Toàn cảnh US Open 2009

Kỳ 1: Người thắng - kẻ bại

Kẻ thất bại Andy Murray
Kỳ 1: Người thắng - kẻ bại

US Open 2009 đã khép lại được hơn một tuần, tuy nhiên, những ấn tượng do giải đấu này mang lại hẳn sẽ còn khiến rất nhiều người nhớ mãi. Lần đầu tiên, một tay vợt không được xếp hạt giống, nhận suất đặc cách và là bà mẹ của một cô bé con 18 tháng tuổi (vừa quay trở lại quần vợt chuyên nghiệp chỉ hơn một tháng qua) đăng quang ngôi vô địch đơn nữ một cách ngoạn mục. Lần đầu tiên kể từ hồi đầu năm 2008 cho đến nay, chức vô địch đơn nam ở một kỳ Grand Slam… không thuộc về bộ đôi Roger Federer - Rafael Nadal. Có rất nhiều bất ngờ, có rất nhiều biến cố đã xảy ra trong hơn 2 tuần nóng bỏng ở Flushing Meadows với đủ “hỷ, nộ, ái, ố”.

Người chiến thắng: Roger Federer

Ở US Open 2009, Federer vừa là người chiến thắng, vừa là kẻ thất bại.

Ở US Open 2009, Federer vừa là người chiến thắng, vừa là kẻ thất bại.

Có thật sự Roger Federer là người chiến thắng hay không, khi mà anh không thể duy trì “triều đại” thống trị tuyệt đối của mình ở US Open thêm 1 năm nữa. Khi Juan Martin del Potro chặn đứng tay vợt số 1 thế giới người Thụy Sĩ trong trận chung kết kịch tính kéo dài 5 ván đấu, anh không chỉ đặt dấu chấm hết cho chuỗi 41 trận thắng liên tiếp của Federer, anh còn khiến mọi người hiểu rằng, Federer đã “xuống thang” sau quãng thời gian ngự trị tột đỉnh ở Flushing Meadows từ hồi năm 2004.

Thật ra, khi Federer bước lên bục trao giải và nhận danh hiệu á quân, đó không phải là khoảnh khắc của thất bại, mà đó chính là cái thời điểm để mọi người nghiêng mình thán phục anh, với những gì anh đã cống hiến cho US Open - bất chấp chấn thương, suy giảm phong độ, tinh thần suy sụp hay những ảnh hưởng của cuộc sống thường nhật. Khi “triều đại” Federer suy tàn, người ta hẳn sẽ còn phải chờ rất lâu mới có thể tìm ra một “Nhà vua” thành công và mẫu mực tương tự.

Kẻ thất bại Cũng là Roger Federer

Đương nhiên, nếu gạt qua những thành công trong quá khứ, chỉ xem xét US Open 2009 trên một khía cạnh hoàn toàn độc lập thì đây là một thất bại rõ ràng của Federer. Trước tiên, việc một nhà ĐKVĐ giải chỉ giành ngôi á quân đã là một thất bại. Thứ hai, việc không chạm mặt Rafael Nadal từng giúp Federer đăng quang ở Roland Garros và Wimbledon trong năm nay, nhưng điều đó lại không thể khiến anh duy trì trạng thái chiến thắng ở US Open 2009 cũng là một thất bại khác!

Thứ ba, không gian khó như Del Potro, con đường vào đến trận chung kết của Federer hầu như rất dễ dàng, anh không phải đối mặt với một thách thức đáng kể nào - kể cả trước tay vợt hạng 4 thế giới người Serbia Novak Djokovic, nhưng Federer đã không thể thể hiện được chính mình trong trận đấu then chốt cuối cùng. Thứ tư, anh đã có một hành động không đẹp trong trận chung kết, khi lần đầu tiên đánh mất vẻ bóng bẩy của một quý ông một cách rất… quá đáng, anh đã văng tục với trọng tài chính…

Người chiến thắng Kim Clijsters

Câu chuyện tuyệt đẹp nhất ở US Open 2009 chính là sự xuất hiện trở lại của Kim Clijsters - nhà vô địch giải đấu năm 2005 - sau nhiều năm vắng bóng (Clijsters không tham gia US Open 2006 vì chấn thương và… giải nghệ ở US Open 2007). Chưa hết, cô gái người Bỉ kiên cường này - giờ đã thành bà mẹ của một bé gái xinh xắn 18 tháng tuổi - đã lần lượt đánh bại nhiều tay vợt danh tiếng, trong đó có chị em nhà Williams - trước khi khi hạ Caroline Wozniacki để đăng quang một cách ngoạn mục.

Kẻ thất bại Andy Roddick

Dù được dư luận nước nhà kỳ vọng rất lớn. “Quả bom” Roddick hóa ra đã trở thành một… “quả bom xịt”. Đây chẳng phải là thứ người Mỹ mong chờ, nhưng cuối cùng, họ phải cay đắng đón nhận. Không có chút cảm hứng, không có khả năng sáng tạo, không có cả kế hoạch… B, Roddick đã bị “đưa tiễn” về nhà bởi người “đàn em” nhỏ hơn về tuổi tác nhưng vượt trội về tầm vóc và khả năng thi đấu trong một trận đấu ở vòng 3. Và nên nhớ, đây là lần thứ 2 liên tiếp, Roddick để thua trước một “đàn em”.

Thật ra, ai cũng biết Roddick đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, thậm chí đã trượt rất dài. Nhưng “chiến công” thua Federer trong trận chung kết Wimbledon kịch tính dài 5 ván đấu khiến người ta đôi phần phải ảo tưởng về anh. Thực chất, Roddick vẫn là một Roddick bất lực, nóng nảy trong từng đường bóng, và không thật sự thắp lên sự tự tin cần thiết để thành công. Bên cạnh Serena, anh là kiểu “bi kịch Mỹ” đau đớn nhất ở US Open mùa giải năm nay.

Người chiến thắng Juan Martin del Potro

Tay vợt trẻ 21 tuổi người Argentina đã tỏa sáng rực rỡ, anh đăng quang sau khi đốn hạ cả Rafael Nadal lẫn Roger Federer, điều không có mấy người làm được trong 3, 4 năm trở lại đây. Những cú đánh cuối sân mang tính chiến thuật lợi hại của Del Potro đã giúp anh trở thành con người xứng đáng nhất, và anh đang khiến cả đất nước Argentina trở nên sôi sục khi tiếp bước thành công huyền thoại Guillermo Vilas. Chiến thắng của Del Potro giúp người ta tin rằng, các tay vợt trẻ vẫn có khả năng…

Kẻ thất bại Serena Williams

Serena - thất bại cả về thành tích lẫn phong cách.
Serena - thất bại cả về thành tích lẫn phong cách.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên cả! Đơn thuần với việc không bảo vệ được ngôi vô địch dù trước đó đã rất “lớn lối”, Serena đã thất bại thảm hại. Đó là chưa kể đến việc cô xấn xổ tranh cãi tay đôi với một giám biên vì cho rằng bà này phạt cô lỗi giậm nhảy khi giao bóng hoàn toàn sai bằng những ngôn từ không hề dễ chịu một chút nào. Chắc chắn, hàng ngàn khán giả hiện diện trên sân Arthur Ashe hôm ấy sẽ không thể quên việc Serena đòi “tọng” quả banh nỉ vào… họng của vị giám biên.

Dù Serena - dưới sự trợ giúp nhiệt tình của cô chị Venus Williams - đã có màn xin lỗi khá thành thật trước đại chúng trong trận chung kết đôi nữ diễn ra sau đó 1 ngày, hình ảnh “nữ hoàng” - như cô từng ám chỉ - đã hoen màu. Serena là một tay vợt giỏi. Nhưng cô cần xem lại cách cư xử của mình và chắc chắn một điều, nếu cô đã để thua Clijsters trong một trận đấu sòng phẳng thì chưa hẳn cô xứng đáng là “số 1 WAT” như những gì báo giới Mỹ từng cố gắng truyền tụng và nhồi nhét bấy lâu nay…

Người chiến thắng Melanie Oudin

Oudin - điểm sáng chiến thắng hiếm hoi của người Mỹ ở US Open.

Oudin - điểm sáng chiến thắng hiếm hoi của người Mỹ ở US Open.

Dù sao, người Mỹ vẫn tìm được một điểm tựa - cô gái trẻ trung 17 tuổi “khắc tinh của người Nga” Oudin - dù rằng từ điểm tựa này, quần vợt Mỹ có thể… nhấc bổng cả “hành tinh ATP” lên được hay không thì… vẫn chưa thể biết được.

Trong khung cảnh tranh tối - tranh sáng của những tên tuổi người Mỹ liên tục gây thất vọng, liên tục rơi rụng, Oudin đã càn quét những người Nga danh tiếng như Elena Dementieva, Maria Sharapova. Cô chỉ chịu dừng bước ở tứ kết, trong tư thế ngẩng cao đầu.

Kẻ thất bại Andy Murray

Murray - tay vợt lớn của những giải đấu nhỏ, tay vợt nhỏ của những giải đấu đình đám.

Murray - tay vợt lớn của những giải đấu nhỏ, tay vợt nhỏ của những giải đấu đình đám.

Hy vọng càng nhiều - thất vọng càng cao. Đó là hình ảnh của tay vợt số 1 Anh quốc Andy Murray, người sẽ vẫn mãi chết dí với cái tên “tay vợt lớn của những giải đấu nhỏ” (tương tự như Dinara Safina ở giải nữ vậy).

Ở giải đấu mà có người còn đánh giá anh cao hơn cả Nadal, Federer, Murray lại bị loại một cách sớm sủa ở vòng 4 bởi Marin Cilic khi thể hiện một phong độ rất kém cỏi, một tinh thần bạc nhược. Murray cần cải thiện rất nhiều nếu muốn trở thành một tay vợt lớn thật sự.

Người chiến thắng: Thời tiết

Lần thứ 2 liên tiếp, trời mưa đã khiến giải đấu lừng danh US Open phải dời sang đến tuần thi đấu thứ 3. Có rất nhiều thứ đã phát sinh sau sự kiện không đáng có này, về khán giả, về phía các tay vợt, tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình, lịch truyền hình trực tiếp, các chương trình quảng cáo. Điều đó lại một lần nữa khiến giới hâm mộ muốn BTC giải thích câu hỏi: “Có nên lắp ráp mái che cho sân đấu hay không”. Câu trả lời là: “Nếu không muốn… thời tiết lại chiến thắng lần nữa”.

Kẻ thất bại: Tất cả những người Mỹ

Bỏ qua chuyện chị em nhà Williams đồng loạt rơi đài trước một người duy nhất, việc các tay vợt nam Mỹ chơi rất kém khiến nhiều khán giả nhà phiền lòng. Khi John Isner để thua Fernando Verdasco ở vòng 4, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 128 năm của US Open, nước Mỹ không có một đại diện nào ở tứ kết. Roddick thành “bom xịt”, James Blake tiếp tục trượt dốc, Taylor Dent khó lấy lại phong độ, những Sam Querry, Isner là tương lai, nhưng tương lai chưa bao giờ đủ tầm…

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục