Nhật ký Asian Indoor Games 3 (ngày 2-11): Việt Nam có HCV thứ 17

Hôm nay, 2-11, đoàn thể thao Việt Nam lại có một ngày thi đấu thành công khi đoạt thêm 6 HCV, gồm: 1 HCV ở môn Kurash (hạng cân 52 kg nữ), 2 HCV môn lặn vòi hơi chân vịt nam - nữ, 2 HCV ở môn Vovinam và 1 HCV múa lân, nâng tổng số HCV của đoàn chủ nhà lên 17 chiếc để giành lại ngôi nhất toàn đoàn từ tay Trung Quốc.
Nhật ký Asian Indoor Games 3 (ngày 2-11): Việt Nam có HCV thứ 17
  • Chung kết cầu mây nữ: Việt Nam thua đáng tiếc

(SGGPO).- Hôm nay, 2-11, đoàn thể thao Việt Nam lại có một ngày thi đấu thành công khi đoạt thêm 6 HCV, gồm: 1 HCV ở môn Kurash (hạng cân 52 kg nữ), 2 HCV môn lặn vòi hơi chân vịt nam - nữ, 2 HCV ở môn Vovinam và 1 HCV múa lân, nâng tổng số HCV của đoàn chủ nhà lên 17 chiếc để giành lại ngôi nhất toàn đoàn từ tay Trung Quốc.

Kurash là môn thi đấu khá mới mẻ đối với thể thao Việt Nam và phần lớn các VĐV từ môn Judo chuyển sang. Vận động viên Văn Ngọc Tú đã đoạt chiếc HCV đầu tiên cho môn Kurash Việt Nam sau khi đánh bại võ sĩ của Thái Lan trong trận chung kết hạng cân 52 kg nữ. Văn Ngọc Tú đã từng giành 3 HCV môn Judo tại các kỳ SEA Games 22, 23 và 24.

Nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú đoạt huy chương vàng môn Kurash hạng cân dưới 52 kg. Ảnh: Phương Hoa

Nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú đoạt huy chương vàng môn Kurash hạng cân dưới 52 kg. Ảnh: Phương Hoa

Vovinam: Thêm 2 HCV

Khán giả có mặt tại nhà thi đấu Quân khu 7 lại được chứng kiến đội Việt Nam giành thêm 2 Huy chương vàng. Một ở nội dung thi quyền song luyện nam và 1 của võ sĩ Nguyễn Minh Tính ở nội dung đối kháng hạng cân 70kg.

Trong trận chung kết, có thời điểm, Nguyễn Minh Tính gặp rất nhiều khó khăn trước võ sĩ người Iran nhưng anh đã thi đấu tập trung với nhiều pha dứt điểm chính xác ở hiệp 3 để giành chiến thắng chung cuộc. Như vậy, sau ngày thi đấu cuối cùng, Vovinam đã mang lại cho đoàn thể thao Việt Nam đến chiếc 8 HCV.

Võ sĩ Nguyễn Minh Tính (trái), đoạt chiếc HCV thứ 8 cho Vovinam VN. Ảnh: Tràng Dương

Võ sĩ Nguyễn Minh Tính (trái), đoạt chiếc HCV thứ 8 cho Vovinam VN. Ảnh: Tràng Dương

* Lặn: Tiếp sức lấy 2 vàng

Tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, nội dung chung kết 4 x 200m tiếp sức môn lặn vòi hơi chân vịt nữ đã diễn ra rất hấp dẫn. Và đội Việt Nam (gồm các VĐV Chu Thị Minh Thủy, Dương Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Quỳnh, Hoàng Thu Phương) đã xuất sắc vượt qua đội Nhật Bản để về đích đầu tiên, xứng đáng đoạt chiếc HCV. Đội Nhật Bản về thứ hai, đoạt HCB.

Ngay sau thành công của các nữ đồng đội, đội nam lặn Việt Nam bước vào thi đấu tiếp sức 4x100m vòi hơi chân vịt. Với ưu thế sân nhà cùng nỗ lực hết mình của 4 VĐV Nguyễn Trung Kiên, Trần Bảo Thu, Phan Lưu Cẩm Thành, Đào Ngọc Tuyến, Việt Nam tiếp tục vượt lên về đích trước tiên.

Trước đó, trong nội dung chung kết 800m môn lặn vòi hơi chân vịt nam, VĐV Trần Bảo Thu về đích ở vị trí thứ 2, nhận HCB với thành tích 6 phút 38 giây 77. HCV thuộc về VĐV Park Chan Ho của Hàn Quốc (6 phút 34 giây 84).

Như vậy, môn lặn đã kết thúc quá trình thi đấu của mình tại Asian Indoor Games 3 với thành tích 3 tấm HCV (1 cá nhân, 2 đồng đội), vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhật ký Asian Indoor Games 3 (ngày 2-11): Việt Nam có HCV thứ 17 ảnh 3

Đội nam lặn với chiếc HCV nội dung tiếp sức 4x100m.

* Billiards (chung kết carom 3 băng): Dương Anh Vũ thua chóng vánh

Tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, trong trận chung kết nội dung carom 3 băng của môn Billiards, tay cơ Dương  Anh Vũ đã thua cơ thủ người Hàn Quốc Cho Jae Ho với tỷ số 13 - 40. Cho Jea Ho (hạng 50 thế giới) đang có phong độ rất tốt khi thắng cơ thủ hàng đầu Nhật Bản Umeda Ryuji ở bán kết.

Cho Jea Ho nhập cuộc rất tốt và chỉ sau 6 lượt cơ đã vượt lên dẫn trước Anh Vũ với điểm số khá xa 22 - 1. Với tâm lý khá thoải mái, Jea Ho bứt đi một mạch và giành chiến thắng chung cuộc 40 - 13 để đoạt HCV.

Boxing nữ: Chủ nhà cầm chắc 2 HCB 

Trận bán kết hạng 46kg, võ sĩ Nguyễn Thị Hoa đã thắng áp đảo trước võ sĩ Anusha của Sri Lanca với tỷ số chung cuộc 14-4. Trận chung kết, Hoa sẽ gặp võ sĩ Chungneijang của Ấn Độ, người đã thắng võ sĩ Philipines Gabuco 7-3 trong trận bán kết trước đó.

Võ sĩ Ngô Thị Phương của Việt Nam thi đấu trận bán kết hạng 48 kg cũng đã thắng đậm với kết quả 8-1, giành quyền vào đấu chung kết gặp Jinmei Lin của Trung Quốc (thắng võ sĩ Thái Lan Ngamlam 10-8).

Ở hạng 57 kg, Ngô Thị Chung thua võ sĩ Usa (Ấn Độ) 2-3 ở bán kết, đành nhận HCĐ nhờ trận thắng 14-3 trước võ sĩ của Sri Lanca ở tứ kết. Ngoài ra, Nguyễn Thị Vui cũng nhận HCĐ mà không thắng trận nào. Vào thẳng bán kết, Vui thua võ sĩ Mitchel của Philipines 9-13.

Đá cầu: Nam Việt Nam và Lào vào bán kết 

Nội dung đồng đội nam, nữ 3 người được thi đấu đầu tiên, và bất ngờ đã xảy ra. Xuất quân với bộ 3 Tuyết Cương, Minh Triều và Anh Tuấn ngay từ đầu, chủ nhà Việt Nam được nhận định sẽ có ưu thế vượt trội trước đối thủ Trung Quốc ở giải nam.

Pha tấn công của đội tuyển Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc

Pha tấn công của đội tuyển Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc

Tuy nhiên, sự kỳ vọng đã không được đền đáp bởi các tuyển thủ chỉ có thể vượt qua đối thủ ở ván đấu đầu tiên (21/16), nhưng bất ngờ xuống tinh thần để thua ngược liên tiếp 2 ván sau đó với các tỷ số 16/21 và 18/21 để thua chung cuộc Trung Quốc 1-2. Tuy nhiên, vào buổi chiều, các chàng trai Việt Nam đã chuộc lỗi khi vượt qua Hongkong 2-0 (21/13, 21/13) để đảm bảo một suất vào bán kết.

Trong khi đó, nữ Việt Nam có sự khởi đầu thuận lợi khi chiến thắng Thái Lan 2-0 (21/18, 21/16) trong trận đầu.

Đội tuyển Lào được xem là bất ngờ lớn ở nội dung này khi nam Lào cũng giành quyền vào bán kết nhờ các chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan (2-0) và Cambodia (2-1). Nối bước các đồng đội nam, các cô gái Lào cũng thắng Thái Lan 2-1 (22/20, 11/21, 21/13).

* Tại Khu điền kinh trong nhà Mỹ Đình, vận động viên Trương Thanh Hằng đã thi đấu rất nỗ lực và giành chiếc HCB ở nội dung chung kết 800m nữ với thành tích 2 phút 3 giây 65. VĐV M. Magarita (Kazakhstan) đã đoạt HCV với thành tích 2 phút 03 giây 06. VĐV Y. Viktoriya (số 321) cũng của Kazakhstan nhận HCĐ.

Ngay sau đó, ở nội dung chung kết 3.000m nữ, VĐV Bùi Thị Hiền cũng giành HCB, về sau VĐV của Bharain.

Ở nội dung 7 môn phối hợp, VĐV Vũ Văn Huyện về đích thứ 3, nhận chiếc HCĐ. Cùng lúc đó, VĐV Bùi Thị Nhung đã bị loại ở môn nhảy cao. Tổng cộng, điền kinh đã giành được 1 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ.

Trương Thanh Hằng (số 126-Việt Nam) đang vượt qua VĐV Viktoriya (số 321-Kazakhstan) để về đích thứ nhì. Ảnh: Ngọc Trường

Trương Thanh Hằng (số 126-Việt Nam) đang vượt qua VĐV Viktoriya (số 321-Kazakhstan) để về đích thứ nhì. Ảnh: Ngọc Trường

* Chung kết cầu mây nữ: Việt Nam thua đáng tiếc

Dù rất cố gắng nhưng đội Việt Nam không thể giành chiến thắng trước Thái Lan và đành nhận HCB. Trước khi bước vào trận đấu này này, các nữ tuyển thủ cầu mây Việt Nam đã dễ dàng vượt qua các cô gái Hàn Quốc ở bán kết với tỷ số cách biệt 300 điểm.

Trong trận chung kết với Thái Lan, do tâm lý thi đấu, ngay từ đầu đội chủ nhà đã bị dẫn điểm, thậm chí có lúc tỷ số cách biệt lên 100 điểm. Song nhờ sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả tại Nhà thi đấu Hà Đông (Hà Nội), các cầu thủ Việt Nam dần san bằng tỷ số.

Trận đấu trở nên kịch tính khi vào 4 phút cuối hai đội vẫn bám nhau quyết liệt, thậm chí khi chỉ còn hơn 1 phút, các cô gái của chúng ta đã vươn lên bỏ xa đội bạn 20 điểm (560-540). Sau đó, đội bạn liên tiếp ghi 30 điểm để vươn lên dẫn trước 570-560. Độ hấp dẫn của trận đấu càng được nâng lên khi đội chủ nhà ghi 20 điểm liên tiếp để vươn lên dẫn trước 580-570. Nhưng rất đáng tiếc khi đúng vào giây cuối cùng, các cô gái Thái Lan lại san bằng tỉ số.

Kết thúc 30 phút của trận đấu, hai đội hòa nhau với số điểm 580-580. Tuy nhiên, HCV đã thuộc về đội Thái Lan vì hơn về chỉ số phụ. Hàn Quốc và Indonesia nhận HCĐ

Đội cầu mây nam của Việt Nam để thua Thái Lan ở bán kết và nhận huy chương đồng. Sau đó, Thái Lan đã đoạt HCV; Indonesia đoạt HCB; Iran HCĐ.

* Lân - Sư - Rồng: Có vàng đầu tiên

Đội lân Việt Nam gồm Quốc Nghiệp (cầm trái châu), Công Phát (cầm đầu sư tử 1), Hoán Phi (chịu thân sư tử 1), Thanh Quang (cầm đầu sư tử 2), Chí Hải (chịu thân sư tử 2) giành HCV bài múa sư tử với số điểm 9,25. Đoàn Hồngkong (Trung Quốc) (9,15 điểm) đoạt HCB.

Giải lân sư rồng thuộc khuôn khổ AIG3 đã khai mạc tại Nhà thi đấu Nguyễn Du – TPHCM chiều tối 2-11. Tham dự giải có 7 quốc gia và vùng lãnh thổ với 3 nội dung thi đấu là múa lân, sư và rồng.

Màn biểu diễn múa sư tử của các VĐV Việt Nam.

Màn biểu diễn múa sư tử của các VĐV Việt Nam.

* Nội dung đua xe môn Thể thao điện tử: VĐV Nguyễn Lê Văn nhận Huy chương bạc.

* Bóng rổ 3 người: Nữ Việt Nam thua đậm Ấn Độ

Trận đấu thứ hai của đội nữ chủ nhà trong môn bóng rổ 3 người, tối 2-11 tại Nhà thi đấu Đại học Sư phạm TDTT TP Hồ Chí Minh, đã kết thúc bằng thất bại 13-33 trước Ấn Độ. Trận thua đậm khiến nữ Việt Nam sẽ khó có cơ hội tranh vị trí cao mà chỉ có thể nghĩ đến chiếc huy chương đồng bởi trong hai đối thủ còn lại Jordan và Thái Lan, đối thủ cùng khu vực được đánh giá khá cao. Thái Lan đã vượt qua Jordan 34-18 ở trận đấu cùng ngày.

Ở giải nam, tối cùng ngày tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng cũng đã diễn ra 5 trận đấu. Tại bảng A, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu bảng sau khi có trận thắng thứ ba trước Nepal 35-11. Ấn Độ thắng Kuwait 34-30, Jordan thắng Qatar 33-13 để cùng có 2 trận thắng, 1 thua. Cả Ấn Độ và Jordan đều đã thất bại trước Thái Lan. Ở bảng B, đương kim vô địch Iran vượt qua đối thủ nặng ký Saudi Arabia 33-24 còn Uzbekistan sau khi để thua chủ nhà Việt Nam ở trận ra quân đã có chiến thắng đầu tay 34-18 trước Afghanistan.

* Khởi tranh môn Muay: Võ sĩ chủ nhà thất thủ sớm

Môn Muay đã khởi tranh tối 2-11 tại Nhà thi đấu Rạch Miễu. Có tất cả 19 đoàn cử 60 vận động viên tham gia thi đấu ở 9 hạng cân của giải (3 hạng cân của nữ với 16 võ sĩ), trong đó nước chủ nhà góp mặt 5 võ sĩ ở 5 hạng cân. Ngay ngày đầu, võ sĩ chủ nhà xung trận đầu tiên là Hồ Thanh Hùng ở hạng cân 67kg nam đã thất thủ trước võ sĩ Farhan Ghachi của Iraq khi bị hạ knock-out ở hiệp đấu thứ ba.

Ở môn thi đấu này Việt Nam cũng có hi vọng đoạt 1 huy chương vàng với gương mặt nổi bật Nguyễn Trần Duy Nhất ở hạng cân 57kg. Chỉ có 5 võ sĩ dự tranh, Duy Nhất - người vừa đoạt huy chương bạc Đại hội Võ thuật Châu Á - gặp đối thủ đến từ Mông Cổ ở vòng đầu, nếu thắng sẽ gặp võ sĩ của Uzbekistan ở trận bán kết.

Chủ nhà chắc chắn có huy chương đồng ở hạng cân 51kg nam do Lê Hữu Phúc được miễn vòng đầu vào thẳng bán kết, đồng thời có thêm huy chương đồng ở hạng cân 60kg nữ (với Trần Thị Hương) do chỉ có 4 võ sĩ dự tranh hạng cân này. Gương mặt nữ còn lại, Nguyễn Thị Tuyết Dung khó tiến xa khi đụng ngay đối thủ Thái Lan ở vòng đầu hạng cân 51kg.

* Futsal - Xác định các cặp đấu tứ kết (nam) và bán kết (nữ)

Vòng đấu bảng môn Futsal đã kết thúc sau các trận đấu chiều 2/11. Tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Uzbekistan vượt qua Kuwait với tỉ số 4-1 để dẫn đầu bảng D, Kuwait xếp thứ hai. Thái Lan thắng Tajikistan 6-2 để củng cố ngôi đầu bảng B.


Tại Nhà thi đấu Tân Bình, ở trận đấu cuối cùng bảng B của nữ, Iran dù đã có suất dự bán kết vẫn thi đấu đầy hưng phấn để giành trận thắng sát nút 3-2 trước đương kim vô địch Nhật Bản, qua đó đoạt ngôi đầu bảng.

Như vậy các cặp đấu tứ kết của nam và bán kết của nữ đã được xác định. Tứ kết nam (ngày 4-11, tại Nhà thi đấu Phú Thọ): Iran - Malaysia, Thái Lan - Kuwait, Jordan - Turkmenistan, Uzbekistan - Nhật Bản.


Bán kết nữ (ngày 4-11, tại Nhà thi đấu Tân Bình): Thái Lan gặp Nhật Bản và Iran gặp Jordan.

Sau ngày thi đấu thứ 3, đoàn thể thao Việt Nam đã có được 17 HCV, 10 HCB và 10 HCĐ, vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp, đứng thứ hai là Trung Quốc (14 HCV), Hàn Quốc đứng thứ 3 với 7 HCV.

Cơ hội gặt vàng tại Asian  Indoor Games 3 của Đoàn thể thao VN vẫn sẽ còn tiếp tục trong ngày thi đấu kế tiếp khi Pencak Silat, Wushu, đá cầu, Boxing, Aerobic... bước vào thi đấu các nội dung chung kết.

Q.Trung (tổng hợp)

Thông tin liên quan

Nhật ký Asian Indoor Games 3

>> Trí tuệ Việt lên ngôi 
>> Ngày vàng của đoàn Việt Nam
>> Khai mạc Asian Indoor Games 3 năm 2009: Việt Nam xin chào!

Tin cùng chuyên mục