Toàn cảnh US open 2009- Kỳ 5: Chuyện về “những người lạ”

Họ còn trẻ măng… Họ đã tạo ra được một kỳ giải Grand Slam đình đám dù trước đây còn rất lạ lẫm với giải đấu đẳng cấp cao nhất này. Họ đều đến từ châu Âu - Tây và Bắc Âu, từ Bỉ và Đan Mạch. Họ là Yanina Wickmayer và Caroline Wozniacki. Họ là “những người lạ” nhưng hứa hẹn sẽ trở nên thân quen hơn trên bục vinh quang của WTA Tour…
Toàn cảnh US open 2009- Kỳ 5: Chuyện về “những người lạ”

Họ còn trẻ măng… Họ đã tạo ra được một kỳ giải Grand Slam đình đám dù trước đây còn rất lạ lẫm với giải đấu đẳng cấp cao nhất này. Họ đều đến từ châu Âu - Tây và Bắc Âu, từ Bỉ và Đan Mạch. Họ là Yanina Wickmayer và Caroline Wozniacki. Họ là “những người lạ” nhưng hứa hẹn sẽ trở nên thân quen hơn trên bục vinh quang của WTA Tour…

“Đừng quên Yanina”

US Open 2009 đã khép lại được hơn một tuần, tuy nhiên, những ấn tượng do giải đấu này mang lại hẳn sẽ còn khiến rất nhiều người nhớ mãi. Lần đầu tiên, một tay vợt không được xếp hạt giống, nhận suất đặc cách và là bà mẹ của một cô bé con 18 tháng tuổi (vừa quay trở lại quần vợt chuyên nghiệp chỉ hơn một tháng qua) đăng quang ngôi vô địch đơn nữ một cách ngoạn mục. Lần đầu tiên kể từ hồi đầu năm 2008 cho đến nay, chức vô địch đơn nam ở một kỳ Grand Slam… không thuộc về bộ đôi Roger Federer - Rafael Nadal. Có rất nhiều bất ngờ, có rất nhiều biến cố đã xảy ra trong hơn 2 tuần nóng bỏng ở Flushing Meadows với đủ “hỷ, nộ, ái, ố”.

Trong một tuyên bố gần đây, sau khi nhận được tin Justine Henin sẽ quay lại với quần vợt chuyên nghiệp, Kim Clijsters - nhà tân vô địch của US Open - lên tiếng nhắc nhở rằng: “Xin đừng quên Yanina”. Ý cô muốn nói đến tay vợt nữ trẻ đồng hương Yanina Wickmayer (mới 19 tuổi), người đã lọt đến tận trận bán kết ở US Open 2009 và thành tích này chỉ bị lu mờ bởi vì… Clijsters đã quá xuất sắc và sáng chói ở trận chung kết.

Đất nước Bỉ nhỏ bé (chỉ có 10 triệu dân) lại một lần nữa trở thành tâm điểm của giới mộ điệu quần vợt - vì Clijsters đăng quang, vì Henin quay trở lại, và cũng vì sự xuất hiện bất ngờ nhưng tuyệt vời của Yanina.

Mỗi khi Yanina giận dữ, cô thường hét vang: “Whoopee!” (“hoan hô”, theo  nghĩa Mỹ) sau từng cú đánh của mình. Đó là một hình ảnh rất… lạ lẫm nhưng dần dần lại trở nên quen thuộc, khi Yanina phiêu lưu đến tận trận bán kết US Open và suýt chút nữa tạo ra trận chung kết Grand Slam “toàn Bỉ” thứ 4 trong lịch sử - chỉ cần cô đánh bại được Carolin Wozniacki, đối thủ của cô ở trận chung kết US Open 2009 không ai khác chính là “đàn chị” đồng hương Clijsters. Với thành tích ở Flushing Meadows, Yanina đã leo lên vị trí thứ 22 trên bảng điểm xếp hạng của WTA và giờ đây, nếu ai cố tình lãng quên cô, đó sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn.

Ai cũng tin rằng sau thành công ở US Open, Yanina sẽ có một tương lai rạng rỡ. Phát triển dưới cái bóng của cả Henin lẫn Clijsters dĩ nhiên chịu nhiều áp lực, nhưng rõ ràng, cô gái 19 tuổi này (sinh ngày 20-10-1989 tại Lier, Bỉ) đã biết cách thích nghi và vượt qua những áp lực luôn đè nặng lên đôi vai của mình. “Chiến tích” của Yanina ở US Open 2009 chính là minh chứng to lớn nhất, rằng rốt cục thì Yanina cũng sẽ thành công, tiếp tục thành công. Clijsters lạc quan nhận xét: “Thành tích ở US Open của Yanina đương nhiên là rất khả quan. Trước đây, người ta chỉ nói về tôi và Justine, nhưng Yanina cũng đã trình diễn thật tuyệt vời”.

Người Bỉ trầm lặng

Tuy mới 19 tuổi, Yanina lại có thâm niên thi đấu chuyên nghiệp đến 5 năm (cô chuyển sang chơi chuyên nghiệp từ năm 2004). Trong quãng thời gian dài đăng đẳng ấy, Yanina hiếm khi tạo ra ấn tượng đặc biệt ở WTA Tour. Một phần là vì cái bóng của Henin và Clijsters vẫn rất lớn. Một phần khác cũng vì cô không tự tạo ra những thành công đáng kể khiến mọi người phải chú ý. Công bằng mà nói, không phải do Yanina không có năng lực, mà ban đầu, do cô không tự tin nên thường chỉ thi đấu các giải đấu ở đẳng cấp ITF (có tiền thưởng và điểm thưởng rất ít). Việc Yanina giành được vài ba danh hiệu ITF đương nhiên không thể gây ra sự chú ý.

Yanina Wickmayer - người Bỉ trầm lặng… đã lên tiếng.

Yanina Wickmayer - người Bỉ trầm lặng… đã lên tiếng.

Quyết định chuyển lên chơi các giải đấu thuộc hệ thống giải WTA Tour, Yanina thua tan nát trong nguyên mùa giải 2008. Đến mùa giải 2009, sau 5 trận thua đầu mùa, cô mới tìm được chiến thắng đầu tiên trong sự nghiệp ở đẳng cấp WTA Tour khi đánh bại Magdalena Rybarikova 6/3, 6/2 ở vòng 1 Indian Wells… Và cho đến giải đất nện tại Estoril (Bồ Đào Nha), cái tên Yanina mới thật sự bước ra ánh sáng khi cô thắng trọn vẹn cả 5 trận đấu tại giải và đăng quang ngôi vô địch WTA đầu tiên trong sự nghiệp trầm lặng của mình. Chiến thắng của Yanina khiến một số người Bỉ nhận ra, ngoài Henin và Clijsters, họ còn có một… Yanina lạ hoắc!

Sau thành công ở Estoril, Yanina bắt đầu tự tin hơn hẳn. Mật độ đăng ký thi đấu ở các giải cấp ITF của Yanina bắt đầu sụt giảm rõ rệt, các trận thắng ở đẳng cấp WTA Tour cũng bắt đầu đến thường xuyên hơn (thắng Urszula Radwanska ở vòng 1 Roland Garros, thắng 3 trận ở Birmingham - lọt đến vòng tứ kết, thắng 4 trận ở S-Hertogenbosch - lọt đến tận trận chung kết, thắng 2 trận ở Los Angeles Championships, thắng Francesca Schiavone ở vòng 1 Cincinnati, thắng Alisa Kleybanova ở vòng 1 New Heaven và cuối cùng là thắng liên tục 5 trận ở US Open - chỉ chịu thua tay vợt á quân). Người Bỉ trầm lặng đã… bắt đầu lên tiếng!

Wozniacki - “kiều nữ” tóc vàng mới

Năm 2008, tay vợt nữ người Đan Mạch Caroline Wozniacki thắng giải “Phát hiện mới trong năm”, cô gái tóc vàng xinh đẹp này đã khiến cho nhiều người phải trầm trồ vì trông cô xinh không kém gì “búp bê tóc vàng Nga” Maria Sharapova. Tuy nhiên, dù nhận thấy Wozniacki là “làn sóng các tay vợt tài năng, trẻ trung sẽ ngự trị WTA trong tương lai”, không chuyên gia nào tin rằng cô lại có những bước tiến nhanh chóng đến như vậy. Kết thúc mùa giải 2008, cô lọt vào tốp 15 trên bảng điểm của WTA (được xếp hạng 12). Đến giữa năm 2009, cô đã lọt vào tốp 10 và thi đấu thành công ở US Open khiến cô leo lên ngôi hạng 5 thế giới. Quá nhanh chóng!

Xét về mức độ nổi tiếng, Wozniacki còn thua xa đàn chị “tóc vàng” Sharapova, hay những tay vợt xinh xắn khác như Maria Kirilenko (cũng tóc vàng người Nga), Ana Ivanovic. Wozniacki chỉ mới nổi lên trong vòng hơn một năm nay, độ “tiếp thị” của cô chưa nhiều, số lần hiện diện ở các kỳ Grand Slam của cô cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay - với thành tích tốt nhất trước US Open 2009 là lọt đến vòng 4 ở Wimbledon 2009 và US Open 2008. Tuy nhiên, thành công ở US Open mùa giải năm nay khiến mái tóc vàng của Wozniacki trở nên óng ánh hơn, và nổi tiếng hơn. Cô chỉ để thua đúng Clijsters - người xuất sắc nhất - ở trận chung kết.

Wozniacki - người nổi tiếng nhất trong... đại gia đình thể thao

Gia đình của Wozniacki là một gia đình sống và làm việc cùng thể thao. Cha cô - ông Piotr Wozniacki - là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người… Ba Lan (từng chơi cho các CLB Miedz Legnica và Zaglebie Lubin), còn mẹ cô - bà Anna - là cầu thủ của đội tuyển nữ bóng chuyền Ba Lan. Vì ông Piotr ký hợp đồng chuyên nghiệp cho một đội bóng Đan Mạch, cha mẹ Wozniacki đã chuyển sang Đan Mạch sinh sống và đã sinh Wozniacki ở đây. Anh trai cô - Patrik Wozniacki - cũng là một cầu thủ chuyên nghiệp hiện đang thi đấu cho CLB BK Frem. Chỉ có một mình Wozniacki theo nghiệp quần vợt và giờ đây, chỉ có mình cô… nổi tiếng nhất.

Caroline Wozniacki tươi tắn trên bục trao giải thưởng.

Caroline Wozniacki tươi tắn trên bục trao giải thưởng.

Do ảnh hưởng từ cha, mẹ và anh trai, Wozniacki cũng “ghiền” rất nhiều môn thể thao khác ngoài quần vợt. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên tờ Teen Vogue (một phiên bản của tạp chí Vogue lừng danh nhắm đến đối tượng phục vụ là những độc giả trẻ tuổi), khi được hỏi về những sở thích của mình, Wozniacki nói: “Tôi rất thích bóng ném (môn thể thao rất thịnh hành ở châu Âu - PV), bóng đá, bơi lội, chơi đàn piano và rất nhiều thứ khác nữa”. Cũng may, hồi đó ông Piotr hướng cho Wozniacki sang quần vợt mà không phải là… bóng đá, nếu như vậy, cô đã không trở thành “người lạ” ở US Open 2009 trước khi tiếng tăm nổi như cồn.

Người ta sẽ còn nói nhiều về Wozniacki, như là một kiều nữ tóc vàng xinh đẹp, được hiện diện đình đám trên các trang bìa tạp chí, trong các buổi dạ tiệc, liên hoan, trước ống kính máy quay. Nhưng trước hết, người ta sẽ còn nói nhiều về Wozniacki trên khía cạnh một phát hiện mới, một người đại diện tiêu biểu cho “làn sóng các tay vợt mới, trẻ trung và tài năng, là tương lai của WTA, sẽ thống trị thế giới quần vợt nữ sau này”. Cô gái người Đan Mạch và cô gái người Bỉ ở trên đang khiến người ta quên đi quyền lực của quần vợt Đông Âu và hy vọng họ cũng sẽ là “những người lạ” nhưng gặt hái được thành công ở các kỳ Grand Slam đình đám khác.

Đỗ Hoàng
(SGGP thể thao)

Toàn cảnh US Open 2009

- Kỳ 1: Người thắng - kẻ bại

- Kỳ 2: Kim Clijsters - từ một bà mẹ trở lại thành Nữ hoàng 

- Kỳ 3: Del Potro - người hùng mới 

- Kỳ 4: Malenie Oudin - đốm sáng Mỹ hiếm hoi  

Tin cùng chuyên mục