Thể thao Đông Nam Á thấp thỏm chờ quyết định của Indonesia: Mọi người… ngán 1 người!

Hôm nay và ngày mai, số phận một số môn và nội dung truyền thống của khu vực Đông Nam Á như bóng đá nữ, bóng bàn, bắn súng, xe đạp, bi sắt… sẽ được định đoạt khi phiên họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á kết thúc. Nghịch lý ở chỗ, cả làng thể thao khu vực phải đi năn nỉ nước chủ nhà Indonesia xem xét lại quyết định của mình.
Thể thao Đông Nam Á thấp thỏm chờ quyết định của Indonesia: Mọi người… ngán 1 người!

Hôm nay và ngày mai, số phận một số môn và nội dung truyền thống của khu vực Đông Nam Á như bóng đá nữ, bóng bàn, bắn súng, xe đạp, bi sắt… sẽ được định đoạt khi phiên họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á kết thúc. Nghịch lý ở chỗ, cả làng thể thao khu vực phải đi năn nỉ nước chủ nhà Indonesia xem xét lại quyết định của mình.

Hội đồng cũng phải xuống nước

Indonesia có quyền vì họ là nước chủ nhà của kỳ đại hội khu vực lần thứ 26. Nghĩa là việc xét tăng hay giảm số môn hay các nội dung thi đấu gần như nằm trong tay của BTC Indonesia. Từ lâu, thể thao Đông Nam Á đã có tiền lệ này, thành ra bây giờ có gây sức ép đối với Indonesia thì cũng vậy, thậm chí là… bằng thừa. Indonesia thích đưa những môn thể thao lạ hoắc vào chương trình thi đấu suy cho cùng cũng chẳng sai. Quốc gia nào đi cửa riêng, thuyết phục được Indonesia đưa thêm môn thế mạnh của mình vào thì tùy.

Thể thao Đông Nam Á thấp thỏm chờ quyết định của Indonesia: Mọi người… ngán 1 người! ảnh 1

SEA Games giờ đây là “ao làng” đúng nghĩa, thể thao Việt Nam nên nghĩ đến mục tiêu xa hơn, lớn hơn mới hợp lý. Ảnh: Dũng Phương

Ở đây, chính sự thiếu đồng nhất trong quy hoạch số lượng môn thi đấu qua các kỳ SEA Games là nguyên do dẫn đến sự lộn xộn, làm tùy tiện như hiện nay chứ lỗi chẳng thuộc về Indonesia hay bất kỳ quốc gia nào từng và sẽ đăng cai SEA Games cả.

Từ đó để thấy, dù thể thao Đông Nam Á thành lập hẳn một Hội đồng thể thao để giải quyết những rắc rối, mà trên hết là phấn đấu vì mục tiêu thể thao công bằng cho khu vực. Thế nhưng, vì đã nảy sinh tiền lệ và vì quốc gia nào đăng cai đại hội rồi cũng… giống nhau, nên thật khó ăn khó nói. Lấy số đông để ép uổng Indonesia thì không ổn, thậm chí có thể dẫn đến chuyện vì bị “chơi hội đồng”, Indonesia từ chối đăng cai SEA Games 26. Đấy là giả thiết, nhưng biết đâu khi bị dồn đến chân tường, Indonesia dám là chuyện khó coi thì sao? Chẳng thể trách được họ khi mà cái tư duy xây dựng đấu trường khu vực chỉ xoay quanh mục đích giúp nước đăng cai “gom” thật nhiều thành tích, tùy tiện đưa những môn thể thao khó coi vào chương trình thi đấu. Gọi SEA Games là “ao làng” là vì thế.

Thành ra, Hội đồng thể thao Đông Nam Á chỉ còn cách phải xuống nước, nói cho chính xác là “năn nỉ” Indonesia hãy vì phong trào phát triển chung của thể thao khu vực. Còn được hay không còn tùy vào hứng của người Indonesia, và tùy vào cách tính toán của họ liệu có thêm nội dung, “rổ” HCV của mình đủ để dẫn đầu SEA Games 26 hay không.

Liệu có ăn thua?

Ngay cả khi Indonesia chấp nhận đưa một nửa trong số những môn và nội dung họ đã loại khỏi chương trình thi đấu của SEA Games, thì đấy cũng không hẳn là thành công. Chỉ có một vài nước quyết liệt lên tiếng thì không ăn thua, ngay kể cả với Thái Lan, Việt Nam, Malaysia hay Philippines “có máu mặt” đàng hoàng.

Nếu ngay từ đầu, khi thành lập ra Hội đồng thể thao Đông Nam Á, giới chức khu vực xác định luôn chương trình thi đấu chính thức của các kỳ SEA Games gồm những môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic và giới hạn chỉ đưa thêm một vài môn truyền thống của khu vực mà nhiều nước tập luyện, thì đâu đến nỗi trước mỗi kỳ đại hội lại nảy ra tranh cãi.

Sự rập khuôn làm khó nhau theo kiểu cố tình chắc chắn sẽ không có điểm dừng, một khi chính Hội đồng thể thao khu vực không cải thiện lại chính mình, nghĩa là hiện đại và khoa học hơn.

Thể thao Việt Nam kêu lên rằng Indonesia bỏ bóng đá nữ mình đang giữ ngôi vô địch, bỏ nhiều nội dung có thể lấy vàng ở pencak silat, bắn súng, xe đạp, bi sắt, thể dục nghệ thuật, bóng bàn… nhưng nên nhớ khi chính mình đăng cai đại hội này năm 2003, chúng ta đâu có khác gì Indonesia, tích cực “nhồi nhét” các môn ai cũng ngán vào chương trình thi đấu, ví như lặn, cầu chinh, vật…

Vì vậy, trước khi đề cập đến người khác, chúng ta nên nhìn lại chính mình. Và vì sự phát triển của thể thao nước nhà nói riêng ở những đấu trường như Asian Games, Olympic, cũng đã đến lúc Việt Nam nên xem SEA Games chỉ mang tính bước đệm cho mục tiêu lớn hơn ở phía trước.

THANH LÂM 

Tin cùng chuyên mục