Bóng đá Sài Gòn - Bao giờ cho đến...

Kỳ 3: Trượt dốc!

Bóng đá Sài Gòn chiếm một vị trí quan trọng trong làng bóng cả nước từ sau năm 1975 cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Thống kê qua tư liệu, các câu lạc bộ bóng đá tại Sài Gòn từng 6 lần đoạt chức vô địch quốc gia, với Cảng Sài Gòn vô địch 4 lần các năm 1986, mùa bóng 1993/1994, 1997 và mùa bóng 2001/2002. Đội Công an TPHCM (nay giải tán) vô địch năm 1995 và Hải Quan vô địch năm 1991. Mùa giải 2001/2002 là lần gần nhất mà một đội bóng của Sài Gòn bước lên bục cao nhất, nhưng dư luận cho rằng chiến thắng này như “món quà từ trên trời rơi xuống”, vì nhờ vào những toan tính, nhường điểm, chia điểm giữa những đối thủ còn lại, vốn “không chịu đoạt chức vô địch”(?).

Điều đó có nghĩa, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển mình bước sang chuyên nghiệp thì cũng là lúc bóng đá Sài Gòn lùi lại phía sau. Liên tiếp trong 4 mùa bóng (từ 2003 đến 2006), cả ba thứ hạng đầu đều không có bóng dáng một đội bóng Sài Gòn nào. Ngay cả số lượng đội bóng Sài Gòn có tên trong giải bóng đá đỉnh cao quốc gia cũng ít dần, từ 4 đội ở giải vô địch lần 1 năm 1980 (gồm Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Lương thực Thực phẩm, Sở Công nghiệp) đến nay chỉ còn lại đúng một đại diện là Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn. Bóng đá Sài Gòn cũng trăn trở nhiều và đôi lần tìm cách thay đổi số phận, nhưng vô vọng, vì cách làm quá kém.

Và một khi không còn đại diện nào trên bảng vàng thành tích thì cũng đồng nghĩa các cầu thủ Sài Gòn mất dần chỗ đứng trong đội tuyển quốc gia. Nếu như hồi năm 1995, cầu thủ Sài Gòn chiếm đa số trong đội tuyển dự SEA Games 18, rồi nắm phần lớn các vị trí chủ lực trong đội tuyển ở các giải đấu sau thì từ năm 2001, hầu như không còn cầu thủ nào.

Bạn thử nghĩ xem, một thành phố có hơn 3.000 đội bóng phong trào, hàng trăm ngàn cầu thủ từ mọi cấp, hàng chục sân bóng lớn nhỏ, lực lượng mạnh thường quân yêu bóng đá đông đảo, nhưng không tìm ra một đội bóng giỏi, một cầu thủ ghi tên mình vào danh sách tuyển quốc gia. Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn đóng trên địa bàn thành phố, nhưng từ lâu không được Liên đoàn Bóng đá TPHCM xem là “gà nhà”. Đội bóng tự thân vận động và những mùa giải gần đây chật vật với “cuộc chiến trụ hạng”.

Rồi một đội bóng mới có tên là Câu lạc bộ Bóng đá TPHCM, với tham vọng thắp lại ánh hào quang xưa. Thế nhưng, sau mùa giải đầu tiên chơi khá thành công ở hạng nhì, CLBBĐ TPHCM nhanh chóng bị đánh bật khỏi giải hạng nhất và đến nay hầu như im tiếng.

Một cựu tuyển thủ miền Nam trước đây bức xúc nói: “Chính sự yếu kém trong quản lý, những tiêu cực trong tuyển chọn, đào tạo đã làm thui chột nhân tài bóng đá thành phố. Làm sao có thể chấp nhận được cảnh muốn con em mình phát triển tài năng thì phụ huynh ở thành phố mang gửi con mình đi tỉnh tập luyện. Vậy mà đó là một thực tế. Theo tôi, đừng cho rằng thành phố không có tài năng bóng đá, nhưng với cách làm của ngành TDTT, bộ môn và Liên đoàn Bóng đá TPHCM như hiện nay thì chỉ có làm rã phong trào mà thôi”.

Kỳ 4: Đi tìm nguyên nhân sa sút

LINH GIAO – MINH HÙNG
 

Thông tin liên quan

- Kỳ 1: Thời vàng son 

- Kỳ 2: Trụ cột bóng đá Việt Nam thập niên 90

Tin cùng chuyên mục