Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết

Kỳ 6: Quả bóng vàng Việt Nam lên Wikipedia

Trong những năm gần đây, việc truyền thông về giải ít được chú ý, mà chỉ để tùy cho các cơ quan thông tin trong và ngoài nước tự lo liệu. Song, nhờ uy tín giải và bề dày truyền thống được hun đúc trong nhiều năm qua đã giữ cho “Quả bóng vàng Việt Nam” có một chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Hôm rồi, tình cờ người viết lướt qua trang tin “Bách khoa Điện tử” nổi tiếng có tên “Wikipedia” trên Internet thì bất ngờ nhận được thông tin phản hồi về giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam”. Tuy thông tin còn thiếu phần lịch sử, diễn giải chi tiết các lần tổ chức, nhưng tư liệu kết quả từng cuộc bầu chọn, từ giải thưởng dành cho nam, cho nữ, đến các giải cầu thủ trẻ, cầu thủ ngoại xuất sắc đều có cả. Thông tin viết bằng tiếng Việt, được hiệu đính theo từng năm để bảo đảm độ chính xác, như đoạn bổ sung số lần bầu chọn đã qua là 11 lần và giải thưởng năm 2006 là lần thứ 12.

Tuy nhiên, do thông tin về giải chưa thể truy cập bằng cách đánh thẳng các lệnh bằng tiếng Việt, đại loại như “Quả bóng vàng Việt Nam”, hay “Vietnam Golden Ball Award”... nên muốn đọc được các thông tin về Quả bóng vàng Việt Nam, các bạn phải vượt qua “cuộc hành trình” hơi dài.

Bước đầu tiên, bạn đánh vào ô tìm kiếm (search) dòng chữ “Football in Vietnam” (lưu ý có cách khoảng giữa các chữ như bình thường). Bấm nút “go” để thâm nhập ngay vào trang bóng đá Việt Nam bằng tiếng Anh.

Bước hai, bạn di chuyển xuống cuối trang viết và tìm mục “See Also” hiện có sẵn 3 nội dung để bạn dò tìm. Bạn chọn nội dung đầu tiên “Vietnam national football team” và ấn vào đấy để bung ra trang thông tin về đội tuyển bóng đá Việt Nam (vẫn bằng tiếng Anh).

Công việc của chúng ta bắt đầu dễ dàng hơn khi bạn tìm nơi cuối trang, bên trái để chọn ngôn ngữ “tiếng Việt” và ấn vào đó. Một bài viết giới thiệu bằng tiếng Việt về đội tuyển Việt Nam mở ra và cuối cùng bạn chỉ cần tìm nơi mục “Các cầu thủ nổi tiếng”, rồi ấn vào tên một trong những cầu thủ đã từng đoạt giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” là Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh hoặc Nguyễn Hồng Sơn. Họ sẽ cho bạn bài viết giới thiệu các cầu thủ này, mà trong nội dung bài viết có in nổi bật dòng chữ màu đỏ “Quả bóng vàng Việt Nam”.

“Cuộc hành trình” kết thúc khi bạn ấn (click) vào đó để xem toàn bộ kết quả của 11 lần tổ chức giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam”, với đầy đủ các quả bóng vàng, bạc, đồng nam, nữ, cầu thủ trẻ, cầu thủ ngoại xuất sắc, từng năm và tên đội bóng của từng cầu thủ. Có một điều còn thiếu sót là Wikipedia chưa cập nhật phần lịch sử giải thưởng, vốn rất ý nghĩa, chi tiết kết quả bầu phiếu (số điểm) của từng cầu thủ đoạt giải. Chắc chắn, trong một ngày không xa, người viết sẽ bổ sung những khiếm khuyết nhỏ này, nhưng suy cho cùng, việc Wikipedia đưa thông tin kết quả “Quả bóng vàng Việt Nam” sẽ giúp cho công việc truyền thông của báo chí thuận lợi hơn, giúp người hâm mộ có thể truy cập, tìm hiểu thêm về một giải thưởng cao đẹp dành cho cầu thủ xuất sắc. Tất nhiên, cuộc hành trình tìm kiếm thông tin Quả bóng vàng Việt Nam cần dễ dàng hơn thì rất tốt. 

Cách đây 10 năm, trên trang tin của tạp chí bóng đá nổi tiếng nhất thế giới World Soccer của Anh có đăng một mẩu nhỏ: “Quả bóng vàng Việt Nam năm 1996 trao cho cầu thủ Võ Hoàng Bửu của đội Cảng Sài Gòn. Quả bóng bạc và đồng thuộc về hai cầu thủ Trần Công Minh của đội Đồng Tháp và Nguyễn Hồng Sơn của đội Quân đội (trong tin viết là “Army Club”). Tin cực ngắn, không có đơn vị tổ chức, không kết quả phiếu bầu... nhưng là niềm vui lớn của các nhà tổ chức. Trước đó vài tháng, người viết đã gửi toàn bộ kết quả bầu chọn giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam 1996” cho một số tờ báo, tạp chí bóng đá trên thế giới, kèm theo đầy đủ thông tin, tư liệu về giải. Sự phản hồi từ “World Soccer” là tuyệt vời.

Thông tin liên quan

Kỳ 5: Lễ trao giải – Màn biểu diễn độc đáo nhất

Kỳ 4: Trăn trở chuyện mấy quả bóng 

Kỳ 3: Vì sao “Vua đá phạt đền” trở thành “Vua bóng đá”?

Kỳ 2: Lý do Chiến thua Đang và việc chế tác các quả bóng giải thưởng 

Kỳ 1: Ý tưởng ban đầu

Tin cùng chuyên mục