Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic London 2012

Để đạt mục tiêu vươn lên hạng 3 bảng thành tích tổng sắp, người Anh đã đầu tư nửa tỷ USD cho các môn thi đấu và các thành tích có được tương đối khớp với những tính toán ban đầu. Khoản tiền khổng lồ đó chỉ là phần nhỏ trong chiến dịch mà người Anh đã bỏ ra để có một kỳ Olympic lịch sử.
Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic London 2012

Để đạt mục tiêu vươn lên hạng 3 bảng thành tích tổng sắp, người Anh đã đầu tư nửa tỷ USD cho các môn thi đấu và các thành tích có được tương đối khớp với những tính toán ban đầu. Khoản tiền khổng lồ đó chỉ là phần nhỏ trong chiến dịch mà người Anh đã bỏ ra để có một kỳ Olympic lịch sử.

Đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc Olympic 2012. Ảnh: Phương Yến

Đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc Olympic 2012. Ảnh: Phương Yến

1. Hôm đầu tiên đến với khu tập luyện dành riêng cho các VĐV chuẩn bị bước vào thi đấu, Phạm Phước Hưng của môn thể dục dụng cụ “toát mồ hôi” dù tiết trời rất lạnh. Toàn bộ dụng cụ tập luyện vượt ngoài sức tưởng tượng của các VĐV Việt Nam. Chỉ chạm vào thôi đã thấy “rùng mình”.

Thành tích của đoàn Việt Nam tại Olympic London 2012 không như mong đợi, ngoài sự tiến bộ về các thông số của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên trên đường đua xanh và VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh suýt có HCĐ. Việc Ánh Viên bơi tốt tại

London không bất ngờ bởi cô đã có 3 tháng tập tại trung tâm hàng đầu về bơi tại Mỹ. Riêng với Xuân Vinh, anh chỉ đúc kết một câu: “Giá chúng ta có thể đầu tư nhiều hơn để khi ra biển lớn không phải bỡ ngỡ. Không dễ có thành công tại một đại hội vĩ đại như thế này nếu chúng ta không tính chuyện 10 năm, 20 năm”.

2. Sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao VĐV Phan Thị Hà Thanh có thể đoạt HCĐ giải vô địch thế giới nhưng lại không thành công tại London 2012, rồi sau đó lại chơi tốt ở giải vô địch châu Á với chiếc HCV lịch sử.

Với những nhà chuyên môn thì không lạ.

Trong thể thao, thành công không đến với chỉ nỗ lực và lòng quyết tâm. Có vô vàn yếu tố tác động trong thi đấu của các VĐV. Như ở môn thể dục dụng cụ, cùng một bài thi như nhau nhưng điểm chấm cho độ khó và độ thuần thục trong biễu diễn chiếm phần quan trọng. Mà để đạt được điểm số tối đa, VĐV phải làm quen với dụng cụ, kỹ thuật mới. Hà Thanh có thể tạo được bất ngờ trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó nhưng khi thi đấu ở đấu trường vĩ đại như Olympic, với những VĐV tài năng nhất thế giới, nỗ lực của Hà Thanh chưa là gì cả khi chính cô còn bỡ ngỡ với dụng cụ thi đấu. Suốt 20 năm qua, các VĐV thể dục dụng cụ của Việt Nam chỉ tập luyện với dụng cụ có từ thời… Liên Xô.

Và đó cũng là lý do mà Ánh Viên lại tự tin trên đường đua xanh bởi cô đã được tiếp cận với đỉnh cao Mỹ. Với 3 tháng tập luyện, thành tích của Ánh Viên tăng đến 40% so với 3 năm tập luyện trước đó.

3. Không thể ngày một ngày hai thể thao Việt Nam “bơi” được trên biển lớn chứ chưa nói đến đại dương. Đầu tư cho thể thao của chúng ta vẫn vô cùng khiêm tốn. Ngân sách nghiệp vụ phân bổ cho cả ngành chỉ hơn 60 tỷ đồng, đã thế còn dàn trải. Đó là lý do, dù giành được quyền đăng cai Asiad 18- 2019 nhưng chẳng ai tin vào chỉ tiêu đoạt 8 đến 10 HCV sau 7 năm nữa nếu căn cứ vào những gì diễn ra hiện nay.

Điều đáng tiếc là trong đề án đăng cai, không thấy nói về ngân sách đầu tư trực tiếp cho chuyên môn. Những người đang trực tiếp huấn luyện trong ngành thở dài, ngao ngán: Ngay từ bây giờ, tăng đầu tư lên 5-10 lần còn chưa bảo đảm sẽ đạt chỉ tiêu nữa huống hồ gì. 7 năm không phải là thời gian dài để có một sự nhảy vọt về thành tích nếu cứ tiếp tục cách đầu tư như hiện tại.

Để có thể bơi ra đại dương, cần phải đầu tư nghiêm túc và căn cơ hơn.

Thúy Oanh

Nghị lực Hà Thanh

Nếu chịu khó nán lại theo dõi Hà Thanh tập luyện ở những buổi trước ngày bước ra thi đấu giải toàn quốc 2012 tổ chức ở Hà Nội, bất kỳ ai cũng dễ cảm nhận cô gái ấy luôn có quyết tâm đáng nể. Với mỗi động tác, tự Hà Thanh luôn yêu cầu mình phải thực hiện tốt nhất, hoàn thiện nhất và nếu quá giờ cho phép cô vẫn cố nán lại cuối cùng đi bài hoàn hảo rồi mới chịu ra về. Có thể nhiều người đã tiếp xúc, đã có những thông tin ít nhiều về cô gái mảnh khảnh gốc Hải Phòng này.

Tuy nhiên, người rõ về Thanh nhất chính là nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam - ông Nguyễn Hồng Minh. Ông bảo: “Suốt quá trình theo dõi, tôi nhìn nhận Thanh là VĐV và một tuyển thủ quốc gia có quá trình khổ luyện gian khó để vươn tới đỉnh cao. Nói thế là bởi, Hà Thanh ít nhiều thua thiệt so với các đồng đội cùng lứa ở đơn vị Hà Nội khi không được tập huấn dài hạn ở Trung Quốc và chỉ tập luyện trong nước nhưng rất nhẫn nại, chịu khó để rồi có được ngày hôm nay”.

Phan Thị Hà Thanh tại Olympic London. Ảnh: Phương Yến

Phan Thị Hà Thanh tại Olympic London. Ảnh: Phương Yến

Ngày trở về sau khi giành tấm HCĐ tại giải thể dục dụng cụ vô địch thế giới 2011 ở Tokyo (Nhật Bản), nhiều người mới vỡ lẽ Hà Thanh không có chuyên gia mà chỉ học đi bài từ những HLV nội. Chưa hết, Thanh phải tập trên các dụng cụ có độ tuổi ngót nghét hơn 10 năm (cái thì rách vải bọc phải liên tục lấy keo vá lại, cái thì lò xo không còn độ nảy…) nhưng Hà Thanh đã có HCĐ thế giới, rồi HCV châu Á 2012 ở Trung Quốc và HCV cúp thế giới 2012 tại CH Séc cuối năm qua.

“Nếu hỏi về tố chất thì rõ ràng Hà Thanh không có tố chất thiên bẩm cơ thể. Tuy nhiên, cô gái nhỏ nhắn này không bao giờ lùi bước và rất tự tin mỗi khi thi đấu. Mỗi VĐV đến với môn này phải mất từ 10 năm trở lên mới thuần thục và chỉ có kiên trì, coi nó như sự sống thì mới đeo đuổi được dài hơi đến vậy”, lời phân tích chung quan điểm giữa ông Nguyễn Hồng Minh và bà Thanh Thúy (HLV đội thể dục dụng cụ nữ Việt Nam).

“Cuộc sống của tôi sau khi giành vé Olympic 2012 và thi đấu Olympic 2012 trở về cũng không nhiều biến động. Gần như mọi người không được nghỉ ngơi và phải tập luyện hết mình để đạt thành tích tốt nhất. Tôi gần như tập trung tại Hà Nội nên chỉ mong có thời gian nghỉ đủ nhiều là mau chóng về chơi với bố mẹ. Hy vọng, những thành tích của mình sẽ đền đáp công sức bố mẹ đã nuôi dạy”, đó là chia sẻ mà Thanh giãi bày những ngày cuối năm.

Diệu Phương

Tin cùng chuyên mục