“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC

Cuộc đời của võ sĩ MMA người Pháp gốc Cameroon - Francis Ngannou là những chuỗi ngày trầm buồn, nhưng rốt cuộc đang dần kết thúc có hậu. Sau rất nhiều thăng trầm, “The Predator” lại có cơ hội tranh đai hạng nặng của UFC lần thứ 2, anh sẽ tái ngộ Stipe Miocic trong sự kiện UFC 260 sẽ diễn ra vào sáng Chủ nhật này, ngày 28-3 (theo giờ Việt Nam).

Ngannou mặt đối mặt với Miocic, cả 2 sẽ đấu nhau vào Chủ nhật nàu
Ngannou mặt đối mặt với Miocic, cả 2 sẽ đấu nhau vào Chủ nhật nàu

Sinh ra trong một làng quê nghèo ở châu Phi, mới 10 tuổi phải đi khai thác cát

Ngannou sinh ra trong một làng quê nghèo khó và bé nhỏ ở Batie (Cameroon). Gia đình anh rất nghèo. Khi Ngannou mới 6 tuổi, cha mẹ anh ly dị, và Ngannou bị gửi sang ở với dì ở đầu bên kia của đất nước. Phải chia ly các anh chị em ruột, nhưng không vì vậy mà Francis dễ tìm ra bạn bè ở ngôi nhà mới. Cậu nhóc mới 6 tuổi không hề cảm thấy mình là một phần của gia đình mới, mấy đứa trẻ khác trong nhà luôn chọc ghẹo Ngannou và xem anh như một kẻ xa lạ.

“Tôi không có bạn bè bởi vì tôi không biết cách giao tiếp như thế nào. Những đứa trẻ khác trong nhà nói rằng tôi chính là một kẻ lạ mặt, tôi đến từ một gia đình tệ hại. Tôi không thể nhớ lại một gương mặt bạn thời ấu thơ nào… Thành thật mà nói, tôi không có bạn bè thật sự. Tôi luôn bị từ chối, luôn là một kẻ xa lạ ở bất kỳ nơi đâu”, Ngannou nhớ lại và tuổi thơ buồn bã của mình.

“Để vượt qua điều này, tôi phải tạo ra một thế giới kỳ ảo trong tâm trí, ở đó, tôi có một tuổi thơ bình dị và một gia đình, với cha tôi, với một căn nhà tuyệt vời. Đó là khoảng không gian hoàn toàn riêng tư của tôi, nơi tôi tìm thấy được sự bình yên”, Ngannou nói.

Để đi học ở Cameroon, người ta phải chi trả nhiều tiền. Rất nhiều trẻ em phải vừa làm việc vừa đi học, mới có tiền chi trả học phí. Về phần mình, Francis thậm chí còn không thể mua được những dụng cụ cơ bản như bút, tập vở, sách giáo khoa và giày đi học. Khi lên 10, Francis quay trở về bên mẹ ở khu làng quê cũ. Nhưng cuộc sống vẫn không khá khẩm hơn. Ngannou phải đi làm ở một bãi khai thác cát khi mới 10 tuổi, để kiếm thêm thu nhập.

Công việc ở bãi khai thác cát rất cực khổ, huống hồ Francis còn là con nít. Cậu nhóc 10 tuổi phải quần quật làm tất cả mọi thứ như một công nhân trưởng thành: Xúc cát vào các thùng xe tải chở cát suốt hàng giờ liền, và có khi đứng dưới kênh nước từ ngày này qua ngày khác để xúc cát lên. Trong các mỏ cát, đá thường bất ngờ rơi từ những vách đá cao xuống mặt đất, mà các công nhân luôn làm việc ở bên dưới. Công việc ở bãi khai thác cát là rất nguy hiểm.

Bãi khai thác cát ở làng quê của Ngannou

Người cha gieo nghiệp, người con mang tiếng, muốn thành võ sĩ quyền Anh

Tuy phải làm việc khổ cực từ khi còn nhỏ, nhưng chưa bao giờ Francis nản chí và để bản thân sa đà vào thói hư tật xấu. Dù vậy, anh luôn bị so sánh với cha mình, một kẻ tội phạm và là chiến binh đường phố: “Cha tôi có tiếng tăm bất hảo. Khi tôi nô giỡn vòng quanh cùng bạn bè đồng trang lứa, người ta thường nói về tôi: “Thằng nhóc này rồi cũng sẽ tàn ác như cha nó thôi”. Tôi cảm thấy rất xấu hổ và trong sâu thẳm thâm tâm tôi, tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ như cha của mình. Không bao giờ”.

Nhưng lớn lên cùng tuổi tác, Francis phải tự nhận thấy mình có nhiều điểm rất giống cha: Cơ thể to lớn, rất thích đánh lộn và cảm thấy một sức mạnh tự nhiên mãnh liệt luôn chực chờ bùng nổ. Nhưng Ngannou không muốn đi theo con đường tội lỗi của cha mình, thay vào đó, anh lao đầu vào thể thao.

“Tôi nhìn vào những công nhân lớn tuổi hơn trong bãi khai thác cát và tôi nghĩ rằng: “Không, tôi không muốn bị mắc kẹt ở đây”. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ rằng, tôi nên có những thay đổi. Và rồi tôi nhận ra rằng, tôi thật sự muốn trở thành một võ sĩ quyền Anh”, Ngannou kể lại.

Francis rất ngưỡng mộ Mike Tyson (mà ai lại không ngưỡng mộ Mike “thép” được nhỉ?). Nhưng trong làng chẳng có chỗ để tập luyện quyền Anh. Dân làng nghĩ rằng, không một con người nào xuất thân từ ngôi làng nghèo rách này, lại có thể vượt ra bên ngoài ranh giới và trở thành một VĐV cả. Họ cười nhạo giấc mơ của Ngannou.

“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC ảnh 1 Ngannou một lần về thăm lại làng quê
“Nghe có vẻ rất điên rồ, nhưng người ta luôn nói: “Bình tĩnh nào, cậu nhóc, cậu mơ tưởng quá nhiều rồi. Cậu nói về châu Âu như thể đó là thiên đường, nhưng đó không phải là thiên đường đâu nhé”. Còn tôi, tôi trả lời: “Vâng, nhưng tôi sẽ tự tạo ra thiên đường cho bản thân. Tôi sẽ chiến đấu để tìm kiếm tất cả mọi thứ mà tôi từng mơ mộng”.

Đến năm 22 tuổi, Ngannou chuyển đến sống ở thành phố lớn nhất của Cameroon - Doualu (có sân số khoảng hơn 2 triệu người), nơi anh bắt đầu tập đánh quyền song song với việc làm nghề bốc vác để có chi phí sinh hoạt, rèn luyện. Bị ám ảnh với giấc mơ của mình, có thời điểm Francis còn bán luôn cả chiếc xe gắn máy vốn là phương tiện đi lại duy nhất để dồn tiền mua dụng cụ và trang thiết bị để tập luyện quyền Anh.

Sang châu Âu để săn đuổi giấc mơ, nhưng trở thành kẻ vô gia cư tại Paris hoa lệ

Nhưng mọi chuyện vốn không như là mơ. Khi Ngannou 25 tuổi, anh nhiễm viên gan B. Không có tiền điều trị bệnh tật, Ngannou buộc phải quay lại vùng làng quê cũ của mình. Ở thời điểm đó, anh buộc phải từ bỏ giấc mơ tập quyền Anh để nuôi heo kiếm sống. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, giấc mơ mà Ngannou tưởng như đã từ bỏ, vẫn bắt rễ sâu thẳm trong tim anh.

Đơn giản, cũng chỉ có thể thao - quyền Anh, mới có thể chuyển hóa nguồn năng lượng dư thừa bên trong cơ thể của anh thành những tác động tích cực với bên ngoài: “Cha tôi là một người đàn ông tàn khốc. Ông ấy thường xuyên đánh đập chúng tôi, đánh mẹ tôi, các anh chị tôi, đánh cả tôi. Ông ấy chẳng làm được tí ti gì cho gia đình, nhưng thông qua hình ảnh độc ác của cha, tôi nhận ra tôi muốn trở thành kiểu người nào. Cuộc sống vốn vận hành điên rồ như vậy đó”.

Năm 2012, không nói một lời nào với gia đình, Francis xách ba lô bỏ nhà, rời khỏi vùng làng quê nghèo rách để đến châu Âu, tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Nhưng chuyến hành trình tị nạn suýt nữa đưa anh đến tử lộ: Cùng với những dân tị nạn Cameroon khác, Ngannou tham gia vượt biển, nhưng thuyền chở bọn họ trôi dạt vô định suốt vài tháng trời, mọi người gần như là chết khát.

May mắn là, họ được Hội Chữ Thập Đỏ phát hiện và cứu sống. Tuy nhiên, thoát chết thì có, khổ cực lại ập đến: Ngannou và những người bạn tị nạn bị tống vào nhà tù ở Tây Ban Nha, sau đó bị chuyển đến trại tị nạn đông ngút ngàn. Cuối cùng, anh đến được Paris, và trở thành kẻ vô gia cư hạnh phúc nhất ở Pháp.

“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC ảnh 2 Ngannou khi vừa được phóng thích khỏi nhà tù ở Tây Ban Nha, chuẩn bị sang Pháp
“Thật sự vô cùng khó khăn, vì tôi chẳng quen biết bất kỳ ai ở Pháp. Tôi chẳng có tiền bạc, tôi phải ngủ trên vỉa hè và cố gắng sống sót hàng đêm. Nhưng với tôi, nó vẫn là một cơ hội lớn. Tôi cam thấy hạnh phúc vì cuối cùng, mình cũng có được cơ hội săn đuổi giấc mớ”, Ngannou không hối tiếc với chuyến hành trình tị nạn đầy mạo hiểm của anh.

Giáp mặt các quý nhân và chuyến hành trình nhận ra tài năng với MMA

Mỗi ngày trong cuộc sống của một kẻ vô gia cư, Ngannou đi dạo đường phố xung quanh để tìm kiếm một phòng tập gym bất kỳ. Anh bước vào và giới thiệu bản thân: “Tôi mới vừa đến Pháp. Tôi ở ngoài đường và không có tiền, nhưng tôi không cầu xin bố thí, tôi chỉ xin một nơi để tập luyện vì tôi sẽ trở thành nhà vô địch thế giới”.

Ông chủ nhiều phòng tập nghĩ anh là kẻ điên và tiễn anh ra cửa ngay lập tức. Nhưng một ngày nọ, Ngannou bước vào phòng tập của Didier Camon, anh nhận được sự cưu mang từ ông chủ, Carmon cho phép anh đến tập luyện ở phòng tập của ông này. Đến giờ này, Francis vẫn mang ơn Carmon, người cho anh 50 USD để anh mua ba lô, đồng phục và khăn tắm. Với anh, khoản tiền đó chính là “mối ân tình” không thể tính bằng tiền.

Cho dù Carmon rất ấn tượng với uy lực các cú xuất quyền của Ngannou, nhưng những người hiểu biết ở trong phòng tập của ông khuyên võ sĩ Cameroon rằng anh này nên theo đuổi MMA. Theo họ, quyền Anh là một ngành kinh doanh bảo thủ và khép kín, nếu không có thành tích cụ thể, một võ sĩ lớn tuổi như Ngannou sẽ không được phép tiến vào. Dù không biết MMA, nhưng Ngannou vẫn giữ vững lập trường của mình.

“Họ giải thích mọi việc với tôi, nhưng tôi cười. Tôi sẽ không chơi đấu vật và tất cả những thứ rác rưởi như vậy (ám chỉ các đòn thế khác không liên quan đến đánh quyền). Nói chuyện về MMA có vẻ như rất xa lạ với tôi. Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không chơi môn đó”, Ngannou nhớ lại.

“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC ảnh 3 Ngannou từng không muốn chơi MMA, chỉ thích quyền Anh và thần tượng Mike Tyson
Francis tập luyện rất chăm chỉ, nhưng đối mặt với một vấn đề, phòng tập thường đóng cửa vào các dịp cuối tuần hoặc lễ tết. Khi không thể ở trong phòng tập, Ngannou phải ở qua đêm trong các khu tạm trú dành cho người vô gia cư tại Paris. Rồi sau đó, Ngannou lại tìm được nơi trú ngụ khả quan, một hội trường nơi một người Cameroon khác - Fernand Lopez, quản lý suốt 7 ngày/tuần. Đây chính là quý nhân thứ 2 trong cuộc đời của Ngannou.

Lopez vốn là một tên tuổi trong làng MMA của Pháp trong giai đoạn nửa sau những năm 2000. Sau khi nghe về câu chuyện của Ngannou, Lopez đưa cho anh một túi dụng cụ và nói rằng Ngannou có thể ngủ tạm trong phòng tập thể dục của hội trường. Chứng kiến vài buổi tập của Ngannou, Lopez nhận ra rằng chàng trai này có một tài năng đặc biệt trong MMA.

Lopez hồi tưởng và kể lại: “Khi bạn thấy người ta tập luyện, bạn có thể hiểu rõ về tố chất, và tài năng. Bạn không cần phải là một nhà ảo thuật để biết ai có cái nhân tố X. Với MMA, Francis có mọi thứ mà cậu ấy cần”.

Không muốn đấu MMA, nhưng có hợp đồng vào ngày sinh nhật

Thế là, Ngannou miễn cưỡng tập luyện MMA từ năm 2013, theo chỉ dẫn của Lopez. Lopez sau đó tìm ra một căn hộ để Francis có thể ngủ qua đêm khi không thể tập luyện trong phòng gym. Ngannou bắt đầu dấn thân vào làng đấu MMA và ghi những chiến thắng ấn tượng ở các hệ giải đấu như là: 100% Fight, SHC rồi KHK MMA National Tryouts, với thành tích 5 thắng - 1 thua, trong đó tất cả 5 chiến thắng đều bằng KO hoặc đối thủ đập tay xin đầu hàng. Với kết quả này, rất khó để người ta tìm ra các đối thủ tiếp theo cho Francis trên đất Pháp.

Đến hôm sinh nhật 29 tuổi, Ngannou nhận được món quà tặng sinh nhật “điên rồ”. HLV hỏi tôi rằng: “Món quà nào khiến cậu hạnh phúc nhất?”. Tôi nghĩ, có lẽ ông ta có một chiếc máy tính để lên mạng nhỉ? Nhưng HLV lại nói tôi có một bản hợp đồng với UFC, sẽ thượng đài trên đất Mỹ trong 4 tháng”.

Và thế là, chuyến hành trình đã bắt đầu. Ngannou đấu với Luis Enrique ở sự kiện UFC on Fox 17 và thắng KO ngay ở hiệp 2. Sau đó là 5 trận thắng liên tiếp, biến Ngannou trở thành một hiện tượng Cameroon ở UFC và là một võ sĩ có “đầu quyền” gây kinh hãi nhất trong lồng sắt bát giác.
“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC ảnh 4 Ngannou là võ sĩ có đầu quyền gây kinh hãi nhất trong lồng sắt bát giác

Không bao giờ quên quá khứ

Ngannou trở nên giàu có, nhưng anh không quên câu chuyện quá khứ buồn bã của mình. Võ sĩ liên tục làm từ thiện ở Cameroon và mở một phòng gym tại vùng làng quê nghèo rách. Francis muốn những VĐV trẻ ở quê nhà có cái cơ hội mà anh không có được, anh không muốn sắp nhỏ phải rời xa quê nhà hàng trăm kilomet để săn tìm giấc mơ.

“Tôi vẫn nhớ và nghĩ về tuổi thơ, tuổi trẻ của mình. Tại sao, đơn chẳng chẳng có ai mở phòng tập ở đó? Những ngày này ở vùng quê nhà, nếu một đứa trẻ nói rằng: “Con sẽ tập quyền Anh”, đó sẽ là chuyện bình thường. Và mọi người sẽ nói: “Vâng, có thể như vậy vì Francis đã thành công như vậy”.

Ngannou từng bắt đầu thượng đài với phí thưởng 2.000 EUR/trận. Giờ đây, anh nhận về hàng trăm ngàn USD. Trong trận đấu đầu tiên với Miocic, trận tranh đai vô địch hạng nặng ở sự kiện UFC 220 diễn ra hồi năm 2018, anh nhận đến 440 ngàn EUR (Ngannou thua trong trận đấu đó bằng điểm số sau 5 hiệp đấu, giờ đây, anh có cơ hội “báo thù” và nhận nhiều hơn rất nhiều). Tuy vậy, anh vẫn khát khao có được nhiều hơn!

Ngannou theo đuổi giấc mơ không chỉ vì bản thân mình, mà còn vì mẹ già, vì gia đình, vì cuộc sống mà anh đã từng bỏ lại. Nhưng anh không bao giờ quên quá khứ, và khi đã trưởng thành, anh luôn không nhớ mãi những ngày xưa, luôn ngoảnh đầu để đảm bảo không còn ai bị bỏ lại ở phía sau. Hãy thử tưởng tượng, Chủ nhật này, Ngannou đánh bại Miocic...

“The Predator” Francis Ngannou: 10 tuổi phải đi khai thác cát, sống vô gia cư ở Paris, lại sắp tranh đai hạng nặng UFC ảnh 5 Ngannou và mẹ của mình

Tin cùng chuyên mục