Không chuyên nghiệp!

Không chuyên nghiệp!

Ông Henrique Calisto, Giám đốc kỹ thuật Câu lạc bộ bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An, giận dữ nói về trận thua của đội nhà trước Thân Hoa Thượng Hải: “Một số cầu thủ của chúng tôi không có thái độ chuyên nghiệp ở cuối trận đấu này”.

Không chuyên nghiệp! ảnh 1
Trận Gạch Đồng Tâm Long An (áo sọc đỏ) gặp Thân Hoa Thượng Hải.

“Không chuyên nghiệp” là cụm từ mà ông thầy người Bồ Đào Nha này hay đề cập đến khi nhận xét về các cầu thủ của mình, cũng như những người kém năng lực trong điều hành nền bóng đá mà ông từng gặp. Ông giận cũng phải, nhưng cũng đành chấp nhận từ bấy lâu nay, vì đó là cố tật của bóng đá Việt Nam.

Ai đời, một tuyển thủ quốc gia khi ra sân thi đấu giải mà lại quên mang theo trang phục, để rồi bị HLV trưởng đội tuyển loại khỏi danh sách thi đấu. Anh ta là con một ông lớn trong liên đoàn, nên tự cho mình cái quyền “không chuyên nghiệp” như thế chăng?

Rồi chuyện bỏ quên điều lệ giải đấu trong tủ của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, như người viết đã đề cập ở bài trước, chuyện một ông Tổng thư ký Liên đoàn gửi vé máy bay cho vận động viên mình ra nước ngoài mà quên không gửi hộ chiếu (?) càng cho thấy tính không chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam, dù bấy lâu nay chúng ta nói đến nhiều đến liên đoàn này, tổ chức xã hội hóa thể thao nọ v.v…

Vì vậy, chuyện một số cầu thủ Gạch Đồng Tâm Long An mất động lực thi đấu khi thấy không còn đường vào vòng hai, rồi để thua ngược 2-4 hôm 3-4-2006 lại là chuyện nhỏ, không có gì phải hối tiếc.

Mới hôm qua, cuộc họp báo giới thiệu giải bóng rổ toàn quốc 2006 cũng làm không ít phóng viên bực mình, vì tài liệu gửi cho họ không có lịch thi đấu, trong khi ngày mai (6-5) là khai mạc giải. Phóng viên hỏi vì sao thì quan chức Liên đoàn Bóng rổ cho rằng còn đợi họp kỹ thuật mới biết đội nào dự, đội nào bỏ cuộc (?).

Một phóng viên khác hỏi về hệ thống thi đấu ở các hạng nhất, hạng nhì quốc gia cho đến nay chưa xác định được bao nhiêu đội xuống hạng, bao nhiêu đội thăng hạng là vì sao. Vị quan chức Liên đoàn Bóng rổ đáp tỉnh bơ: “Vì chưa ổn định tổ chức, chưa sắp xếp được hệ thống thi đấu”. Người ta thắc mắc không hiểu vì sao hàng chục năm qua, với hàng chục giải đấu, mà liên đoàn không sắp xếp nổi hệ thống thi đấu của mình, muốn đội nào lên hạng, trụ hạng tùy ý (?). Chúng tôi được biết, dù có tài trợ, nhưng chi phí rút từ ngân sách nhà nước ra lo cho các vị quan này không ít, nhưng họ đã làm được gì cho thể thao?

Không chuyên nghiệp là căn bệnh của thể thao Việt Nam, từ cấp lãnh đạo, quản lý đến huấn luyện viên, vận động viên. Đến nỗi, khi nghe tin toàn đội xe đạp nữ môn đua vượt địa hình Việt Nam sau hàng tháng trời tập luyện đến sát ngày lên đường sang Malaysia lại tuyên bố giải tán vì Liên đoàn Mô tô – Xe đạp thể thao “quên” gửi hộ chiếu (passport) vào cho họ, một phóng viên nói vui: “Chuyện thường ngày ở huyện mà!”. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục