là "chủ nhân"?

Tiến tới Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 - Ai sẽ là "chủ nhân"?

(SGGP-Thể thao).- Dòng slogan quảng cáo của Sơn Boss- nhà tài trợ chính của giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 - như là một thách thức đầy huyền bí khi đêm gala trao giải sắp đến giờ G. Vì lẽ đó, SGGP Thể Thao đã ghi lại những “tiên đoán” về chủ nhân danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 từ các chuyên gia, HLV, nhà báo - những người cũng vừa gửi gắm niềm tin vào lá phiếu bầu chọn danh hiệu cao quý này. 

Có quá nhiều gương mặt xứng đáng đứng trên bục cao nhất của giải thưởng, nhưng Quả bóng Vàng... chỉ có 1. Ảnh: Hoàng Hùng

Có quá nhiều gương mặt xứng đáng đứng trên bục cao nhất của giải thưởng, nhưng Quả bóng Vàng... chỉ có 1. Ảnh: Hoàng Hùng

  • Giám đốc Trung tâm HLTT Hà Nội Phạm Ngọc Viễn:

“Tại sao không phải Vũ Phong?”

Tôi biết nhiều người đang nghiêng về khả năng Vũ Như Thành, Dương Hồng Sơn đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2008. Dầu vậy, tôi vẫn hy vọng và chờ đợi sẽ có một bất ngờ xảy đến trong đêm gala trao giải. Cá nhân tôi thì ủng hộ và bầu cho Vũ Phong vào vị trí Quả bóng Vàng, bởi chính tiền vệ này mới thật sự là “cứu tinh” cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008.

Hai bàn thắng của Vũ Phong trong trận gặp Malaysia mới giúp tuyển Việt Nam lách qua khe cửa hẹp vào bán kết, rồi tạo nên kỳ tích với ngôi vô địch AFF Cup 2008. Không chỉ vậy, 2 trận gặp Lebanon và Trung Quốc ở vòng loại Asian Cup 2011, Vũ Phong đều chơi tốt và đóng góp những bàn thắng quan trọng. Theo tôi, Vũ Phong đã có một năm thi đấu trọn vẹn, thành công ở cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển.

  • Phó Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Trần Văn Phúc: “Tôi tin vào Dương Hồng Sơn!”

Danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 thật khó chọn lựa, bởi bóng đá Việt Nam đã có một năm rực rỡ và rất nhiều những gương mặt tỏa sáng để thỏa sức chọn mặt gửi vàng. Dẫu vậy, tôi tin rằng thủ môn Dương Hồng Sơn sẽ trở thành người gác đền thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam giành được danh hiệu này.

Dương Hồng Sơn chơi tốt ở T&T Hà Nội, giúp đội bóng này thăng hạng. Vả lại, anh ấy cũng là một trong những “cứu tinh” ở đội tuyển Việt Nam khi trở thành nhân tố quyết định đem về ngôi vô địch AFF Cup 2008. Tôi thán phục Hồng Sơn ở sự nhanh nhạy, phản xạ tuyệt vời. Việc Sơn được ghi nhận khi AFF trao giải “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008” có thể coi là sự khẳng định về phong độ, tài năng của thủ môn này trên cả đấu trường khu vực.

  • Nhà báo Bích Thanh (Báo Lao Động): “Tôi bầu Như Thành, nhưng thích Công Vinh”

Tôi đã rất đắn đo khi nhận được lá phiếu mời bầu chọn giải thưởng Quả bóng Vàng 2008. Ngay cả lúc này, dù BTC giải thưởng đã gút xuống còn tốp 4, nhưng thật sự tôi cũng chưa điều khiển được lý trí khi lựa chọn chủ nhân giải thưởng này. Giải nam, tôi đã điền tên trung vệ Như Thành vào vị trí Quả bóng Vàng.

Tôi chọn Như Thành vì anh ấy quá hoàn hảo, từ CLB lẫn đội tuyển và từ cả ý chí vươn lên sau những gập ghềnh, khó khăn. Dẫu vậy, tôi cũng phải thừa nhận, tôi rất quý và muốn xướng tên Công Vinh nữa. Vinh chơi không đều, nhưng thời điểm quan trọng, Vinh đều tỏa sáng mà bằng chứng là bàn thắng vàng giúp tuyển Việt Nam lên ngôi.

Ở giải nữ, tôi tin chắc Ngọc Châm sẽ lên ngôi. Đấy là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó của nữ hoa khôi này.

  • Nhà báo Mạnh Thắng (Đài Tiếng nói Việt Nam): “Công Vinh 1, Hồng Sơn 2...”

Tôi bầu chọn Quả bóng Vàng cho Công Vinh. Tôi biết, với lá phiếu của riêng mình, tất cả khó xoay chuyển vì người hâm mộ dồn nhiều tình cảm cho thủ môn Hồng Sơn và trung vệ Như Thành nhiều quá. Nhưng cá nhân tôi thì Công Vinh mới là Quả bóng Vàng, sau đó mới đến Hồng Sơn.

Một cầu thủ phải chịu đựng bao nhiêu chỉ trích, sức ép nhưng đã vượt qua tất cả. Bản lĩnh là ở chỗ ấy, và những bàn thắng của Công Vinh trong 2 trận chung kết gặp Thái Lan hay khoảnh khắc kiến tạo cho Quang Hải ghi bàn, chỉ thế thôi là đủ cho Công Vinh xứng đáng lên ngôi Quả bóng Vàng trong mắt tôi.

  • HLV Lê Thụy Hải: “Vũ Như Thành là số 1”

Tôi chẳng có gì ngần ngại mà không điền tên Vũ Như Thành vào vị trí số 1. Cả mùa bóng 2008, Như Thành đã chơi cực hay, từ màu áo CLB Bình Dương đến đội tuyển quốc gia. Ngay cả HLV Calisto cũng từng khẳng định, Như Thành là trung vệ số 1 Việt Nam thời điểm này.

Tất cả điều ấy khẳng định Như Thành là cầu thủ hay nhất Việt Nam. Mà đã hay nhất Việt Nam thì tại sao Như Thành lại không thể trở thành Quả bóng Vàng Việt Nam 2008. Nếu Như Thành giành danh hiệu ấy, tôi nghĩ đấy cũng là sự thừa nhận một cách tự nhiên.

Gia Minh (ghi)

 Góc thống kê

NẾU...

Dương Hồng Sơn đoạt Quả bóng Vàng thì đây mới chỉ là lần thứ 2 người trấn giữ khung thành có được danh hiệu cao quý này, sau Võ Văn Hạnh năm 2001. Điều trùng hợp là cả 2 thủ môn này từng khoác áo Sông Lam Nghệ An, nhưng giờ đã chia tay sân Vinh để đến với T&T Hà Nội (Dương Hồng Sơn) và SHB Đà Nẵng (Võ Văn Hạnh). Ngoài ra, 2 người gác đền khác (cùng xuất thân từ “lò” Bình Định) là Nguyễn Văn Cường và Trần Minh Quang từng giành Quả bóng Bạc năm 1995 và 2002.

Lê Công Vinh đứng đầu thì anh chính thức vượt mặt đàn anh Lê Huỳnh Đức để lần thứ 4 “ẵm” giải thưởng Quả bóng Vàng, sau 3 lần đoạt giải vào các năm 2004, 2006 và 2007. HLV đương nhiệm của SHB Đà Nẵng đứng đầu vào năm đầu tiên 1995, 1997 và 2002.

Vũ Như Thành thắng giải thì đây cũng chỉ là lần thứ nhì một cầu thủ thi đấu ở hàng hậu vệ lên bục cao nhất, sau Trần Công Minh (Đồng Tháp) - hiện đang dẫn dắt Đồng Tâm Long An năm 1999.

Còn nếu Nguyễn Vũ Phong đăng quang thì đây là lần thứ 5 và là người thứ 4 một tiền vệ được vinh danh sau Võ Hoàng Bửu (Cảng Sài Gòn, 1996), Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công, 1998 và 2000) và Phan Văn Tài Em (Đồng Tâm Long An, 2005). Những tiền đạo vẫn chiếm ưu thế trong toàn bộ lịch sử giải thưởng với 7 lần về nhất và chỉ gói gọn trong 3 cái tên Lê Huỳnh Đức (Công an TPHCM năm 1995, 1997 và Ngân hàng Đông Á 2002), Lê Công Vinh (Sông Lam Nghệ An, 2004, 2006 và 2007) và một cầu thủ đến từ xứ Nghệ khác là Phạm Văn Quyến năm 2003.

Về phía nữ, nếu Đào Thị Miện giành Quả bóng Vàng thì chị sẽ tiến sát thành tích của người đồng đội ở ĐTQG là Đoàn Thị Kim Chi, người đã 3 lần đứng đầu trong tổng cộng 6 lần trao giải này dành cho nữ từ năm 2002 đến 2007. Đào Thị Miện đứng trên bục cao nhất năm 2006, 1 lần đứng thứ 3 (2005) và 1 lần về nhì (2007).

TRUNG TÍN st


Phần thưởng cuộc đời

So với bóng đá nam, 2008 cũng là năm đại hỷ của bóng đá nữ Việt Nam. AFF Cup, thầy trò HLV Trần Vân Phát vượt cả Thái Lan, Myanmar và chỉ chịu thúc thủ trước khách mời cực mạnh là Australia. Asian Cup, đội tuyển Việt Nam tiếp tục thắng Thái Lan, chơi đầy ấn tượng trước CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc. Vinh quang là thế, nhưng sau ánh hào quang mà tuyển nam giành được ở AFF Cup 2008, chiến công của các nữ tuyển thủ dường như bị lãng quên…

1. Đào Thị Miện - cầu thủ được xem là “người Mohican” cuối cùng còn sót lại của “thế hệ vàng”, tiếp tục là thủ lĩnh, ghi dấu ấn trong tất cả các chiến tích của tuyển nữ Việt Nam trong năm 2008. Miện bảo, cô cũng như bao đồng đội khác chỉ tâm niệm một điều, làm sao để đóng góp nhiều nhất cho đội tuyển chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến tiền bạc. Sự ghi nhận từ người hâm mộ mới là điều đáng quý nhất.

Trước Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2008, cô hồi hộp lắm bởi đây gần như là cơ hội cuối cùng để cô giành danh hiệu cao quý này. Đào Thị Miện năm nay đã 28 tuổi, gần chục năm theo đuổi trái bóng, giờ là lúc cô tính chuyện tương lai. Miện tâm sự rằng, cố gắng cống hiến 1-2 mùa bóng nữa rồi treo giày, theo đuổi nghiệp HLV. Trước ngã rẽ ấy, Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 với Miện không chỉ là sự tôn vinh, thừa nhận mà còn là kỷ niệm đẹp đẽ, ý nghĩa cho một sự nghiệp “quần đùi, áo số” trọn vẹn của cô.

2. Khác với Đào Thị Miện, Đỗ Thị Ngọc Châm trẻ hơn. Năm nay Châm 24 tuổi, trên lý thuyết cô có thể chơi tốt 4-5 mùa nữa. Khát khao thi đấu là chuyện của tương lai, với Ngọc Châm bây giờ, danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam thực sự là ao ước của cô.

Ít ai có sự nghiệp lận đận như Ngọc Châm. Nổi danh khá sớm, ngay từ SEA Games 22, cô đã có tên trong danh sách tuyển Việt Nam, thế nhưng chấn thương bất ngờ ở phút chót đã buộc cô gái Hà thành phải gạt lệ rời cuộc chơi.

Hai năm sau, SEA Games 23, Ngọc Châm trở lại nhưng rốt cục, chấn thương tái phát khiến cô ngậm ngùi nhìn đồng đội thi đấu qua màn ảnh nhỏ. Khác với lần trước, vết đau tái phát ở thời điểm đó, đã đánh gục Châm. Cô bỏ hẳn bóng đá, trở về với vai trò của một nhân viên văn phòng. Cứ ngỡ cái tên Ngọc Châm sẽ biến mất khỏi làng cầu nữ nhưng thật bất ngờ, Châm tiếp tục trở lại. Châm bảo, thứ làm cô trở lại là đam mê, cô không thể xa bóng đá được.

2008 là năm đáng nhớ của Ngọc Châm, cô là chủ công của tuyển Việt Nam ở tất cả các giải đấu. Đây cũng là năm mà tài năng của Châm có “đất” diễn, cô thăng hoa cùng tuyển Việt Nam và cùng Hà Nội vô địch giải VĐQG sau nhiều năm. Trước giờ tới Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2008, Châm nói, không rõ mình giành giải gì nhưng nội việc có mặt ở buổi Lễ trọng đại ấy, đã là hạnh phúc lớn lao của của cô sau một thời gian dài vật lộn với chấn thương quái ác.

3.
So với Đào Thị Miện và Đỗ Thị Ngọc Châm thì Trần Thị Kim Hồng không “nổi” bằng. Thế nhưng suốt từ sau SEA Games 22 đến nay, Kim Hồng chưa từng vắng mặt bên hành lang phải của tuyển Việt Nam.

2008 cũng là năm đáng nhớ với Kim Hồng bởi cô đã trở lại với phong độ đỉnh cao sau chấn thương gặp phải một năm trước đó. Kim Hồng tâm sự rằng, bóng đá là đam mê lớn nhất mà cô sẵn sàng đánh đổi tất cả.

Cũng như Ngọc Châm, với Kim Hồng, việc có mặt ở Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 cũng là hạnh phúc lớn lao của cô. Kim Hồng chia sẻ, Quả bóng Vàng Việt Nam không đơn thuần là sự tôn vinh, ghi nhận, nó còn là phần thưởng của cuộc đời, là cái đích để giới cầu thủ hướng tới…

Tường Khôi

Tin cùng chuyên mục