Toàn cảnh US Open 2009

Kỳ 2: Kim Clijsters - từ một bà mẹ trở lại thành Nữ hoàng

Quay trở lại thi đấu - một chuyến hành trình thú vị
Kỳ 2: Kim Clijsters - từ một bà mẹ trở lại thành Nữ hoàng

Nhặt rau, gói ghém đồ đạc, dọn bữa trưa, ru cho con ngủ… đó là những gì mà bà mẹ Kim Clijsters từng làm khi chăm lo cho gia đình nho nhỏ của mình trước tháng 8-2009, và đó cũng là những gì mà tân vô địch đơn nữ US Open sẵn sàng làm với niềm hạnh phúc lớn lao sau khi rời khỏi Flushing Meadows hồi tuần rồi. Từ một bà mẹ bình thường, Clijsters quay trở lại quần vợt chuyên nghiệp và nhanh chóng “chiếm lĩnh” ngôi Nữ hoàng ở US Open, và từ vị thế một Nữ hoàng, Clijsters sẵn sàng quay trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Cô chính là sự trở lại xuất sắc nhất trong lịch sử quần vợt thế giới…

“Quần vợt là thứ cuối cùng trong suy nghĩ của tôi”

Ngày 6-5-2007, khi Kim Clijsters tuyên bố giải nghệ trong sự tiếc nuối của đông đảo người hâm mộ, thậm chí, cô chẳng còn kịp đọc những dòng tin, những bài bình luận xem người ta nhận xét, hay đánh giá như thế nào với việc giã từ quần vợt chuyên nghiệp của cô. Cô bận bịu với tiệc cưới bí mật (hơn một tuần sau hình ảnh mới được… đăng nhỏ giọt trên mặt báo) cùng đức lang quân Brian Lynch. Ngay sau đó, Clijsters lại “bù đầu bù cổ” trong việc chăm sóc người cha bệnh tật của mình - ông Leo Clijsters (đã qua đời vì chứng ung thư phổi hồi đầu năm nay). Rồi cô lại có thai bé Jada Lynch…

Khoảnh khắc hạnh phúc trên bục trao giải khi đứng cạnh gia đình - ưu tiên hàng đầu của Clijsters.

Khoảnh khắc hạnh phúc trên bục trao giải khi đứng cạnh gia đình - ưu tiên hàng đầu của Clijsters.

“Tôi đã có thai, và tôi đã phải chăm sóc con nhỏ trong 9 tháng, cộng thêm bệnh tình của cha tôi, công việc nhà và nhiều thứ khác… quần vợt trở thành thứ cuối cùng trong suy nghĩ của tôi”, Clijsters tâm sự sau khi đăng quang ngôi vô địch Grand Slam thứ 2 trong sự nghiệp, “Tôi thậm chí còn không có nhiều thời gian cho bản thân mình. Vào buổi tối, khi bé Jada đã ngủ ngon giấc, tôi trở về nhà với mọi thứ công việc vẫn còn xoay vần xung quanh. Khi đó, tôi chỉ có khoảng 10, 15 phút chăm lo cho bản thân, đó cũng là một kiểu thư giãn lớn lao trong một ngày của tôi”.

Quay trở lại thi đấu - một chuyến hành trình thú vị

Sau khi tuyên bố mình sẽ tập luyện trở lại để quay lại thi đấu chuyên nghiệp, và mục tiêu là tìm kiếm suất đặc cách để tham dự US Open 2009, Clijsters “đăng ký” tham gia giải đấu… giao hữu ở buổi lễ chào mừng khánh thành mái che sân trung tâm tại khu tổ hợp All England Club (nơi tổ chức các kỳ Grand Slam đình đám). Sau trận đấu ở đó (Clijsters đánh cặp cùng với Tim Henman chống lại vợ chồng Andre Agassi và Steffi Graf), bà mẹ người Bỉ này thú nhận là cô mới chỉ… cầm lấy cây vợt và tập luyện đúng 3 hay 4 lần từ tháng 5-2007 cho đến giữa năm 2009. Bao nhiêu đó liệu có đủ để lại đeo đuổi quần vợt đỉnh cao?

Trong quần vợt, đẳng cấp luôn có chỗ đứng, và những tay vợt đẳng cấp khi quay trở lại thi đấu đều gặt hái được những kết quả rất đáng chú ý, rất khả quan - phiêu lưu từ một vị trí vô định trên bảng xếp hạng để quay trở lại “đỉnh cao” thế giới. Andre Agassi đã từng làm được như vậy. Jennifer Capriati cũng đã từng làm được như vậy. Tuy nhiên, điều đó cần thời gian, cần sự thích nghi, không thể có chuyện chỉ trong vòng một tháng sau khi trở lại, bạn đã… giành được một danh hiệu Grand Slam đình đám và danh giá. Đó là lý do HLV Wim Fissette từng cá với Clijsters rằng, nếu cô thắng US Open 2009, ông sẽ… cạo bộ tóc dài và dày của mình…

Những cảnh báo có cánh - đăng quang

Clijsters bên chiếc cúp vô địch US Open.

Clijsters bên chiếc cúp vô địch US Open.

Ngày 11-8, Clijsters đánh dấu sự trở lại của mình bằng chiến thắng vang dội trước tay vợt trẻ người Pháp hạng 12 thế giới Marion Bartoli ở Western & Southern Open. Đó là lời cảnh báo đầu tiên. Sau đó, hàng loạt những tín hiệu cảnh báo khác được phát đi, khi Clijsters hạ Patty Schnyder rồi Svetlana Kuznetsova (Nga, hạng 6 thế giới), sau đó thắng Elena Baltacha, Victoria Azarenka (Belarus, hạng 9 thế giới) ở Rogers Cup. Với những gì đã thể hiện, Clijsters trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ nhất ở US Open 2009 với bất kỳ hạt giống nào - do nhận suất đặc cách, cô có thể đụng phải bất kỳ hạt giống nào ngay từ những vòng ngoài và bấy nhiêu đó là quá đủ.

Số lượng “nạn nhân” của Clijsters liên tục gia tăng đột biến: Viktoria Kutuzova, rồi Marion Bartoli (lúc này đã tụt xuống hạng 14 thế giới), Kirsten Flipkens. Ở vòng 4 US Open, cô “bứng gốc” Venus Williams đình đám (Mỹ, xếp hạng 3 thế giới). Sau đó, cô lại loại Li Na ở tứ kết, và đến phiên Serena Williams nhận được sự cảnh báo ở bán kết (thua vì bị giám biên bắt lỗi giậm nhảy, Serena đã quay lại vặc cả giám biên và cô này đã bị cả thế giới chê bai vì điều đó). Đánh bại Serena, Clijsters thẳng tiến vào chung kết, và ở đây, cô đã hạ Caroline Wozniacki (Đan Mạch, hạng 9 thế giới) một cách thuyết phục. Bà mẹ một con đã đăng quang…

Dù đăng quang vẫn chỉ nghĩ về con 

Có thể, Clijsters đã giành được rất nhiều thứ ngay khi vừa quay trở lại, nhưng với cô, gia đình, con cái vẫn là mối ưu tiên hàng đầu. Cô quyết định không tham gia thêm bất kỳ giải đấu nào để quay trở về nhà chăm lo gia đình. Trước mắt, Clijsters sẽ không bảo vệ thứ hạng 19 mà cô vừa tạo dựng được. Cô cho biết: “Khi tôi ở cùng với con gái của tôi, tôi không nghĩ một chút gì về quần vợt. Ngay cả ở trước trận chung kết, với những gì diễn ra xung quanh, tôi vẫn suy nghĩ về con của mình, và chúng tôi vẫn ở bên cạnh bé và chơi đùa với bé khi có cơ hội. Chỉ có vài thời điểm, quần vợt quay trở lại trong suy nghĩ của tôi - đó là trong trận chung kết với Wozniacki”.

Clijsters trong vòng vây người hâm mộ khi vừa xuống phi trường Brussels (Bỉ).

Clijsters trong vòng vây người hâm mộ khi vừa xuống phi trường Brussels (Bỉ).

Quả thật khó để quay trở lại làm một tay vợt chuyên nghiệp, khi mình vẫn đang làm mẹ. Clijsters tâm sự: “Đôi lần, khi tôi đang ngồi trong xe chuẩn bị ra sân, tôi ngoái lại nhìn về phía cổng chính của căn hộ, và tôi thấy con tôi đang khóc. Tôi đã phải quay trở lại, và ôm chặt con trong tay của mình. Rồi tôi nói: “Con à, mẹ đi tập đây” hay “Mẹ ra sân nha con”, và con bé vẫy tay chào, nói: “Tạm biệt”. Con bé biết tôi sẽ quay lại, mọi lúc, mọi nơi”. Và Clijsters đã quay lại, lần này, có đôi chút màu sắc huyền hoặc, có đôi chút ánh sáng chói lọi, có đôi chút hào quang, nhưng người mẹ vẫn là người mẹ, dù có thêm Grand Slam thứ 2 cho mình.

Một Clijsters mạnh mẽ hơn, giỏi GIang hơn

Clijsters ngày nay còn giỏi hơn Clijsters ngay xưa.

Clijsters ngày nay còn giỏi hơn Clijsters ngay xưa.

Đến bây giờ, mọi chuyện vẫn còn rất… mới mẻ. Khi Clijsters đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị rời khỏi Flushing Meadows, chồng cô hỏi: “Sao em lại lắc đầu”. Cô trả lời: “Vì em vẫn chưa tin được những gì đã diễn ra”. Cũng chính vì không tin những gì có thể diễn ra, HLV Fissette đã phải chấp nhận cho “thợ cạo” cạo trụi lủi bộ tóc của mình, và thợ cạo không ai khác chính là Clijsters. Ai dám tin Clijsters đồng loạt hạ gục cả 2 chị em nhà Williams. Ở giai đoạn đỉnh cao phong độ trong quá khứ, Clijsters cũng khó có thể hạ gục cả 2 chị em nhà Williams và đăng quang Grand Slam trong sự “tâm phục” của tất cả mọi người.

Ngoài những “vũ khí” lợi hại vẫn còn được gìn giữ - những cú giao trả lợi hại từ cuối sân, những pha di chuyển nhanh nhẹn và linh hoạt, Clijsters còn tỏ ra lợi hại hơn vì tâm lý hoàn toàn thoải mái. Cô đã trở thành một tay vợt giỏi hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, không phải là một Clijsters của “thời xưa đỉnh cao”. “Tôi cảm thấy rất thoải mái”, Clijsters tâm sự, “Vì tôi có lợi thế tâm lý. Trong quá khứ, tôi cũng từng có những mảng chắp vá khá ổn thỏa khi chơi với Serena, nhưng không bao giờ tôi có thể trải qua những khoảnh khắc ấn tượng như thế này, không bao giờ có việc tôi giữ vững một nhịp điệu chiến đấu cho đến hết trận đấu”.

TIỂU SIÊU

>> Kỳ 1: Người thắng - kẻ bại

Tin cùng chuyên mục