Thể thao Việt Nam chuẩn bị SEA Games 29: Chọn mặt gửi vàng

Chọn nhân sự cho các đội tuyển trong giai đoạn chuẩn bị SEA Games 29 là điều quan trọng, liên quan đến thành tích cho bộ môn nói riêng và cho đoàn thể thao Việt Nam nói chung. 
 
Những VĐV xuất sắc như Anh Tú đều xứng đáng đại diện thể thao Việt Nam góp mặt ở những ngày hội lớn châu lục Ảnh: HOÀNG MINH
Những VĐV xuất sắc như Anh Tú đều xứng đáng đại diện thể thao Việt Nam góp mặt ở những ngày hội lớn châu lục Ảnh: HOÀNG MINH
Đã xuất hiện những tranh cãi ở một số đội tuyển, trong đó có bóng chuyền nữ xưa nay vốn yên bình, trong khi với đội tuyển bóng bàn, trước đây từng nảy sinh bức xúc thì giờ đã “tâm phục, khẩu phục” về tiêu chí chọn người.
Mỗi lần tập trung đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games và những sự kiện quốc tế quan trọng khác, bóng bàn thường rối với cách tuyển chọn nhân sự của mình, từ HLV cho đến VĐV, hoặc thiếu sự minh bạch hoặc dựa vào cảm hứng của nhà quản lý. Vì không lường hết được hậu quả của cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, nên năm nào bóng bàn cũng trở thành tâm điểm của xung đột.

Nhưng đấy đã là chuyện quá khứ. Giờ đây, đội tuyển bóng bàn đã khác, chọn tuyển thủ dựa vào chính năng lực của họ thể hiện ở giải Vô địch quốc gia. 4 tay vợt nam và 4 tay vợt nữ xếp ở nhóm đầu nội dung đánh đơn nghiễm nhiên được trao suất đội tuyển, thay vì tham dự thêm 1 vòng đấu tuyển chọn như cũ. Điều này rất công bằng và bắt buộc các tay vợt phải dồn hết tâm trí cho “bài kiểm tra” quan trọng này nếu muốn khoác trên mình chiếc áo đấu quốc gia tại đấu trường SEA Games.

Cách làm không dựa trên cảm tính mà rất rõ ràng, buộc các VĐV phải tự nỗ lực để giành vé đến Malaysia, khiến những cặp đấu ở vòng tứ kết đơn nam và đơn nữ ở giải vô địch quốc gia vừa rồi được quan tâm hơn cả những trận chung kết. Chẳng hạn, cặp đấu tứ kết giữa nhà vô địch Đông Nam Á Nguyễn Anh Tú và trụ cột của đội tuyển nhiều năm qua Lê Tiến Đạt chỉ dành cho 1 người chắc chắn đến Malaysia. Chung cuộc, sau màn đối đầu căng thẳng, Anh Tú giành chiến thắng 4-2 và điền tên mình vào danh sách dự SEA Games cùng 7 tay vợt khác. Những người làm chuyên môn khá hài lòng về cách tuyển chọn này.

Thực ra, cách “chọn mặt gửi vàng” của bóng bàn không mới, vì những môn như điền kinh, cầu lông, quần vợt, bơi lội, bắn súng, đấu kiếm, taekwondo, judo… từ lâu đã thực hiện, vừa chứng tỏ sự minh bạch và công bằng của nhà quản lý, lại vừa chọn được những VĐV có phong độ thi đấu tốt nhất vào đội tuyển quốc gia nhằm thúc đẩy các VĐV nỗ lực vươn lên, cải thiện thành tích và giành lấy suất đội tuyển dựa vào tài năng của mình.

Trong khi đó, khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) công bố thành phần đội tuyển nữ (được Tổng cục TDTT phê duyệt) chuẩn bị SEA Games 29, nhiều người cho rằng, cảm tính, ép uổng và coi thường các đội bóng đang là cách mà VFV thể hiện. Ban đầu, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt của đội Ngân hàng Công thương được mời (đội bóng này đóng góp đến 5 VĐV cho đội tuyển), nhưng ở danh sách cuối cùng lại không có tên, thay bằng HLV Phạm Thị Yến (Thông tin LVPB). Chưa hết, HLV Nguyễn Quốc Vũ của đội VTV Bình Điền Long An từ lâu đã nói không với đội tuyển thì giờ đây bị ép phải trở lại. Có người đã đổ lỗi cho chuyên gia người Nhật Bản, rằng ông Hidehiro Isirawa quyết định chọn các cộng sự cho mình. Thế nhưng, người trong giới bóng chuyền thì kháo nhau, thành phần đội tuyển tập trung lần này đã bị một vài cá nhân “giật dây” và chi phối, nên mới gây nên sự bức xúc và nghi kỵ lẫn nhau trong giới huấn luyện.

Tin cùng chuyên mục