9 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 17: Tuyên bố của Chủ tịch VFF!

9 ngày trước khi SEA Games khai mạc, nhưng với môn bóng đá vốn khởi tranh trước thì chỉ còn 4 ngày nữa quả bóng tròn sẽ lăn trên sân cỏ Nakhon Ratchasima. Và người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã được nghe lời tuyên bố rất hùng hồn của Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ.

Ông cho biết: “Nếu đội U23 quốc gia lại tiêu cực, tôi sẽ từ chức!”. Lâu lắm rồi mới được nghe một lời tuyên bố có lửa đến như vậy từ một quan chức bóng đá, mà lại là người giữ trọng trách cao nhất lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Dư luận chung rất đồng tình với tính quyết liệt của ông trong mặt trận đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, cũng như lời nhận xét thêm của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: “Tôi tin tưởng các cầu thủ sẽ đá sạch ở đại hội lần này, bởi dù sao, từng người cũng đã có những tấm gương để mà sợ rồi, nên chắc sẽ không tái diễn điều đau lòng đó”. Hoàn toàn đúng.

Vì các tuyển thủ hiện nay đã nhìn thấy sự trừng phạt dành cho những cầu thủ đã “nhúng chàm” tại SEA Games lần trước, người đang thọ án trong trại giam, người nhận án treo giò đứng bên lề sân cỏ, cùng biết bao thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần mà họ phải chịu. Do vậy, giới bình luận cho rằng lần này ông Hỷ dễ tuyên bố cứng hơn cũng là thế.

Hơn nữa, trong lần đi trước, các tuyển thủ không được hứa hẹn mức thưởng gì (nên móc nối với tiêu cực bên ngoài để tự thưởng cho mình chăng?), còn lần này thì giá treo thưởng cao ngất ngưởng thì tội tình gì các tuyển thủ hiện tại lại đi cầm vài chục, vài trăm triệu đồng “tiền bẩn” để rồi lãnh án và mất tất cả. Cái dễ trong lời tuyên bố của Chủ tịch VFF là vì thế.

Theo lệ thường, trước mỗi lần “lâm trận”, các tuyển thủ được VFF, Ban huấn luyện làm công tác tư tưởng rất kỹ lưỡng, được bên Công an kèm cặp, nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để các nhà quản lý tự tin rằng tiêu cực sẽ không xảy ra. Người viết đặt lại vấn đề rằng nếu trong lần trước không có sự trung thực, dũng cảm của tiền vệ Phan Văn Tài Em dám đứng lên tố cáo nhóm cầu thủ tiêu cực thì liệu đã có những vụ xử sau đó hay không?

Tình trạng vô kỷ luật, lỏng lẻo trong quản lý, thậm chí về đêm, các huấn luyện viên và nhân viên an ninh có nhiệm vụ giám sát, trông chừng đội tuyển yên tâm ngủ ngon, mặc cho một số cầu thủ vượt rào ra ngoài chơi đêm, cặp kè với gái. Thú thật, người hâm mộ rất lo lắng với những thông tin đại loại như “làm công tác tư tưởng rất kỹ lưỡng”.

Thiết nghĩ, việc gì cần làm thì ta cứ làm, nhưng đã là bóng đá chuyên nghiệp thì việc khen thưởng, xử phạt phải rõ ràng và nghiêm khắc là đủ. Chỉ cần nhận định như lúc đầu bài của Chủ tịch VFF rằng “từng người cũng đã có những tấm gương để mà sợ rồi” là quá đủ, cũng chẳng cần ông tuyên bố từ chức. Vì nếu bóng đá Việt Nam lại mắc phải tiêu cực như lần trước thì chuyện ông từ chức lúc ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

- Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

- Bài 12: “Những ông hoàng” trên thảm judo

- Bài 13: Nào, chúng ta cùng đến Nakhon Ratchasima!

- Bài 14: Lạc quan bóng đá

- Bài 15: “Đãi vàng” điền kinh

- Bài 16: Chưa ra đường đã đổ chuyện

Tin cùng chuyên mục