6 ngày đến SEA Games 24 - 2007 : Chuyện “nhập cảng”

Một quốc gia muốn giành vị trí quán quân ở một môn thể thao bèn sử dụng cách sang các nước có nền thể thao hùng mạnh săn tìm vận động viên giỏi, có trình độ cao hơn hẳn rồi mang về nhập quốc tịch để thi đấu và... giành huy chương. Chuyện đó gọi là “nhập cảng” hay “chơi hàng ngoại”.

Một vận động viên bước lên bục nhận huy chương chứng minh sự xuất sắc của nền thể thao quốc gia đó. Thế nhưng, chuyện “nhập cảng” vận động viên ngoại, mà không phải qua đầu tư, đào tạo, huấn luyện thì chỉ là “trò bịp” được hợp pháp hóa bằng tấm thẻ quốc tịch.

Người viết đã từng tác nghiệp từ các kỳ SEA Games 17 – 1993 đến nay và nhận thấy, chuyện “nhập cảng” vận động viên ngoại quốc vào thi đấu chỉ rộ lên từ 1997, tức SEA Games 19 ở Jakarta, Indonesia. Khi ấy, Singapore – đảo quốc nhỏ bé chỉ hơn 4 triệu dân - đã khắc phục tình trạng khan hiếm tài năng của mình bằng cách nhập các tay vợt bóng bàn hàng đầu của Trung Quốc, tìm thấy ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu,...

Đơn cử là tay vợt bóng bàn Jing Jung Hong dễ dàng xô ngã các đối thủ Đông Nam Á nhỏ bé để lên ngôi vô địch nhiều SEA Games liền. Sau đó, Thái Lan cũng mau chóng nhập quốc tịch cho cô gái mang hai dòng máu Thái - Mỹ Trecia Robert để giành huy chương vàng 100m rào nữ.

Tuy nhiên, rầm rộ nhất và ngộ nghĩnh nhất là đợt xét nhập quốc tịch Malaysia cho một loạt các xạ thủ nữ Kazakhstan gốc Nga để giành huy chương vàng môn bắn súng. Nhìn các nhà vô địch mắt xanh, tóc vàng hoe khoác áo một quốc gia Đông Nam Á đứng trên bục nhận huy chương trông rất buồn cười.

Chuyện “nhập cảng” tài năng ngoại về thi đấu cho các quốc gia Đông Nam Á mỗi lúc một “đường hoàng” hơn, xem như chuyện bình thường, không e dè, ái ngại như ban đầu. Các vận động viên Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia... buộc lòng phải thi đấu với các vận động viên Trung Quốc, Anh, Serbia, Nga, Kazakhstan... một cách bất công, mà không làm gì được. Nó tựa như các giải thể thao nhi đồng trong nước mình, mà VĐV nhí thi đấu với mấy anh chị “nhi đồng cụ” dắt trong túi tấm giấy khai sinh sụt 4 - 5 tuổi và xem đó là hợp lệ (?).

Điều tệ hại và bi kịch ở chỗ người ta xem đó là chuyện bình thường. Thể thao Đông Nam Á có thể tiến với kiểu chơi vay mượn như thế? Tại SEA Games 24, mới qua hai ngày thi đấu đầu tiên ở môn bắn súng, đội tuyển Singapore vốn là em út trong làng “tác xạ” khu vực đã ung dung leo lên ngôi vị số 1 toàn đoàn, với 5 huy chương vàng (cùng 2 bạc, 1 đồng) nhờ công của các xạ thủ Trung Quốc vừa mới nhập quốc tịch một cách nhanh chóng.

Người viết đã từng đề cập đến chuyện này hồi SEA Games 21 - 2001 tại Malaysia, nhưng vẫn phải nhắc lại cứ đến mỗi dịp SEA Games sau, dù có ai đó nói rằng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

- Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

- Bài 12: “Những ông hoàng” trên thảm judo

- Bài 13: Nào, chúng ta cùng đến Nakhon Ratchasima!

- Bài 14: Lạc quan bóng đá

- Bài 15: “Đãi vàng” điền kinh

Bài 16: Chưa ra đường đã đổ chuyện

- Bài 17: Tuyên bố của Chủ tịch VFF!

- Bài 18: Bắt đầu những chuyện không fairplay

- Bài 19: Những chàng lính ngự lâm

Tin cùng chuyên mục