10 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 16: Chưa ra đường đã đổ chuyện

Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng dường như có một điềm gỡ trước mỗi lần xuất trận. Còn nhớ trước khi sang Philippines dự SEA Games 16 - 1991, một nhóm 11 cầu thủ phía Nam (Quảng Nam Đà Nẵng, Hải Quan và Cảng Sài Gòn) đã xách túi rời Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1 (Nhổn, Hà Nội) về nhà vì phản ứng trước cách đối xử, điều kiện và sự phục vụ quá yếu kém của Trung tâm thời ấy. Họ đã bị kỷ luật, nhưng đội tuyển đã yếu đi rất nhiều và dễ dàng thất bại trong lần hội nhập đầu tiên (hòa Philippines 2-2, thua Malaysia 1-2 và Indonesia 0-1). Ai cũng tiếc rẻ cho sự cố năm ấy, vì nếu không, với thành phần đầy đủ, mạnh và sung sức thì bóng đá Việt Nam dám làm nên chuyện.

4 năm sau, trước khi lên đường sang Chiang Mai, Thái Lan dự SEA Games 18, sự kiện trung phong số 1 Việt Nam Lê Huỳnh Đức sau khi chữa lành bệnh viêm tá tràng bị “ngăn” không cho quay lại đội tuyển đã làm dậy lên làn sóng phản ứng dữ dội nơi báo giới và người hâm mộ. Chỉ nhờ có áp lực này mới cản được những quan chức có đầu óc thành kiến trong Liên đoàn làm một chuyện tổn hại đến bóng đá Việt Nam.

Năm 1997, năm của SEA Games 19 đã chứng kiến một đội tuyển rệu rã sau thất bại ê chề ở Dunhill Cup 1 vào tháng 1 tại Malaysia, chứng kiến sự “biến mất” của HLV trưởng Karl Heinz Weigang âm thầm sang đầu quân cho CLB Perak của Malaysia, rồi những đả kích, chống đối của một số tờ báo nhắm vào tân HLV trưởng người Anh Colin Murphy làm đội tuyển bị dao động nhiều trước ngày lên đường sang Jakarta, Indonesia.

SEA Games 20 - 1999 tương đối phẳng lặng đối với đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV trưởng người Áo Alfred Riedl và đó cũng là một trong hai SEA Games thành công nhất, tính đến thời điểm ấy của đội tuyển, với chiếc huy chương bạc.

Tưởng cũng nên lưu ý là cho đến SEA Games 23 - 2005, môn bóng đá trong nhà, hay còn gọi là Futsal chưa có mặt. Đây là lần đầu tiên môn Futsal được đưa vào thi đấu tại SEA Games 24 - 2007, một phần cũng nhờ đại hội được tổ chức tại Thái Lan, quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á và xếp thứ 4 châu Á ở môn thể thao này. Bóng đá Việt Nam khởi đầu rất sớm ở môn Futsal, nhưng Liên đoàn Bóng đá không có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Họ đợi đến khi các nước trong khu vực phát triển rầm rộ, đến khi Thái Lan trở thành “cường quốc” đứng đầu Đông Nam Á thì mới chịu rục rịch chuẩn bị, thậm chí mời cả chuyên gia Thái sang huấn luyện. Đó là một nghịch lý ... hợp lý. Bởi bóng đá và cụ thể là môn Futsal được trao vào tay những người làm việc quá nghiệp dư.

Mặc dù vậy, trước khi lên đường sang Thái Lan dự SEA Games 24, đội tuyển Futsal nam lẫn nữ nước ta được kỳ vọng rất nhiều vào việc đoạt huy chương. Cả hai đội được quan tâm nhiều hơn, gửi đi cọ xát nước ngoài nhiều hơn, trong đó có việc tham dự Asian Indoor Games vừa qua tại Macau, Trung Quốc. Đáng tiếc, bóng đá Việt Nam lại dẫm lên “vết xe đổ” năm nào. Chuyện buồn của 16 năm về trước đã lặp lại, khi 3 cầu thủ trụ cột của đội tuyển là Tuấn Tú, Trung Kiên và Bảo Quân, đều là biên chế của CLB Trà Dilmah đã làm đơn rút lui khỏi đội tuyển, vì phản ứng ban huấn luyện trong việc loại cầu thủ giỏi và đưa vào đội hình cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm. Mặc dù được Liên đoàn Bóng đá, ban lãnh đạo và ban huấn luyện đội động viên hết lời, nhưng 3 cầu thủ này vẫn “dứt áo ra đi”. Được biết, cầu thủ trẻ đưa vào thay thế là lứa cầu thủ U 19 Thể Công, do HLV phó đội tuyển Futsal Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn giới thiệu. “Chưa ra đường đã đổ chuyện”, đúng là bóng đá Việt Nam mắc cái “huông” xấu. 

LINH GIAO

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

- Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

- Bài 12: “Những ông hoàng” trên thảm judo

- Bài 13: Nào, chúng ta cùng đến Nakhon Ratchasima!

- Bài 14: Lạc quan bóng đá

- “Đãi vàng” điền kinh

Tin cùng chuyên mục