Thể thao Việt nỗ lực chuyển mình

Bóng đá vẫn luôn khởi đầu cho các cuộc vui của thể thao Việt Nam, nên khi Cúp quốc gia và LS V-League được phép trở lại, các giải đấu thể thao khác cũng rục rịch tái khởi động. Nghỉ nhiều đợt và nhiều ngày khiến các tuyển thủ, VĐV dễ bị “cuồng chân”, thành thử ai cũng hào hứng khi đón nhận thông tin sắp được bước ra sân đấu.
Các CĐV hào hứng trên khán đài sân Bà Rịa trong khuôn khổ Cúp quốc gia 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các CĐV hào hứng trên khán đài sân Bà Rịa trong khuôn khổ Cúp quốc gia 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nức tiếng cười ở Bà Rịa

Ngày đầu bóng đá trở lại, sân Bà Rịa là nơi duy nhất cho khán giả vào sân. Người hâm mộ đã đến rất sớm, trước giờ bóng lăn cả vài tiếng (trận đấu khởi tranh lúc 17 giờ), để chờ được xem Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Trần Phi Sơn, cặp ngoại binh triệu đô của CLB TPHCM chơi bóng, và cũng để cổ vũ cho đội nhà Bà Rịa - Vũng Tàu tiến xa đến vậy ở một sân chơi đẳng cấp.

Nhưng vượt lên trên hết có lẽ là cái cảm giác được “giải cơn khát” bóng đá bị đứt mạch quá nhiều lần kể từ đầu năm đến nay. Người ta hào hứng, muôn khuôn mặt cùng tươi tắn và nhiệt tình khuấy động khắp các khán đài, dù chỉ với hơn 5.000 CĐV được mua vé vào sân. Được biết, vé khán đài A có giá 80.000 đồng/vé nhưng lại được rao bán ngoài “chợ đen” lên tới 150.000 đồng/vé. Nhiều CĐV buồn vì không “săn” được vé ngồi ở khán đài A nên đành phải mua vé khán đài B (50.000 đồng/vé) hay tại khán đài C và D (30.000 đồng/vé) để vào sân xem trận đấu.

Tuân thủ quy định kiểm tra y tế trước khi vào sân, thậm chí nhiều khán giả phải trở ngược từ cổng ra để mua thêm… khẩu trang nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Dân “phe vé” xuất hiện, nhưng vì số lượng người xem bị hạn chế nên họ cũng chẳng thể chào bán được nhiều hơn khi đội nhà thi đấu ở giải hạng nhất.

Có thể sân Bà Rịa không đón đông khán giả được như sân Thiên Trường hồi 3 tháng trước, khi bóng đá Việt Nam gây sốt cả thế giới với hình ảnh các khán đài đầy ắp khán giả dự khán giải LS V-League, nhưng sự sôi động mà người hâm mộ tạo ra thêm một lần khiến bóng đá trở nên đẹp và đáng chờ đợi hơn. Đấy là “liều thuốc” động viên tinh thần cho cả nền thể thao Việt đang phập phồng chờ ngày chính thức tái xuất.

Nhộn nhịp Mỹ Đình

Sau gần 10 năm, đội tuyển điền kinh quốc gia mới lại có dịp tập luyện ở sân vận động Mỹ Đình, nơi từng chứng kiến nhiều tài năng Việt Nam tỏa sáng ở đấu trường SEA Games 22 năm 2003. Đối với những nhà vô địch vùng Đông Nam Á như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Đinh Thị Bích, Nguyễn Văn Lai, Trần Nhật Hoàng, Phạm Thị Hồng Lệ… tập ở đâu cũng được, vì dân điền kinh vốn dĩ giỏi chịu đựng, có khi tập trong cảnh càng thiếu thốn lại càng có động lực vươn lên.

Mỹ Đình lộng gió, nắng tươi vàng đã chào đón những bước chân thoăn thoắt của các tuyển thủ điền kinh lần đầu tiên kể từ năm 2012, thời điểm đường chạy xuống cấp, không thể đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu cho tất cả các giải điền kinh trong nước lẫn quốc tế kể từ đó…

Ngày trở lại, VĐV Nguyễn Thị Oanh hồ hởi: “Cái cảm giác tập ở sân Mỹ Đình rất khác biệt, nên khi bước vào sân, em và nhiều người bồi hồi lắm. Mỗi tuần đội tuyển sẽ được tập 2 buổi, vào thứ ba và thứ sáu, gần như tất cả các tổ nhóm cùng tề tựu ở đây. Đây là điều rất quan trọng cho các VĐV trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31 vào năm sau, khi điền kinh được tổ chức ngay trên sân Mỹ Đình này”.

Chụp selfie “check in” lúc đầu buổi tập, ngồi nghỉ thở cũng chụp hình, rồi cuối buổi chụp chào sân, đối với các cô nàng nhí nhảnh ở đội tuyển điền kinh như Nguyễn Thị Huyền, Đinh Thị Bích, lưu lại những khoảnh khắc này để năm sau và nhiều năm tiếp theo nữa, Facebook sẽ nhắc nhớ rằng họ là những VĐV điền kinh đầu tiên chạm chân vào đường chạy ở sân Mỹ Đình trước thềm SEA Games 31.

Chỉ mong được thi đấu

Sau khi quy định giãn cách được nới lỏng, hầu hết các HLV, tuyển thủ quốc gia đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng cho biết, họ thở phào vì có thể về thăm gia đình sau một thời gian phải ăn, nghỉ tập trung tại trung tâm. Nhưng quan trọng hơn, khi thể thao được phép tổ chức các giải đấu và sự kiện trở lại, các VĐV sẽ được hòa mình vào bầu không khí tranh tài, trước mắt là tại sân chơi trong nước. 

“Nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc và người em trai Nguyễn Thành Ngưng giờ đây có thể không cần đăng tải video clip tập luyện trên máy chạy bộ trong trung tâm vì họ đã có thể ra đường lớn để tập, luyện nghề, chuẩn bị cho Giải Vô địch quốc gia năm 2020 sắp sửa diễn ra ở sân Mỹ Đình. 

Tuyển thủ điền kinh trước giờ tập luyện tại sân Mỹ Đình. Ảnh: P.MINH

Tập phải có thi đấu, Thanh Phúc cho biết, và những giải đấu sẽ giúp HLV đánh giá năng lực của học trò, còn bản thân VĐV biết được mình phải điều chỉnh chuyên môn ra sao để chạm đến thành tích cao nhất khi bước vào thi đấu.

Ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TPHCM và Cần Thơ, các tuyển thủ Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang… cũng đang chờ đợi các chuyên gia nước ngoài đến để huấn luyện, chờ được ra sân thi đấu sau một quãng thời gian chỉ biết tập chay và “quân xanh” là những đồng đội đang cùng hội quân cùng mình.

Đầu tháng 9, Tổng cục TDTT đã ra quyết định tập trung đội tuyển quốc gia ở môn Kickboxing nhằm chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế trong năm nay và đích ngắm là SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm sau. Đợt tập trung kéo dài 4 tháng (từ 1-9 đến ngày 31-12) tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TPHCM.

26 thành viên với 6 HLV và 20 võ sĩ, trong đó có những gương mặt quen thuộc đã giành HCV tại SEA Games 30 như Nguyễn Xuân Phương (Hà Nội), Phạm Bá Hợi (Đắk Lắk), Huỳnh Văn Tuấn (TPHCM), Nguyễn Thị Hằng Nga (Bình Định)… cũng đã có mặt để bước vào tập luyện.

Tin cùng chuyên mục