Bắt đầu từ hôm nay 19-1, Lãnh đạo Tổng cục TDTT và Vụ thể thao thành tích cao 1 sẽ bắt đầu làm việc với lần lượt 41 Trưởng bộ môn để triển khai kế hoạch tập huấn, thi đấu năm 2010. Mặc dù số môn thể thao thành tích cao nhiều, hệ thống thi đấu rộng khắp, nhưng thực tế nguồn kinh phí chỉ được cấp rất hạn chế khiến ngành thể thao đang rất đau đầu.
1,8 triệu USD cho tập huấn, thi đấu nước ngoài
Năm 2010, trọng tâm của thể thao Việt Nam là Asian Games tại Quảng Châu (Trung Quốc), Đại hội thể thao bãi biển châu Á ở Oman và Olympic trẻ thế giới tại Singapore, nhưng tất cả kinh phí tập huấn, thi đấu trước các thềm đại hội này chỉ gói gọn trong 1,8 triệu USD.
![]() |
Sau SEA Games 25, có lẽ các tuyển thủ taekwondo cũng như các đội tuyển khác lại tiếp tục phải "liệu cơm, gắp mắm" để chuẩn bị cho đấu trường lớn hơn là Asian Games 16-2010. Ảnh: Dũng Phương |
Chỉ tính riêng Asian Games, Việt Nam có thể tranh tài ở 25 môn, trong đó có khoảng 10 môn là “có khả năng giành HCV”. Muốn các tuyển thủ có được thành tích cao ở các đại hội thể thao quốc tế quan trọng thì họ cần được tập huấn (tốt nhất là ở nước ngoài) và thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế. Tuy nhiên, với số tiền cấp từ ngân sách khiêm tốn như vậy, mỗi môn thể thao chỉ được khoảng 30 đến 50 ngàn USD, buộc trưởng bộ môn và HLV trưởng các môn thể thao phải chi tiêu rất tằn tiện.
Chẳng hạn như môn karatedo, năm 2009 chỉ dự một giải vô địch châu Á và 2 giải ở châu Âu, mỗi giải khoảng 5 VĐV… là hết tiền. Số tiền được cấp này xem ra không thể “khớp” với kế hoạch đầu tư chuyên biệt cho khoảng 60 VĐV mà Tổng cục TDTT dự kiến tập huấn để tranh tài tại Asian Games. Với số tiền như thế, để nâng cao trình độ VĐV đòi hỏi phải có sự vận động của các liên đoàn thể thao và nhất là từ chính các đơn vị chủ quản có VĐV được gọi tập huấn đội tuyển quốc gia. Đáng tiếc, việc vận động nguồn kinh phí xã hội hóa chưa được như mong đợi.
Kinh phí thi đấu Đại hội TDTT 2010 là 14 tỷ đồng
Toàn bộ 41 môn thi đấu nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc 2010 đều được cấp ngân sách từ Tổng cục TDTT với số tiền là 14 tỷ đồng.
Với tổng cộng có 62 giải đấu nằm trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc 2010, nhưng hiếm hoi lắm mới có giải không lấy tiền tổ chức từ ngân sách, như giải việt dã leo núi Bình Phước (tháng 1 tại Bình Phước), giải việt dã báo Tiền Phong (tháng 3 tại Hà Nội)… Trong khi khá nhiều giải đấu nằm trong hệ thống này dù đã có các nhà tài trợ, chẳng hạn như giải vô địch bóng bàn quốc gia do báo Nhân Dân đăng cai, thì cũng chỉ dừng ở mức thưởng tiền cho các VĐV giành huy chương. Các giải bơi, lặn, đua thuyền… nhiều năm nay cũng vậy, tiền tài trợ chủ yếu dùng để trao cho VĐV đạt thành tích cao.
Do gộp được các giải vô địch quốc gia nằm trong hệ thống thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc, nên Tổng cục TDTT dự kiến chi cho tất cả những hoạt động còn lại, trong đó có những giải đấu trẻ, cúp CLB... với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Riêng tiền tập huấn các VĐV đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, tiền thuê chuyên gia nước ngoài được tách riêng vào phần kinh phí hoạt động của Trung tâm HLTTQG.
Với số tiền có vẻ khiêm tốn như vậy, nhiều khả năng các đội tuyển sẽ tiếp tục liệu cơm gắp mắm cho việc chuẩn bị cho “chiến dịch săn vàng” tại Asian Games lẫn các đại hội thể thao quốc tế quan trọng khác.
THANH PHONG