Quần vợt và Olympic: Nhớ lại, suy nghĩ. Kỳ 1: Seoul, nơi khởi nguồn

Seoul, nơi khởi nguồn của khát vọng
Quần vợt và Olympic: Nhớ lại, suy nghĩ. Kỳ 1: Seoul, nơi khởi nguồn

Để quần vợt quay về lại mái nhà Olympic là cả một quá trình kể từ Olympic Los Angeles 1984. Dù vậy, ở Los Angeles hồi đó, quần vợt vẫn chỉ được giới thiệu như là một môn thể thao biểu diễn (thành tích thi đấu không tính vào bảng tổng sắp huy chương) dành cho các tay vợt… dưới 20 tuổi. Hai danh hiệu vô địch thời đó thuộc về Stefan Edberg và Steffi Graf…

Steffi Graf sau khi giành HCV ở Olympic Seoul 1988.

Steffi Graf sau khi giành HCV ở Olympic Seoul 1988.

Seoul, nơi khởi nguồn của khát vọng

Dù Olympic tại Los Angeles là nơi quần vợt tái xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng (trước đó ở Olympic Mexico 1968, quần vợt từng một lần quay trở lại nhưng chỉ là môn thể thao biểu diễn), Olympic tại Seoul mới chính là nơi khởi nguồn của khát vọng, của sự trở lại. Nhưng lúc đó, những mâu thuẫn, xung đột rất lớn, người ta vẫn tranh cãi xung quanh việc có nên để cho các tay vợt chuyên nghiệp thi đấu ở đấu trường Olympic hay không, dù ở một số môn khác như điền kinh, chuyện này là bình thường.

Ông Chatrier nhớ lại: “Chúng tôi không muốn một tay vợt đẳng cấp hạng Ba trở thành nhà vô địch Olympic”. Trong khi đó, ông Owen Williams - người điều hành World Championship Tennis (tiền thân của ATP) - thì có suy nghĩ: “Tôi đã có những cảm xúc lẫn lộn. Xét về mặt cá nhân, tôi không nghĩ quần vợt thuộc về Olympic, tôi không nghĩ đó là nơi mà Boris Becker - người kiếm được 5 triệu USD mỗi năm - có thể thi đấu. Nhưng IOC luôn có 2 mặt. Các thành viên ở đó đã tự lừa dối bản thân trong suốt 50 năm rằng họ vẫn đang điều hành một sự kiện thể thao lớn dành cho các VĐV nghiệp dư”.

Chính các tay vợt lúc đó vẫn chưa ý thức được vinh dự khi hiện diện ở đấu trường Olympic. Hai trong số nhiều lý do là vì đánh giải Olympic vừa không có tiền thưởng, vừa không được điểm thưởng trên bảng xếp hạng. Thế là đến với Seoul, chỉ có mỗi mình tay vợt thuộc Top 8 là Edberg tham gia, vậy mà Edberg chỉ giành HCĐ.

Một trong các tay vợt nổi tiếng quyết định không tham gia thi đấu là John McEnroe. Khi đó, ông vẫn hoài nghi Olympic thật sự có ý nghĩa như thế nào với các tay vợt dù sau này chính ông thừa nhận cảm thấy hối tiếc khi không đến Seoul: “Theo một cách nào đó, tôi không thể phủ nhận rằng tôi từng mong ước mình thi đấu và giành 1 HCV. Nhưng tôi không nghĩ rằng tất cả các tay vợt đều có thể đánh đồng đẳng cấp Olympic với Grand Slam”.

Tất nhiên, khi mọi chuyện đã trôi qua, không cần biết bạn suy nghĩ gì, hay từng lên tiếng phản đối, có một sự thật lịch sử mà bạn chẳng thể chối bỏ: Olympic Seoul 1988 là cột mốc để đưa quần vợt tiến lại gần hơn với thể thao nói chung. Seoul chính là nơi khởi nguồn của khát vọng Olympic đối với quần vợt…

“Golden Slam” của Graf

Agassi chắc chắn sẽ… mãi mãi hối tiếc, nhưng ít ra anh vẫn có cơ hội sờ lên tấm HCV Olympic ở Seoul. “Của chồng, công vợ”, khi Steffi Graf thắng HCV đơn nữ hồi năm 1988, có lẽ cô không nghĩ rằng có ngày cô ngồi vuốt ve chiếc huy chương danh giá ấy cùng với Agassi - chồng của cô hiện giờ. Và chắc chắn, chính Graf cũng không thể ý thức được rằng việc cô thắng tấm HCV đó giờ đây lại có ý nghĩa lớn lao trong quần vợt. Cô đã thắng “Golden Slam” - dành cho tay vợt đã sưu tập đủ bộ 4 danh hiệu Grand Slam và cả HCV Olympic.

Nhưng Graf còn “cao tay” hơn, cô thắng “Calendar Year Golden Slam” (thắng cả 4 danh hiệu Grand Slam và HCV Olympic trong cùng một năm). Hiện cô là tay vợt duy nhất tạo nên kỳ tích này. Graf bày tỏ: “Thắng HCV Olympic là một trải nghiệm khác hẳn việc đăng quang Grand Slam, nhưng tôi phải nói rằng tôi đã đề cao Olympic hơn. Cảm giác khi bạn thi đấu cho đất nước mình rất đặc biệt. Đến với Seoul, trở thành một phần của Olympic, cư trú trong làng thế vận với VĐV khác, đó là những ký ức mạnh nhất”.

"Tôi muốn các tay vợt được sánh vai với Edwin Moses, Ben Johnson và Carl Lewis - những VĐV hàng đầu làm ra tiền. Tôi cầu xin cho những VĐV chuyên nghiệp của chúng ta không bị phân biệt đối xử. Khi tôi nghe đến chuyện tiền của họ đang trên đường đến, tôi hy vọng người ta sẽ gỡ bỏ sự ghét bỏ, để cho những nhà triệu phú của tôi được yên"

Cựu Chủ tịch Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF),
Philippe Chatrier bày tỏ hồi năm 1988

Đỗ Hoàng

Tin cùng chuyên mục