Bóng đá TPHCM – thực trạng & giải pháp

Bài 1: 6 đặc điểm của thực trạng

Thực trạng bóng đá thành phố có thể tóm gọn ở 6 đặc điểm sau:

1. Phong trào bóng đá quần chúng ở cơ sở quận, huyện, ban, ngành liên tịch phát triển rất sôi nổi, rộng khắp, đa dạng và phong phú vì lợi ích sức khỏe, nhu cầu vui chơi giải trí, lợi ích kinh tế, quảng bá thương hiệu, có thể kể ra các con số là kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Giải Futsal doanh nghiệp TPHCM 2007 có 117 đội tham dự; Giải bóng đá sinh viên có 43 đội; Giải thanh niên công nhân có 32 đội; Giải bóng đá lão tướng có 24 đội; các Giải bóng đá trẻ, học sinh luôn có 2/3 đơn vị quận, huyện tham dự, nhiều ngành, cơ quan tổ chức hội thao nội bộ môn bóng đá (ngành công an, quân đội, công đoàn, Hội Nông dân, Hội Tin học, ngành bất động sản…). Tuy nhiên, bóng đá phong trào, đặc biệt trong bóng đá sinh viên, học sinh chưa phát triển được chiều sâu nên lực lượng bổ sung cho bóng đá đỉnh cao từ đối tượng này hầu như không có.

2. Bóng đá đỉnh cao sa sút trầm trọng. Từ một trung tâm bóng đá hàng đầu quốc gia, đến nay, chỉ còn duy nhất đội Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn thi đấu tại giải chuyên nghiệp, nhưng thành tích cũng khá thấp. Đội Ngân hàng Đông Á sau khi rớt xuống hạng nhất sau mùa giải 2004, mùa giải 2005 xếp hạng 3, nhưng không được thăng hạng chuyên nghiệp, sau đó chuyển giao thương hiệu cho đội Sơn Đồng Tâm Long An. Hạng nhất chỉ còn đội Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn, nhưng việc rớt hạng chỉ còn là vấn đề thời gian. Đội Bưu điện sau khi xếp hạng 12/12 tại giải hạng nhất năm 2005 đã chính thức giải tán. Đội CLB Bóng đá TPHCM từ hạng nhất rớt xuống hạng nhì mùa giải 2006, việc trở lại hạng nhất còn nhiều khó khăn.

3. Bóng đá trẻ thi đấu không nổi bật ở các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Năm 2007 không đạt được một thứ hạng đáng kể nằm trong các giải lứa tuổi. Hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của thành phố không thể cho ra đời những lứa cầu thủ có chất lượng đáp ứng yêu cầu bổ sung lực lượng cho bóng đá đỉnh cao, đầu vào quá hạn chế, HLV – các “máy cái” của bộ máy đào tạo không được đầu tư, sân bãi tập luyện quá thiếu, thi đấu và tập huấn quá ít và hàng loạt các điều kiện phục vụ cho công tác đào tạo không được đảm bảo. Những yếu kém trên không được cải thiện trong một thời gian dài dẫn đến việc hụt hẫng lực lượng là hệ quả tất yếu.

4. Bóng đá nữ cũng bấp bênh, mất vị trí hàng đầu quốc gia. Thất bại tại giải vô địch quốc gia 2006 (Hạng 4), giải Đại hội TDTT toàn quốc 2006 lần thứ V (Hạng 3), giải vô địch quốc gia 2007 (Hạng 4). Đội U.19 giành chức vô địch quốc gia lần đầu tiên năm 2006. Năm nay, đội U.18 vừa thi đấu xếp hạng 5, sau Hà Tây, Hà Nam, Thái Nguyên và Hà Nội. Đến nay, thành phố vẫn chưa có giải vô địch, giải trẻ. Thiếu HLV, sân tập…

5. Futsal phát triển đa dạng và phong phú, phong trào rất mạnh nhưng vẫn còn mới mẽ. Đã tổ chức được giải quốc tế đầu tiên tháng 6-2007, đội tuyển Futsal thành phố từng thay mặt Việt Nam tham dự vòng loại giải vô địch châu Á và vô địch Đông Nam Á năm 2006, nhưng vẫn là tập hợp các cầu thủ phong trào, lớn tuổi. Để phát triển môn này, cần xây dựng lực lượng năng khiếu, tổ chức thi đấu các giải trẻ, đào tạo HLV, trọng tài, mời chuyên gia và trân trọng sự đóng góp của các mạnh thường quân. Futsal cũng là một sân chơi để có thể tìm nguồn cầu thủ tài năng bổ sung cho bóng đá sân cỏ.

6. Thiếu một cái sân tương xứng với vị thế của một thành phố trung tâm, có dân số đông nhất nước. Sân vận động Thống Nhất trước đây là “sân khấu” chính thì trong vài năm trở lại đây hiếm hoi các giải, các trận thi đấu quốc tế diễn ra ở nơi này, mà “sân khấu” chính đã chuyển sang sân Mỹ Đình, Thiên Trường, Lạch Tray…Các trận thi đấu quốc tế ở TPHCM thì lại tổ chức ở Trung tâm TDTT Thành Long hoặc Quân khu 7.

Kỳ sau: ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN

Trần Văn Mui
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá TPHCM

Tin cùng chuyên mục