Tiến đến World Cup 2006 – còn 28 ngày nữa

World Cup 1934 – Cái bóng của Mussolini

Con số và sự kiện
World Cup 1934 – Cái bóng của Mussolini

Một năm trước khi World Cup 1930 khai diễn, người Ý đã có kế hoạch đăng cai cho bằng được World Cup lần sau và giành chiến thắng bằng mọi giá. Đó là lệnh của tướng phát xít Benito Mussolini, người lãnh đạo nước Ý vào thời ấy, người muốn cho thế giới biết một “nước Ý mới” do chính tay ông ta gây dựng.

World Cup 1934 – Cái bóng của Mussolini ảnh 1

HLV Vitorio Pozzo được cầu thủ tung hê sau chiến thắng.

Thừa lệnh trên, tướng Giorgio Vaccaro chỉ định nhà báo Vitorio Pozzo lên kế hoạch dẫn dắt đoàn quân “Azzuri” (tức màu thiên thanh áo đội tuyển Ý).

Đích thân tướng Vaccaro dẫn đầu đoàn đại biểu Ý dự Hội nghị FIFA lần thứ 8 vào năm 1932, chi tiêu hậu hĩnh và giành được quyền đăng cai World Cup 1934. Đây có thể xem là dấu ấn đáng chú ý nhất của giải vô địch thế giới lần thứ hai.

Nếu như World Cup 1930 còn được gọi là cúp Nam Mỹ mở rộng (South American open) thì World Cup 1934 là cúp châu Âu mở rộng (European Cup open). Uruguay “bảo vệ” cúp vô địch bằng cách không dự.

Nước Anh tự coi mình là bề trên, đánh giá thấp giải đấu, nên tiếp tục đứng ngoài cuộc. Argentina, Brazil vượt biển sang cựu lục địa trong khó khăn và thất bại từ vòng đầu. Brazil thua Tây Ban Nha 1-3, còn á quân Argentina thua khít khao Thụy Điển 2-3. “Đệ tam anh hào” Mỹ phơi áo nặng nề trước chủ nhà Ý đến 1-7.

Vào vòng tứ kết (8 đội) còn lại các đại diện châu Âu và tỉ số khít khao đến đáng sợ. Đức-Thụy Điển 2-1, Áo-Hungary 2-1, Tiệp Khắc-Thụy Sĩ 3-2. Ý và Tây Ban Nha phải chơi đến trận thứ hai mới phân thắng bại, vì thời ấy chưa có luật đá thêm hiệp phụ. Hai đội hòa nhau 1-1 trận đầu.

Cuốn “The Encylopedia of World Cup Soccer” của Orlando Duarte thuật rõ: “Hai thủ môn Zamora (Tây Ban Nha) và Combi (Ý) là hai người hùng. 24 giờ sau trong trận đấu lại, 7 cầu thủ khách không ra sân, trong đó có thủ môn đội trưởng Zamora (?)”. Sau ít phút ngạc nhiên, người ta hiểu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ý thắng 1-0, lọt vào bán kết thắng Áo 1-0.

Có một chi tiết cần lưu ý là nhà độc tài Mussolini không bỏ sót trận nào của đội tuyển Ý và toàn bộ chính phủ Ý có mặt trên khán đài trận chung kết với Tiệp Khắc. Phút 70, Puc đưa Tiệp Khắc vượt lên 1-0. Cầu trường Roma chết lặng, nhìn đồng hồ nhích dần đến con số 90. Phút 81, hai cầu thủ gốc Argentina phối hợp ăn ý: Guita chuyền cho Orsi sút trong vòng cấm thắp lại hy vọng sống cho toàn đội. Meazza rời sân do chấn thương càng làm người Ý thêm lo lắng, nhưng Schiavio kịp ghi bàn bằng bàn thắng kiểu mẫu ở phút 95, mang cúp vàng về cho nước Ý.

MINH HÙNG

Con số và sự kiện

- 16 đội tham dự vòng chung kết, phân làm 8 cặp đấu loại trực tiếp gồm Đức-Bỉ (5-2), Argentina-Thụy Điển (2-3), Hà Lan-Thụy Sĩ (2-3), Tiệp Khắc-Romania (2-1), Áo-Pháp (3-2), Hungary-Ai Cập (4-2), Brazil-Tây Ban Nha (1-3), Ý-Mỹ (7-1).

- 8 đội vào tứ kết lại phân thành 4 cặp đấu trực tiếp gồm: Đức-Thụy Điển (2-1), Thụy Sĩ-Tiệp Khắc (2-3), Áo-Hungary (2-1), Ý-Tây Ban Nha (1-1, 1-0).

- 2 cặp đấu bán kết gồm Đức-Tiệp Khắc (1-3), Ý-Áo (1-0). Tranh hạng ba, Đức-Áo (3-2). Tranh chung kết, Ý-Tiệp Khắc (2-1).

- Toàn giải có 17 trận đấu.

- 70 là số bàn thắng toàn giải, trung bình 4,12 bàn/trận.

- 395.000 là số lượt khán giả đến sân, trung bình 23.235 người/ trận.

- Oldrich Nejedly (Tiệp Khắc), 5 bàn đoạt “Vua phá lưới”.

Tin cùng chuyên mục