Thể thức mới của V-League có gì lạ?

Hôm qua, V-League 2020 trở lại với vòng đấu thứ 3 sau 2 vòng đầu tiên rồi phải tạm ngưng vì Covid-19. Điều lệ của V-League đã thay đổi với thể thức rất đặc biệt. Cũng vì thế, mùa giải 2020 có thể sẽ chứng kiến nhiều “chuyện lạ”.

V-League 2020 sẽ chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các đội sẽ đá lượt đi như bình thường gồm 13 vòng. Sau đó, 8 đội đứng phía trên bảng xếp hạng sẽ tiếp tục đá vòng tròn 1 lượt tranh chức vô địch, còn 6 đội xếp cuối bảng đá vòng tròn 1 lượt để tìm ra đội đứng cuối, xuống hạng nhất. Như vậy, thay vì phải đá 26 vòng thì nhóm trên chỉ đá 20 vòng (13 trận lượt đi + 7 trận giai đoạn 2), còn nhóm tránh xuống hạng chỉ còn đá 18 vòng (thêm 5 trận).

Nét lạ đầu tiên của thể thức này là giữ nguyên thành tích của giai đoạn 1, cộng vào giai đoạn 2 để xác định thành tích chung cuộc cho mỗi nhóm. Sở dĩ phải tính chung là vì nếu chỉ tính riêng, dễ dẫn đến hiện tượng cuối lượt đi nhiều đội đủ điểm để nằm trong tốp 8 sẽ không phải dốc sức thi đấu, một số đội khác biết rõ mình không thể thuộc nhóm trên cũng dành sức đá giai đoạn 2 để trụ hạng, từ đó dẫn đến nhiều trận cầu vô thưởng vô phạt. Trong khi đó, nếu cộng chung thành tích thì các đội sẽ phải căng sức suốt lượt đi nhằm tích lũy điểm số. Nên nếu đá lượt đi tốt, cơ hội vô địch cũng như trụ hạng sẽ tăng đáng kể.

Nhưng với việc cộng chung thành tích sẽ dẫn đến trường hợp vào cuối mùa, các đội thuộc “nhóm xuống hạng” sẽ có điểm cao hơn “nhóm vô địch”. Thậm chí có thể đội thuộc nhóm trên thấp điểm hơn đội xuống hạng. Lấy ví dụ: 2 đội A đứng hạng 8, đội B đứng hạng 9 của bảng xếp hạng lượt đi cùng điểm nhau, chỉ hơn thua hiệu số, nhưng thuộc 2 nhóm khác nhau. Sang giai đoạn 2, cả 2 đội này đều toàn thua, điểm số giữ nguyên. Nhưng do đá ít hơn nên dù bị rớt hạng, đội B lại có hiệu số tốt hơn đội A vào cuối mùa. Thế nhưng, đội A vẫn không bị xuống hạng (do đã thuộc nhóm trên).

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi số điểm trung bình của các đội hạng 8 sau lượt đi trong nhiều mùa giải vừa qua thường chỉ vào khoảng 17-19 điểm, trong khi đó, số điểm trung bình của các đội bị xuống hạng là 20-25. Nói chung, khả năng kết thúc mùa mà các đội thuộc nhóm dưới cao điểm hơn đội nhóm trên là bình thường. Chính vì thế, việc xếp hạng của V-League 2020 dựa trên thứ hạng chứ không trên điểm số. Nhóm trên xếp từ 1-8, sau đó đến nhóm dưới từ 9-14.

Ngoài ra, lợi thế sân nhà/sân khách cũng là yếu tố khác biệt. Lượt đi có 13 vòng, tức là có đội được đá 7 trận sân nhà, đội khác chỉ có 6. Nếu may mắn, gặp nhiều đội bóng yếu hơn mình trên sân nhà ở lượt đi, lại càng dễ có chiến thắng. Mà nếu thắng càng nhiều, đứng trong tốp 4 ở lượt đi, thì sang giai đoạn 2, lại sẽ được ưu tiên đá đến 4 trận sân nhà (các đội xếp 5-8 chỉ được 3 lần).

Cuối cùng, khác với trước, các trận lượt đi mùa này lại có yếu tố quyết định. Trong lịch sử V-League, chỉ có 33% các đội đứng đầu lượt đi sẽ vô địch vào cuối mùa, nhưng với thể thức thi đấu mới, đá càng tốt lượt đi thì cơ hội càng lớn. Ví dụ, nếu TPHCM đạt thành tích 8 trận thắng và đứng đầu bảng ở lượt đi như năm ngoái thì họ chỉ cần tìm thêm 3 chiến thắng ở giai đoạn 2 là đăng quang. Mùa trước, TPHCM thắng đến 6 trận ở lượt về nhưng vẫn kém Hà Nội đến 5 điểm dù lượt đi họ hơn đối phương 2 điểm.

Tin cùng chuyên mục