Thể thao du nhập: Từ lạ thành quen

Từng là những bộ môn còn khá xa lạ với người hâm mộ thể thao TPHCM, song bóng chày hay hockey đã từng bước tạo dựng được vị thế cho mình, phát triển từ phong trào học đường cho đến việc tập luyện chuyên nghiệp.
Môn bóng chày đã dần trở nên phổ biến hơn tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Ảnh: P.NGUYỄN
Môn bóng chày đã dần trở nên phổ biến hơn tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Ảnh: P.NGUYỄN

Bóng chày có giải quốc gia đầu tiên

Khoảng năm 1999, bóng chày (baseball) xuất hiện lần đầu tại TPHCM, nhờ một doanh nhân người Nhật Bản là ông Fuchiwaki đến sinh sống và làm việc tại nơi đây. Ông Fuchiwaki đã sáng lập CLB bóng chày đầu tiên với tên gọi Saigon Baseball, từng có thời gian được Tổ chức Bóng chày chuyên nghiệp Hàn Quốc (KBO) tạo điều kiện huấn luyện và phát triển.

Đáng tiếc là đến năm 2001, ông Fuchiwaki qua đời, khiến CLB Saigon Baseball phải giải tán, cho đến năm 2011 mới hội tụ trở lại và hình thành nên Hội Bóng chày TPHCM. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc ngoài việc quảng bá bộ môn này đến người hâm mộ thể thao TPHCM, còn dành thời gian hướng dẫn việc thiết kế sân bóng cũng như đào tạo cơ bản về bóng chày ở khu vực quận 11 hay các khu dân cư ở quận 2, quận 9 (nay là TP Thủ Đức)… 

Đến nay, bóng chày đã có những bước tiến mạnh mẽ tại TPHCM, từ mô hình quán cà phê kết hợp luyện tập bóng chày, rồi đến các CLB đào tạo bài bản được hình thành, thu hút nhiều giới trẻ tham gia, nhất là cộng đồng người nước ngoài đến thành phố sinh sống và làm việc. Theo anh Lê Đằng Phương Vũ, VĐV đội tuyển bóng chày Việt Nam dự SEA Games 2011, hiện nay có khoảng 12 CLB bóng chày trên toàn quốc, trong đó tại TPHCM có gần 10 CLB đang hoạt động, như: Saigon Storm, Ho Chi Minh City Pioneers, HBA, một số đội phong trào, nhóm nhỏ ở các quận, huyện.

“Việc thiếu sân bãi đủ chuẩn để tập luyện là một trong những khó khăn mà bóng chày TPHCM đang phải đối mặt. Hiện các CLB lớn đang tập ở sân của TP Thủ Đức, hoặc ở sân của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM, còn một số đội nhỏ sẽ chơi ở khu vực công viên, thậm chí là những khu đất trống sau nhà. Việc đầu tư ban đầu khi tham gia bóng chày cũng khá tốn kém, găng tay loại trung bình đã có giá gần 2 triệu đồng, hay trang phục của cầu thủ bắt bóng (catcher) loại tốt phải gần 30 triệu đồng. Có lẽ vì thế mà các CLB khi trước khó phát triển được một phần do không có dụng cụ. Nhưng hiện nay, các đội bắt đầu nhận được tài trợ và một số nguồn xã hội hóa nên có cơ hội phát triển chuyên môn hơn”, anh Phương Vũ nói thêm.

Những ngày cuối tháng 7, Giải Cúp các câu lạc bộ bóng chày toàn quốc 2022 - sự kiện thi đấu cấp quốc gia đầu tiên được Liên đoàn Bóng chày và bóng mềm Việt Nam tổ chức và Hội Bóng chày TPHCM đứng ra đăng cai, với 8 CLB bóng chày trên toàn quốc tham dự, trong đó TPHCM góp mặt 3 cái tên là TPHCM I, TPHCM II - Sài Gòn Storm và Ho Chi Minh City Pioneers. Ngoài mục đích thúc đẩy, phát triển bóng chày trong cộng đồng, giải đấu cũng là cơ hội để bóng chày Việt Nam tìm kiếm và phát hiện những nhân tài, tạo cơ sở để hình thành lực lượng nòng cốt cho đội tuyển Việt Nam tham dự các giải đấu quốc tế trong tương lai.

Hockey xây chắc vị thế

Môn khúc côn cầu trên cỏ (field hockey) bắt đầu được chơi ở Việt Nam vào khoảng năm 2007, chủ yếu các câu lạc bộ được tạo dựng và hoạt động mạnh ở TPHCM hay Đà Nẵng. Tại TPHCM, giới mộ điệu khúc côn cầu tham gia luyện tập ngày càng đông. Tiếp đó, sự ra đời của 2 câu lạc bộ đầu tiên là Saigon Tornados và Saigon International chính thức mở ra trào lưu tập luyện và thi đấu hockey.
Đến năm 2013, đội tuyển hockey với lực lượng là các cầu thủ đang tập luyện tại TPHCM đã tham dự SEA Games 27 tại Myanmar và đây cũng là lần đầu tiên hockey Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế. Sau đó, đội tuyển tiếp tục đại diện Việt Nam tham dự vòng loại World League 2016 tại Singapore, SEA Games 2017 tại Malaysia.

Thể thao du nhập: Từ lạ thành quen ảnh 1 Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia tập luyện môn hockey trên cỏ. Ảnh: HOÀNG YẾN
Những năm gần đây, phong trào tập luyện và thi đấu môn hockey có bước phát triển khá nhanh, bài bản và chuyên nghiệp hơn, đã thu hút được sự chú ý của xã hội. Vào năm 2019, Giải Vietnam Hockey Festival do Ban vận động Liên đoàn Hockey TPHCM tổ chức đã thu hút 25 đội đến từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tại thời điểm đó, Việt Nam có đến 8 đội tham gia tranh tài mà lực lượng chủ yếu là các sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố. 

Bộ môn mới lạ ngày nào đã từng bước len lỏi vào làng thể thao TPHCM, thậm chí trở thành môn thể thao tự chọn trong chương trình Giáo dục thể chất, được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học trên địa bàn TPHCM là: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Hồng Bàng, Đại học TDTT TPHCM…

Liên đoàn Hockey TPHCM chính thức ra đời vào năm 2020, trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển bộ môn tại thành phố, đưa hockey đến gần hơn với cộng đồng. Từ việc phối hợp với các trường học để đưa bộ môn vào học đường, tìm kiếm những nhân tố mới cho đội tuyển, đến việc tổ chức các chương trình đào tạo HLV, trọng tài, hướng dẫn viên cơ sở đã được liên đoàn tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Hà Trường Hải - Chủ tịch Liên đoàn Hockey TPHCM cho biết, sau khoảng thời gian tạm lắng đọng do dịch bệnh thì một loạt các sự kiện thúc đẩy phong trào hockey sẽ được diễn ra liên tiếp trong thời gian tới. Đó là Giải hockey thuộc khuôn khổ Đại hội TDTT TPHCM lần thứ 9 được tổ chức vào ngày 30-7 có 5 CLB hoạt động trên địa bàn thành phố tham gia tranh tài. Tiếp đến là các workshop giao lưu giới thiệu bộ môn, đào tạo trọng tài, HLV trong tháng 8 và 9, rồi đến Giải hockey festival dự kiến có từ 10-15 quốc gia tham dự vào tháng 11.

Tin cùng chuyên mục