Bóng đáTPHCM – thực trạng & giải pháp

Bài 2: Đi tìm nguyên nhân

Thiếu định hướng quy hoạch

Dựa vào thực trạng đã nêu ở bài trước, chúng ta nhận thấy nó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Thế nhưng, chúng ta có thể chỉ ra 4 nguyên nhân chính sau đây:

Thiếu định hướng quy hoạch với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể để tập trung đầu tư trong từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn. Vì thế, chúng ta không biến được những tiềm năng vốn có của thành phố trở thành thế mạnh, nhất là khi bóng đá Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 trên cơ sở tầm nhìn châu Á (AFC Vision).

Trong một thời gian dài, từ khi Nghị quyết 20 của Ban thường vụ Thành ủy ban hành năm 1999, đã chỉ ra bóng đá là một trong những môn có đà sa sút cần củng cố, nhưng đã không có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục.

Vai trò của Liên đoàn Bóng đá TPHCM: Ra đời sớm và hoạt động rất tốt trong thời gian đầu, nhưng qua các thời kỳ thì sa sút, do không tập hợp được lực lượng tham mưu có vai trò nòng cốt trong việc phát triển bóng đá TPHCM.

Lực lượng làm công tác chuyên môn phân tán, thiếu sự đồng tâm, nhất trí. Ngành chủ quản cũng như cấp lãnh đạo thiếu quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời. Lúng túng khi cơ chế bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp hóa.

Khi bóng đá chuyển sang chuyên nghiệp. Bản thân các CLB tự thân vận động, thiếu kinh phí họat động, đội bóng nào không có nguồn kinh phí ổn định thì chuyên giao (Công an TPHCM chuyển sang Ngân hàng Đông Á) lực lượng cầu thủ nội ngày càng yếu kém mà nguồn bổ sung từ đào tạo trẻ của thành phố không đảm bảo yêu cầu.

Mặt khác, cho đến nay, vẫn chưa có một cơ chế, chính sách nào được đề xuất nhằm hỗ trợ cho bóng đá chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố. Cũng có thể vì lẽ đó, mà nhiều cầu thủ, HLV của thành phố đã thành danh hoặc thậm chí chưa thành danh chọn CLB ngoài TPHCM để đầu quân dẫn đến hiện tượng “chảy máu cầu thủ”…

Trường năng khiếu nghiệp vụ trước đây là niềm tự hào của bóng đá TPHCM khi sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ giỏi trong thập niên 80. Ở vào giai đoạn ấy, cuộc sống và nền kinh tế còn rất khó khăn, nhưng sự quan tâm của lãnh đạo thành phố rất tốt, nên khi được tuyển chọn vào Trường NV-TDTT là niềm hãnh diện của cá nhân và gia đình VĐV ấy.

Bên cạnh đó, nơi đây tập trung rất nhiều HLV có trình độ và tâm huyết với nghề nên việc sản sinh ra những lứa cầu thủ tốt là hệ quả tất yếu. Thế nhưng hiện nay, ngoài yếu tố của thời kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến việc định hướng của các bậc phụ huynh trong việc xem bóng đá là cái nghề cho con cái, thì nguyên nhân chính là việc tuyển chọn sàng lọc quá dễ dãi, chưa sâu rộng cùng với trình độ HLV cũng không bằng như trước kia.

Còn riêng các cầu thủ khi đã được tuyển thì ý thức tập luyện thiếu tự giác cũng như lòng yêu nghề không còn cao như trước. Hơn nữa, điều kiện đảm bảo cho đào tạo tập luyện không đạt, cũng làm cho kết quả đào tạo không cao.

Nghị quyết 20 của Ban thường vụ Thành ủy có nêu giải pháp khắc phục, đề cập đến việc xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Tuy nhiên, cho đến nay không hiểu vì sao việc hình thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ vẫn chưa thực hiện được?

Kỳ sau: GIẢI PHÁP NÀO?

Trần Văn Mui
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá TPHCM

Tin cùng chuyên mục