Tiến đến World Cup 2006 - còn 3 ngày nữa: Giải quyết 7 vấn đề trước thềm World Cup

Bài 4: Chuyện bản quyền

Bài 4: Chuyện bản quyền

World Cup là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, là trung tâm điểm của mọi sự chú ý, kể cả những người không hề mê bóng đá. Vì lẽ, đây là cơ hội để họ kinh doanh tốt nhất, béo bở nhất. Và đó cũng là lý do nhiều nhà tài trợ lớn đã không tiếc tiền đổ vào sân chơi này để tìm lợi nhuận và khẳng định vị thế.

Bài 4: Chuyện bản quyền ảnh 1
Hình ảnh bóng đá luôn đi cùng hình ảnh nhà tài trợ.

Song, câu chuyện kinh doanh World Cup không hoàn toàn đơn giản. Bên cạnh bài toán kinh doanh còn có một bài toán khác còn khó hơn, chính là việc bảo vệ bản quyền hình ảnh mà họ đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để có được.

FPT Việt Nam tự hào là nhà phân phối độc quyền sóng truyền hình trực tiếp các trận đấu World Cup 2006 tại Việt Nam. Ngoài việc đảm bảo một luồng sóng sạch (không có quảng cáo từ bên ngoài) cho các đơn vị mua lại, FPT còn bán các quyền lợi quảng cáo cho các đơn vị kinh tế nào muốn xuất hiện trong các chương trình phát hình trực tiếp 64 trận đấu World Cup.

Đó là lý do họ không muốn một đơn vị nào khác mặc nhiên thu sóng mà không xin phép họ để kinh doanh riêng. Vì vậy, ngoài việc lập đội ngũ kinh doanh, tiếp thị chương trình cho mình, FPT còn lập hẳn một nhóm chuyên kiểm tra việc vi phạm bản quyền truyền hình, bản quyền hình ảnh mà FIFA đã trao cho họ. Đây là công việc không hề dễ dàng.

Vừa qua một số đơn vị làm ăn kinh tế, thông qua các công ty thiết kế, quảng cáo xin phép Sở Văn hóa Thông tin TPHCM thực hiện các ấn phẩm, poster lịch thi đấu World Cup 2006, nhưng có in logo (biểu trưng) và mascot (biểu tượng vui) của giải. Lập tức, các đơn vị này đã được cơ quan chức năng nhắc nhở rằng đã vi phạm bản quyền về hình ảnh World Cup và khuyến cáo nên tránh, nếu không muốn bị kiện và sau đó là bị phạt.

Đây là hành động rất tích cực từ phía Sở Văn hóa Thông tin nhằm phối hợp trong “cuộc chiến” chống vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, những đơn vị kinh tế bị “thổi còi” còn được gọi là “dân có tóc”, nên cơ quan chức năng còn nắm được, nhưng mấy anh “tép riu” thì in lịch bóng đá “lậu” vô tội vạ, đính logo và mascot World Cup thoải mái mà chưa bị sờ tới. Đây cũng là bài toán đặt ra chờ cơ quan chức năng giải quyết.

“Cuộc chiến” chống vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa thấm vào đâu so với ngay tại nơi đăng cai tổ chức. Công ty trúng thầu về bản quyền hình ảnh chú sư tử Goleo VI để sản xuất các sản phẩm liên quan đến World Cup đã tuyên bố phá sản, vì sản phẩm làm ra không bán được bởi hai lý do: Biểu tượng Goleo VI quá xấu, không bán được và bị làm giả nhiều quá nên… chào thua!

Bản quyền là câu chuyện dài muôn thuở, là cuộc chiến làm đau đầu FIFA cũng như các nhà kinh doanh chân chính.

MINH HÙNG

Tin, bài liên quan:

- Bài 1: An ninh, khủng bố và phân biệt chủng tộc

- Bài 2: Bạo lực sân cỏ

- Bài 3: Trọng tài

Bài 5: Khán giả và chất lượng thi đấu.

Tin cùng chuyên mục