Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 29: Xây nền móng cho Asiad

Theo đánh giá của ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) thì SEA Games 29 thành công ở các môn Olympic nhưng lại không thi đấu tốt ở nhiều nội dung khác. 
Thành quả Tú Chinh (617) đạt được tại SEA Games 29 cho thấy sự đầu tư đúng hướng từ ngành thể dục thể thao Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thành quả Tú Chinh (617) đạt được tại SEA Games 29 cho thấy sự đầu tư đúng hướng từ ngành thể dục thể thao Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây là lý do mà dù điền kinh và bơi lội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì trên bảng tổng sắp huy chương, đoàn Việt Nam chỉ giữ được vị trí trong tốp 3 nhờ hơn đoàn Singapore 1 HCV, nhưng thua về tổng số huy chương.
Theo ông Trần Đức Phấn, dù điền kinh đã tạo nên kỳ tích lần đầu tiên vượt Thái Lan để đứng đầu đại hội, vẫn chưa thể tính toán được khả năng tại đấu trường cao hơn như Asiad. Đây là môn thể thao dựa trên các thông số cụ thể chứ không phải số lượng huy chương, trong đó các thành tích ở SEA Games 29 vừa qua chỉ có một số ít là chạm đến khả năng đoạt huy chương tại Asiad. Tương tự là môn bơi, trong số 10 HCV thì riêng Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt 8, nhưng thành tích thi đấu lại kém hơn kỳ SEA Games trước ở số lần phá kỷ lục đại hội. Điều này cho thấy, để vươn xa hơn, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của các VĐV. Bên cạnh đó, các môn võ - vốn từng là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam lại thất bại. Vì vậy, mọi sức ép về thành tích ở đẳng cấp châu lục và thế giới hiện dồn lên những môn khó như điền kinh, bơi, thể dục, đấu kiếm…
Vậy đâu là thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, điều quan trọng nhất là việc tập trung cho các môn Olympic đã cho thấy định hướng đúng. Từ chỗ không có khả năng tranh chấp huy chương hơn một thập niên qua, chúng ta đã tiến dần đến ngôi vị số 1 ở các môn này tại Đông Nam Á, đó là bước tiến thần tốc và đạt sự ổn định cao. Đây là lý do mà nếu tại SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai, ngành thể thao sẽ đề xuất tăng số lượng nội dung các môn thi đấu cơ bản, điều mà rất ít các quốc gia đăng cai dám làm. Với nền tảng ấy, việc phấn đấu vươn tầm châu Á cũng là có cơ sở. Các số liệu chuyên môn cho thấy, ngoài việc các thông số đã tiệm cận được trình độ châu Á thì  những môn như điền kinh, bơi hay đấu kiếm, thể dục đều đang sở hữu được thế hệ kế thừa trẻ trung và giàu tài năng. Câu chuyện về nữ hoàng tốc độ mới Lê Tú Chinh là ví dụ cho thấy thể thao Việt Nam đang gặt được quả từ quá trình chăm hạt của mình.
Ông Trần Đức Phấn cho biết: “Ngay sau SEA Games sẽ rà soát lại danh sách VĐV trọng điểm, VĐV nào lớn tuổi không còn khả năng thi đấu ở đấu trường cao sẽ thay thế bằng VĐV trẻ để chuẩn bị cho Asiad, SEA Games 2019 và Olympic 2020. Đầu tư 3 trọng điểm: VĐV, nội dung, môn. Dự kiến tập trung khoảng 100 VĐV để phấn đấu giành 4-5 HCV Asiad 2018”. 

Tin cùng chuyên mục