Khi Hewitt đối đầu với Courier

Khi Jim Courier vẫn đang “hùng bá” trong làng quần vợt nam thế giới (hồi những năm 1992 – 1993), Lleyton Hewitt mới còn nhỏ xíu. Đến khi Hewitt bắt đầu bước vào làng quần vợt ATP (năm 1998), Courier đã là một tượng đài sắp sửa giải nghệ (ông chính thức giải nghệ vào năm 2000).

Davis Cup 2016: Australia – Mỹ (mặt sân cỏ CLB Quần vợt Kooyong)

Khi Jim Courier vẫn đang “hùng bá” trong làng quần vợt nam thế giới (hồi những năm 1992 – 1993), Lleyton Hewitt mới còn nhỏ xíu. Đến khi Hewitt bắt đầu bước vào làng quần vợt ATP (năm 1998), Courier đã là một tượng đài sắp sửa giải nghệ (ông chính thức giải nghệ vào năm 2000).

Trong 2 năm “giao thoa” sự nghiệp với nhau, Hewitt chưa từng có vinh dự giáp mặt với Courier. Nhưng 2 người lại biết khá rõ về nhau và Courier như kiểu là một thần tượng nhỏ của Hewitt. Không có cơ hội đối mặt trực tiếp trên sân đấu, giờ đây, họ lại có cơ hội đấu trí cùng với nhau trên cương vị HLV. Hewitt sẽ thống lĩnh đội hình tuyển Davis Cup Australia lần đầu tiên để tiếp chiến tuyển Mỹ (do Courier nắm giữ từ hồi năm 2010 cho đến giờ) trên mặt sân cỏ tại CLB Quần vợt Kooyong (Melbourne) vào cuối tuần sau. Một cuộc đối đầu rất đáng chú ý!

Lleyton Hewitt trong trận đấu cuối cùng ở Davis Cup trong cương vị một tay vợt.

Lần gần đây nhất khi mà họ tiến lại rất gần nhau đó là cuộc giao đấu giữa tuyển Mỹ và tuyển Australia ở tứ kết World Group Davis Cup 1999. Ở thời điểm đó, Hewitt mới chỉ 18 tuổi và chưa hề được xem là “rường cột quốc gia”. Tuy nhiên, chấn thương đầu gối bất ngờ của tay vợt gạo cội Mark Philippoussis đã trao cơ hội cho Hewitt tham gia “trận đánh lớn đầu tiên trong sự nghiệp ở đấu trường Davis Cup”. Sát cánh cùng nhà vô địch US Open trong các năm 1997 và 1998 là Patrick Rafter, Hewitt đã thi đấu cực hay trước tuyển Mỹ hùng mạnh có sự góp mặt của Courier và Pete Sampras. Không có cơ hội đối mặt với Courier (Courier chỉ tham gia trận đánh đơn duy nhất và đã để thua Rafter sau cả 3 ván đấu), Hewitt vẫn giành được những chiến thắng quan trọng khi đánh bại Todd Martin (lúc đó đang thuộc tốp 4 thế giới) và Alex O’Brien.

Nhờ màn trình diễn xuất sắc của “gã trai sung sức trẻ trung” Hewitt, Australia đã quật đổ tuyển Mỹ với chiến thắng áp đảo 4-1. Tỷ số này đã giúp tuyển Australia “báo thù” trận thua 1-4 trước tuyển Mỹ ở vòng bán kết hồi 2 năm trước, khi tuyển Mỹ cậy nhờ vào sự phối hợp của Michael Chang và Sampras, còn tuyển Australia là sự hợp tác giữa Rafter và Philippoussis. Sau chiến thắng oanh liệt đó, tuyển Australia đã phiêu lưu thẳng tiến đến trận đấu chung kết, đánh bại tuyển Pháp với tỷ số 3-2 chung cuộc, Hewitt đã giành được danh hiệu Davis Cup đầu tiên trong sự nghiệp của mình sau 6 trận đánh đơn toàn thắng (trước đó, ở bán kết, anh cũng đã khuất phục 2 tên tuổi của làng quần vợt Nga là Yevgheny Kefelnikov và Marat Safin). Có thể nói, chiến thắng trước tuyển Mỹ của Courier chính là nền tảng cho thành công sau này của Hewitt.

Kể từ trận đấu đáng nhớ hồi năm 1999, tuyển Australia chưa từng gặp lại tuyển Mỹ ở đấu trường Davis Cup, dù cả 2 đội tuyển từng có vài lần lên ngôi ở giải đấu đồng đội nam số 1 thế giới này. Tuyển Australia vô địch trong các năm 1999 và 2003. Còn tuyển Mỹ lên ngôi vô địch hồi năm 2007 – dưới sự dẫn dắt của Patrick McEnroe (em trai của huyền thoại John McEnroe). Kể từ năm 2007 cho đến nay, hai tượng đài của đấu trường Davis Cup – sở hữu đến 60 ngôi vô địch, Mỹ đăng quang 32 lần, còn Australia cũng lên ngôi 28 lần – đã thất thế rất nhiều. Thế giới Daivs Cup từ năm 2007 cho đến năm 2015 thuộc về Nga, Tây Ban Nha, Serbia, Thụy Sĩ và Anh quốc. Hewitt đang muốn thay đổi cán cân quyền lực này. Anh đã triệu tập “2 tay súng trẻ lợi hại nhất” là Bernard Tomic và Nick Kyrgios với hy vọng họ sẽ là lời giải chính xác nhất.

“Tôi nghĩ có chút trùng hợp khi chúng tôi tái ngộ tuyển Mỹ sau 17 năm, đặc biệt là sự tái ngộ giữa tôi và Courier. Jim là một người mà tôi đã trông vào rất nhiều khi từng bước trưởng thành, từ một cậu bé trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Tôi thích cái cách mà ông ấy tiến lên với thứ quần vợt của mình. Ông ấy không phải là tay vợt tài năng nhất ở ngoài sân đấu, nhưng ông ấy đã làm việc cật lực để vươn lên đỉnh cao, và trong lần chạm trán hồi năm 1999, tôi tưởng rằng mình sẽ đối đầu với Courier trong trận đấu quyết định – trận đấu thứ 5 (và là trận đánh đơn thứ 4) – khi Rafter bị Martin dẫn trước 2-1 trong trận đấu thứ 4, nhưng bằng cách nào đó, Rafter đã ngược dòng thắng lại 3-2, Australia chính thức giành chiến thắng, không cần biết kết quả cuối cùng, và phía tuyển Mỹ đã rút Courier ra khỏi danh sách thi đấu với tôi”, Hewitt nhớ lại và cho biết.

“Hồi đó, đã ở trong phòng thay quần áo, rất lo lắng về về việc phải bước ra sân đấu chống lại một người mà tôi thần tượng, rồi mọi chuyện không xảy ra. Nhưng giờ đây, tôi lại chuẩn bị bước vào trận đấu đầu tiên trong nghiệp HLV để chống lại Jim. Rõ ràng, mối quan hệ của chúng tôi đã tiến triển rất nhiều khi làm BLV cùng với nhau ở Australian Open. Vì thế, đây là một trận đấu mà tôi thật sự chờ đợi và tìm kiếm. Tôi nghĩ, việc chúng tôi quay trở lại Kooyong thật là tuyệt vời. Tôi yêu mến CLB này, yêu mến địa điểm thi đấu này, đây là một sân đấu tuyệt vời, một mặt sân cỏ tuyệt vời và là một nơi cực kỳ đặc biết”, Hewitt cho biết. Và sẽ còn là đặc biệt hơn nếu Hewitt nâng tỷ số lên thành 2-0 khi đối đầu với Courier ở Davis Cup. Anh có lợi thế sân bãi, có chất lượng các tay vợt vượt hơn đối thủ. Cái thiếu duy nhất là kinh nghiệm mà thôi.

Khi cùng làm bình luận viên cho Kênh truyền hình Channel Seven ở Australian Open hồi tháng Giêng năm nay, dù đứng ở 2 vị thế hoàn toàn đối lập, Lleyton Hewitt và Jim Courier hầu như không hề nhắc đến cuộc đối đấu giữa 2 người ở Kooyong vào đầu tháng 3.

Ngay cả khi không lên sóng, bộ đôi này cũng trao đổi rất ít về vấn đề “tế nhị” ở Davis Cup. Hewitt thừa nhận: “Trừ phi BLV Bruce McAvaney (người giữ vai trò trung gian giữa 2 BLV có phong cách đối lập là Hewitt và Courier) bình luận về chuyện đó vài lần, cả 2 chúng tôi giống như thể không hề đến đó. Đó thật sự là một điều kỳ lạ. McAvaney đã hỏi về mặt sân ở Kooyong, rằng chúng tôi từng chơi trên mặt sân cỏ bao nhiêu lần và vài thứ tương tự, đó hoàn toàn chỉ là vì người Mỹ ít khi thi đấu trên mặt sân cỏ. Chỉ nói như vậy mà tưởng như đã là quá nhiều”.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục