
Xưa, mỗi lần nhắc đến địa phương có phong trào thể thao mạnh thì người ta sẽ nhớ đến ngay Sài Gòn, Hà Nội hay Đà Nẵng, bởi ở đó là những thành phố lớn. Ngày đó, việc được nhập hộ khẩu đã trở thành một hấp lực mà không đồng tiền nào có thể sánh bằng. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, ở sân chơi chuyên nghiệp sau 35 năm thống nhất đất nước, người ta buộc phải kính nể những địa phương nhỏ hơn, nhưng có những tên tuổi lớn đang mang trên mình những chiếc huy chương ở đấu trường châu lục.
Tỉnh nhỏ làm chuyện nhỏ
Ông Nguyễn Thanh An - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long nói rất thật: “Ở Vĩnh Long ngân sách có hạn, chúng tôi không thể nuôi nổi đội bóng đá, bởi nuôi một đội bóng đá bằng tụi tui nuôi mấy môn khác chứ ít gì. Việc có đội bóng đá mạnh là chuyện của tương lai, giờ chúng tôi phải tập trung vào những môn thể thao mình đang còn giữ được. Bóng chuyền và xe đạp đang là môn chúng tôi tập trung hết mình”.
Nói là làm, mọi cuộc “gá duyên” với nhà tài trợ đều được tỉnh Vĩnh Long gửi gắm vào hai môn được coi là “chơi được” của họ. Học theo cách làm của Bình Dương với bóng đá, cả xe đạp lẫn bóng chuyền đều có sự góp mặt của đài truyền hình như một phần hỗ trợ cho doanh nghiệp chung lưng đấu cật với thể thao tỉnh nhà.
Và đừng ngạc nhiên khi mà ADC có trụ sở chính thức tại TPHCM, nhưng lại tìm đến với đội đua xe của Vĩnh Long. Bởi ở đó, nhà tài trợ nhận được sự trân trọng, một cơ chế thoáng, và quan trọng hơn người ta nhận được sự quan tâm từ phía lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
Cứ nhìn thời lượng phát sóng về đội đua ADC truyền hình Vĩnh Long trên kênh truyền hình của tỉnh này thì đủ hiểu vì sao công ty ADC không tiếc tiền để đầu tư vào đội đua. Nói một cách đơn giản, như đại diện công ty này thổ lộ, đội đua có thành tích thì tỉnh “mát mặt” còn nhà tài trợ thì “mát ruột”.
Có thể với nhiều người, việc đến chặng cuối cùng ADC TH Vĩnh Long chỉ còn 4/6 tay đua gồm Hồ Văn Phúc, Bùi Minh Thụy cùng 2 tay đua người Nhật là đủ điều kiện tham dự cho thấy xe đạp Vĩnh Long vẫn chưa có gì đáng để tự hào khi phải dựa vào ngoại lực.
Nhưng nếu nhớ lại trước đây, đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã từng vô địch V-League với đội hình chỉ có 4/11 cầu thủ nguyên quán Gia Lai cũng khiến nhiều người khó chịu, nhưng cuối cùng, cái lợi mà bầu Đức, tỉnh Gia Lai và cả người hâm mộ được đón nhận đã khẳng định họ không sai khi dồn sức làm thương hiệu để tạo đà cho các tuyến năng khiếu phát triển đấy thôi.

Nhìn sự đầu tư của các tỉnh như Vĩnh Long, người hâm mộ không khỏi lo lắng cho phong trào xe đạp TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lớn mà không đầu tư thì lớn làm gì?
Cũng tương tự như trong bóng đá, TPHCM có đầy đủ ban bệ và được coi là nơi có Liên đoàn Xe đạp Môtô vào loại sớm nhất nước. Thế nhưng, đến thời điểm này, có lẽ nổi nhất ở liên đoàn không phải là xe đạp - môn thể thao có thi đấu, mà là mô tô, môn yêu cầu người chơi cứ có thật nhiều tiền là được.
Ngày xưa, khi nhắc đến xe đạp TPHCM, các làng đua khác đều ngưỡng mộ, bởi ở Sài Gòn lúc đó có đội CA.TPHCM, đội Khách sạn Thanh Bình và đội Cảng Sài Gòn. Trong 3 cái tên thì có đến 2 đội được coi là đỉnh cao với những tay đua nổi tiếng như Trần Hùng, Đỗ Thành Đạt và lứa sau là Trương Quốc Thắng, Nguyễn Nam Cực, Lưu Quốc Vinh…
Thậm chí, khi mà theo “trào lưu” suy thoái của thể thao TPHCM, hàng loạt đội bóng đá bị giải tán thì đội đua Cảng Sài Gòn cũng bị thanh lý, và người ta đã thấy một doanh nghiệp tư nhân là hãng phim Đỗ Gia đứng ra nhận đội đua với cái tên mới Dofilm. Không chỉ nhận đội đua, phía Dofilm đã tích cực tìm nhà tài trợ và được các cua rơ thừa nhận là đã làm cuộc cách mạng về lương cho VĐV khi nâng lương cho các tay đua từ 3-4 triệu đồng lên 7 đến 12 triệu tùy theo năng lực.
Nhưng điều mà phía Dofilm nhận được chỉ là sự thờ ơ của ngành thể thao TPHCM khi họ bị rơi vào tình thế khó khăn. Đội đua được sang tay qua Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn như một điều hiển nhiên, sau sự “hỗ trợ tích cực” của Sở TDTT TPHCM lúc bấy giờ với cái giá... rẻ như cho.
Qua vài năm, đội đua với những tay đua mạnh vẫn tiếp tục chiếm vị thế trong làng đua, nhưng điều gì đến đã đến. Khi mà Lưu Quốc Vinh giải nghệ, Nguyễn Nam Cực lớn tuổi… lực lượng đội đua BVTV Sài Gòn mỏng dần đi.
Người ta thấy hình như phía Bảo vệ thực vật Sài Gòn vẫn chưa chú trọng vào việc đầu tư đội đua để làm thương hiệu. Chính sách lương không thay đổi, dù thời giá đã khác, và “lời hứa ngày xưa” vẫn còn nguyên. Không được đầu tư nhiều tiền, đương nhiên đội đua không thể tập huấn dài ngày, không thể trang bị xe tốt cho VĐV và càng không thể phát triển những VĐV trẻ. Dù phía liên đoàn vẫn cho rằng, họ không hề thiếu VĐV trẻ để bổ sung, nhưng những gì đã diễn ra ở mùa thi đấu năm 2010 đã chính thức đánh dấu bước hụt chân cả về lực lượng lẫn sự đầu tư của bộ môn xe đạp TPHCM.
Ở cuộc chơi chuyên nghiệp, lương không cao, thưởng không nhiều, nhưng lại cứ luôn yêu cầu VĐV tập hết mình và chơi hết sức thì e là điều không tưởng. Trước đây, xe đạp nữ TPHCM đã từng mất quân về Bình Dương vì ở đó có chế độ đãi ngộ tốt hơn, giờ đến lượt các cua rơ nam TPHCM đang đứng trước những lựa chọn mới.
Và chẳng thể trách họ, nếu như sắp tới những tay đua Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng dứt áo ra đi, như cái cách Đặng Trung Hiếu của Bến Tre sẽ chuyển về ADC TH Vĩnh Long trong thời gian tới, có lẽ cũng đừng quá ngạc nhiên.
TẤT ĐẠT