Tevez và số phận những ngôi sao ở CSL

Danh thủ Carlos Tevez đang “sa lầy” tại Trung Quốc là tin mới nhất, nhưng có lẽ không quá ngạc nhiên bởi nhiều người đã đoán trước điều này.
Tevez (trái) thi đấu không thành công ở Trung Quốc. ​
Tevez (trái) thi đấu không thành công ở Trung Quốc. ​

Đến với CLB Thân Hoa Thượng Hải từ tháng 1-2017 với bản hợp đồng 2 năm và hưởng mức lương cao nhất thế giới, cựu danh thủ CLB Boca Juniors đã gây thất vọng lớn khi chỉ ghi 3 bàn trong 13 lần ra sân. Với phong độ chìm nghỉm và liên tục tăng cân, Tevez đã bị HLV cho ngồi dự bị và tương lai có thể còn bị đẩy xuống đội hình 2 nếu không cải thiện được tình hình.

Giải vô địch bóng đá Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn như Tevez, Martinez, Teixeira, Oscar, Ramirez, Pelle… Nếu như khoảng 3 năm trước, chỉ những ngôi sao bên kia sườn dốc mới đến với CSL để xem như làm một chuyến du lịch trước khi giã từ sân cỏ thì hiện nay các ngôi sao đang ở phong độ đỉnh cao trong độ tuổi 23 - 25 đều có mặt ở đây. Nhiều trong số họ được các CLB tên tuổi khác ở châu Âu tìm đủ mọi cách để có chữ ký nhưng không được. Trong bối cảnh đó, báo chí phương Tây đã từng nhìn nhận CSL là một màn hình quảng bá vĩ đại nhất cho bóng đá Trung Quốc.

Cùng với các tên tuổi lớn, đã có hơn 2.000 cầu thủ khác từ Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông… đã đến thi đấu tại giải nhà nghề Trung Quốc. Việc chi bạo của các ông chủ CLB ở CSL không chỉ dừng lại ở các hợp đồng cầu thủ bom tấn mà họ còn dời về được nhiều HLV bậc thầy, từng trải nghiệm hầu hết các CLB lớn trên thế giới như Erisson, Magath, Poyet…

Chưa dừng lại, họ còn chi không tiếc tiền để mua cổ phần các CLB ở giải ngoại hạng Anh hay Ý, từng bước trở thành các ông chủ của những đội bóng mạnh nhất thế giới. Không thiếu tiền, không thiếu ngôi sao, thừa các sân bóng đẳng cấp thế giới, nhưng dường như mọi thứ đang đi ngược lại với mong muốn của những nhà quản lý CSL.

Những sân bóng đẹp với sức chứa hàng trăm ngàn chỗ ngồi thường xuyên trống vắng ở giải vô địch Trung Quốc. Theo thống kê, trung bình mỗi trận ở CSL mùa này có khoảng 20.000 khán giả, một con số khiêm tốn so với mong muốn, nhất là khi hầu hết các CLB đang chơi ở CSL đều có vài ngôi sao nước ngoài tham gia thi đấu. Điều gì khiến khán giả vẫn chưa chịu đến sân khi ở đó có những ngôi sao hàng đầu thế giới?

Khác biệt lớn nhất là trên sân cỏ CSL, những ngôi sao như Tevez, Teixeira, Martinez… hoàn toàn khác xa với họ khi còn ở Manchester United hay Chelsea. Họ đều trở thành những bóng mờ, thậm chí không chạy được hết một trận đấu và cuối cùng từng người, từng người phải ngồi dự bị, đội bóng không cải thiện được chất lượng…

Một tờ tạp chí bóng đá uy tín của Tây Ban Nha đã từng cho rằng: “CSL đang hủy diệt bóng đá” với những phân tích rất đáng suy ngẫm. Dù tập trung tiền bạc để “cải thiện bộ mặt” bằng cách mua về các ngôi sao lớn, nhưng hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Trung Quốc vẫn không có sự thay đổi nào. Trình độ cầu thủ trong nước thấp khiến cho đội tuyển nhiều năm nay luôn thất bại ở các giải đấu khu vực. Khi chơi với các ngôi sao nước ngoài trong CLB, các cầu thủ nội có tâm lý tự ti, từ đó không hợp tác, nên cũng không học hỏi được kinh nghiệm gì.

Tình trạng phổ biến này khiến các ngôi sao ngoại không thể phát huy tài năng, bị cô lập, dần dần mất phong độ, chán nản và bị đẩy lên ghế dự bị. Rất nhanh sau đó, họ buộc phải thanh lý hợp đồng, kết thúc chuyến “du lịch bóng đá” ngắn ngủi của mình.

Quả là làm bóng đá, có tiền nhiều, có ngôi sao cũng chưa chắc đã thành công.

Tin cùng chuyên mục