12 ngày đến SEA Games 24 - 2007: “Đãi vàng” điền kinh

Từ lâu rồi, điền kinh đã được xem là môn thể thao “Nữ hoàng”, bởi vẻ đẹp và tính quan trọng của nó trong bất kỳ đại hội nào. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, thể thao Việt Nam vẫn xem điền kinh là “người ngoài cuộc”, “kẻ xa lạ” ở tất cả các kỳ SEA Games.

Mãi đến khi “linh dương đen” Vũ Bích Hường tỏa sáng tại Chiang Mai 1995, với tấm huy chương vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam thì lúc đó các chuyên gia mới bừng tỉnh. Việc đầu tư cho huấn luyện đã được chú trọng từ đầu thập niên 90, nhưng chỉ sau chiến công của Bích Hường tại SEA Games 18 thì điền kinh Việt Nam mới dốc toàn lực vào cuộc.

Tuy nhiên, phải đợi 4 năm sau, tại SEA Games 20 - 1999, lứa vận động viên của “thế hệ vàng” mới ra lò, mà đứng đầu là Phạm Đình Khánh Đoan với 2 chiến thắng ngoạn mục ở đường chạy cự ly trung bình 800m nữ và Phan Văn Hóa mang về chiếc huy chương vàng thứ ba cũng ở cự ly 800m nam. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam Phạm Đình Khánh Đoan tiếp tục làm ngây ngất người hâm mộ tại SEA Games 21 - 2001 với hai huy chương vàng ở cự ly 800m và 1.500m.

Điền kinh Việt Nam đã có tiếng nói nơi đấu trường khu vực và chỉ 2 năm sau, trên sân nhà, đội tuyển điền kinh đã mang về cho Tổ quốc 8 huy chương vàng. Thành tích tại SEA Games 22 - 2003 tiếp tục được các vận động viên Việt Nam duy trì ở Philippines 2005, với 7 huy chương vàng... Trong đó, lứa “thế hệ vàng” mới có dịp trình làng như Vũ Thị Hương 100m, Trương Thanh Hằng 1.500m và Đỗ Thị Bông 800m.

Đến với SEA Games 24 - Nakhon Ratchasima (Thái Lan) 2007, đội tuyển điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu ban đầu là 5 huy chương vàng. Tuy có phần giảm so với 2 kỳ SEA Games trước về số lượng, nhưng theo các chuyên gia ở bộ môn điền kinh thì đây là con số dự đoán sát với thực tế. Mọi tính toán dựa trên sức phát triển thành tích của các đối thủ khu vực, lại thi đấu trên sân khách và vận động viên của ta đang chuyển giao một thế hệ mới, nên cần có thời gian khẳng định.

Mặc dù vậy, “hy vọng vàng” nhiều nhất vẫn đặt trong tay Vũ Thị Hương vừa bình phục chấn thương và đang có thông số kỹ thuật khá tốt (11 giây 47)) Trương Thanh Hằng có thể tái lập thành tích của đàn chị Phạm Đình Khánh Đoan 6 năm trước ở 800m (2 phút 4 giây 53) và 1.500m (4 phút 18 giây 04), Vũ Văn Huyện ở 10 môn phối hợp, Nguyễn Thị Thu Cúc ở 7 môn phối hợp và “nhân tố mới” Nguyễn Mạnh Hiếu ở nhảy tam cấp (15,98m)... Đó là chưa kể các nhà cựu vô địch lừng tiếng, sẵn sàng cho lần trở lại cuối cùng trong vinh quang như Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao) ...

Một chuyên gia cho SGGP biết dù chỉ tiêu đề ra là 5 vàng, nhưng khả năng điền kinh Việt Nam có thể đạt gần gấp đôi con số ấy. Nếu đúng như thế thì quả là tuyệt vời cho những người đi “đãi vàng” điền kinh. 

LINH GIAO

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

- Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

- Bài 12: “Những ông hoàng” trên thảm judo

- Bài 13: Nào, chúng ta cùng đến Nakhon Ratchasima!

- Bài 14: Lạc quan bóng đá

Tin cùng chuyên mục